Khu vực "cận không gian", bắt đầu ở độ cao từ 20 km so với mặt biển, hiện vẫn được xem là "vùng chết" của máy bay không người lái (drone).
Nguyên nhân là ở độ cao này, không khí loãng khiến quá trình tạo lực nâng gặp khó khỏa, và nhiệt độ cực thấp khiến các thành phần điện tử, như pin, có nguy cơ bị hỏng.
Tuy nhiên, loại drone mới đang được Trung Quốc thử nghiệm dường như có khả năng vượt qua những thách thức trên, đánh dấu một bước tiến quan trọng đối với tham vọng thống trị khu vực cận không gian vì mục đích tình báo quân sự của Bắc Kinh.
Khu vực "cận không gian" từ lâu được xem là một khu vực đầy hứa hẹn đối với các cơ quan tình báo nhưng vẫn chưa được khai thác vì nó quá cao đối với hầu hết máy bay nhưng lại quá thấp đối với vệ tinh.
Mục tiêu của các nhà khoa học là phát triển một phương tiện bay hoạt động ở khu vực "cận không gian" có khả năng quan sát các khu vực rộng lớn trong nhiều tuần, nhiều tháng và thậm chí là nhiều năm. Drone được đánh giá là một trong những cách tốt nhất để chinh phục mục tiêu trên.
Đến thời điểm hiện tại, máy bay trinh sát không người lái Northrop Grumman RQ-4 Global Hawk đang là loại drone có khả năng bay cao nhất (tối đa 19km).
Tuy nhiên, vào tháng trước, một cơ sở nghiên cứu ở khu vực Nội Mông đã thử nghiệm thành công mẫu drone có thể hoạt động ở độ cao 25 km.
Cuộc thử nghiệm bao gồm 2 drone được đưa lên cao bằng khí cầu trước khi được triển khai ở các độ cao khác nhau. Chiếc drone thứ hai được triển khai ở độ cao 9 km.
Mỗi drone có kích thước cỡ một con dơi, được phóng lên bằng xung điện từ giúp chúng tăng tốc từ 0-100 km/giờ trong tích tắc.
"Chúng được phóng bay đi như một viên đạn" – ông Yang Yanchu, nhà khoa học đứng đầu dự án tại Viện Quang điện, thuộc Viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết.
Những drone sau đó sẽ di chuyển về phía các mục tiêu cách đó hơn 100 km, tự động điều chỉnh lộ trình bay và độ cao mà không cần con người can thiệp. Các cảm biến trên máy bay sẽ thu thập thông tin và gửi về trạm kiểm soát ở mặt đất.
Đặc biệt, những drone trên hầu như không bị radar phát hiện nhờ kích thước nhỏ của chúng. "Mục tiêu của chúng tôi là triển khai hàng trăm drone loại này trong một lần phóng, giống như một đàn ong hay một đàn kiến" – ông Yang khẳng định.
Hải quân Mỹ lẫn Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng tiến hành các thử nghiệm tương tự trong những năm gần đây nhằm phát triển một loại vũ khí mới có thể vượt qua hệ thống phòng không của đối thủ và thu thập các thông tin tình báo nhạy cảm, ông Yang cho biết.