Theo trang Diplomat ngày 7.8, chiếc oanh tạc cơ Tu-22M3M đầu tiên được nâng cấp sẽ được trình làng và bắt đầu thử nghiệm trên bộ từ ngày 16.8 tới.
Ông Alexander Konyukhov, lãnh đạo Công ty hàng không - quốc phòng Tupolev, gần đây nói với hãng tin Interfax: dự kiến trong quý 3.2018, chiếc máy bay chiến lược - tấn công trên biển này sẽ có chuyến bay đầu tiên, đến tháng 10 sẽ bàn giao cho Không quân Nga (RAS).
Chiếc Tu-22M3M là một kiểu máy bay siêu thanh từng được giao cho không quân và hải quân không quân Liên Xô hồi những năm 1970. Hiện RAS có khoảng 60 chiếc Tu-22M3M nhưng một nửa thường không thể bay.
RAS từng tuyên bố sẽ nâng cấp khoảng 30 chiếc Tu-22 để đạt chuẩn M3M từ năm 2020, theo RIA Novosti. Một chiếc Tu-22 đạt chuẩn M3M có thể được trang bị các tên lửa sát thương kinh hoàng, và giữ vai trò như một máy bay tấn công trên biển có thể mang bom hạt nhân, điều sẽ khiến nó là một thách thức nghiêm trọng cho đối thủ.
Khâu nâng cấp chiếc này chú trọng hiện đại hóa các tổ hợp thiết bị và hệ thống điện - điện tử trên máy bay, có nhiệm vụ thực hiện các yêu cầu về thông tin liên lạc, dẫn đường và điều khiển máy bay của phi công, có thể tự động kiểm tra và sửa lỗi.
Tổ hợp hiện đại này còn có hệ thống kiểm soát vũ khí hiện đại, cho phép chiếc Tu-22M3M phóng tên lửa không đối đất được điều hướng chính xác, gồm tên lửa chống hạm tầm xa và tên lửa phóng từ trên không.
Theo các nguồn tin quân sự Nga, chiếc Tu-22M3M sẽ được cài tên lửa hành trình tầm xa Kh-32, cùng các loại tên lửa khác.
Tên lửa Kh-32 là phiên bản nâng cấp của tên lửa chống hạm tầm xa Raguda Kh-22, được thiết kế đặc biệt để tấn công nhóm tàu tấn công của tàu sân bay Mỹ.
Nhưng tên lửa Kh-32 cũng có thể dùng vào việc tấn công các mục tiêu trên bộ. Có thông tin nó được thiết kế để bay cao 40km rồi nhào thẳng xuống mục tiêu, hoặc tự xử lý một cú "lao" nhẹ hơn và tiếp cận mục tiêu khi bay cách mặt đất khoảng 100 - 200m.
Tên lửa Kh-32 được cho là có tầm bay 1.000km, và có thể đạt tốc độ tối đa Mach 4 ở giai đoạn bay cuối.
Chiếc Tu-22M3M có thể mang 3 tên lửa Kh-32 hoặc 12 tên lửa đạn đạo Rhaduga Kh-15, và 2 loại tên lửa này đều có thể gắn đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn quy ước.
Nó còn được gắn súng pháo GSH-23 (23 ly) ở ụ súng điều khiển từ xa phía đuôi máy bay.
Tổng cộng, chiếc Tu-22M3 có thể mang 24.000kg vũ khí gồm tên lửa và bom hạt nhân, tiếp tục sử dụng hai động cơ Kuznetsov NK-25, có thể đạt tốc độ tối đa 900km/giờ và có tầm bay 7.000km mà không cần tiếp nhiên liệu.
Theo Business Insider, chiếc Tu-22M3M là đối thủ của chiếc B-1B Lancer, kiểu máy bay siêu thanh duy nhất của Mỹ, có khoang chứa lớn nhất trong số các máy bay ném bom hiện tại của Mỹ.
Chiếc B-1B Lancer có thể mang nhiều loại vũ khí chứa trong 3 khoang riêng biệt, với trọng lượng lên tới 76,4 tấn bom, hoặc mang tên lửa không đối đất mở rộng tầm bắn JASSM-ER, với độ chính xác cao trong phạm vi 800km.
Trong trường hợp tấn công thực sự, kiểu máy bay ném bom phi hạt nhân này sẽ có sự hỗ trợ thông tin do thám của vệ tinh và máy bay không người lái, có các chiến đấu cơ yểm trợ, máy bay tác chiến điện tử và máy bay tiếp liệu trên không KC-135 bơm xăng.
Máy bay B-1B đã được cải tạo, không còn thuộc lực lượng hạt nhân của Mỹ, nhưng có thể chứa nhiều vũ khí quy ước.