Máy bay chiến đấu MiG-17: Tiêm kích huyền thoại của Nga chuyên tìm diệt oanh tạc cơ Mỹ

Tú Anh |

MiG-17 từng có thời gian bị xem là lạc hậu, không đủ khả năng tác chiến trong môi trường chiến đấu hiện đại nhưng dòng tiêm kích này vẫn lập nên những kỳ tích.

NHỮNG TÍNH NĂNG NỔI BẬT

Mikoyan-Gurevich MiG-17 là dòng máy bay chiến đấu được chế tạo từ giữa thế kỷ trước để đánh chặn máy bay ném bom của đối phương.

Được thiết kế để thay thế cho MiG-15 trong Chiến tranh Triều Tiên, MiG-17 là phiên bản cải tiến, đã khắc phục những điểm yếu mà MiG-15 gặp phải, ở tốc độ cao hơn.

MiG-17 nổi tiếng trên toàn thế giới, với hơn 30 quốc gia sử dụng nó cho các lực lượng không quân của họ và cho đến nay đã có tới 11.000 chiếc (cả phiên bản gốc và được cấp phép) được sản xuất.

Mặc dù cất cánh lần đầu tiên vào năm 1950 và bắt đầu được sản xuất vào năm 1951 sau đó nhưng MiG-17 không tham gia Chiến tranh Triều Tiên do chưa có đủ số lượng.

Tuy nhiên, hoạt động tác chiến đầu tiên của MiG-17 diễn ra không lâu sau đó, cả về thời gian và địa lý, khi Trung Quốc triển khai loại máy bay này đọ sức với F-86 Sabre trên eo biển Đài Loan vào năm 1958.

Máy bay chiến đấu MiG-17: Tiêm kích huyền thoại của Nga chuyên tìm diệt oanh tạc cơ Mỹ - Ảnh 1.

MiG-17

Ngoài chiến trường Việt Nam, hầu hết các quốc gia thuộc Khối Warszawa đều vận hành MiG-17 vào cuối những năm 1950 hoặc đầu những năm 1960.

Bên cạnh đó, Trung Quốc (nước được cấp phép sản xuất với tên gọi Shenyang J-5), Afghanistan, Triều Tiên, Sri Lanka, Morocco, Cuba, Indonesia và Campuchia đều vận hành máy bay chiến đấu này.

Ngay cả ngày nay, MiG-17 vẫn cùng được sử dụng trong không quân của Cộng hòa Dân chủ Congo, Guinea, Mali, Madagascar, Sudan, Tanzania và Triều Tiên.

So với MiG-15, điểm mới của MiG-17 là ứng dụng cánh cụp xuôi phía sau với hình dạng: 45° độ gần thân chính, và 42° so với phần bên ngoài của cánh. MiG-17 cũng dùng động cơ Klimov VK-1 và những phần khác hoàn toàn giống như MiG-15.

Vũ khí trang bị cho MiG-17 gồm có một khẩu pháo tự động 37 mm và hai pháo tự động 23 mm. Máy bay cũng có thể mang tới 1.100 pound bom trên hai giá treo bên ngoài, nhưng những giá treo này thường được sử dụng cho các thùng nhiên liệu bổ sung.

Mặc dù phiên bản ban đầu không được trang bị radar, các biến thể sau này như MiG-17P (“Fresco B”) đã bổ sung tính năng này. Các biến thể sau đó cũng cho phép MiG-17 mang theo 4 tên lửa dẫn đường bằng radar AA-1 “Alkali”.

Các biến thể chiến đấu ban ngày (MiG-17, MiG-17F) được trang bị hai pháo NR-23 23 mm (80 viên mỗi súng) và một pháo N-37 37 mm (40 viên), ở giá lắp súng chung bên dưới cửa hút gió trung tâm. Giá lắp súng có thể được tháo ra dễ dàng khi bảo dưỡng. Các biến thể với radar (MiG-17P, PF) được trang bị ba pháo NR-23 23 mm (200 viên), vì trọng lượng radar. MiG-17R chỉ được trang bị hai pháo 23 mm.

Tất cả các biến thể có thể mang bom 100 kg trên hai mấu dưới cánh (một số chiếc có thể mang bom 250 kg), nhưng thường thì chúng mang theo thùng dầu phụ 400 lít.

Ở nhiều nước, MiG-17 thỉnh thoảng được cải tiến để mang tên lửa không điều khiển hoặc bom ở các mấu treo lắp thêm.

MiG-17P được trang bị radar Izumrud-1 (RP-1), MiG-17PF với RP-1 hay sau này với radar Izumrud-5 (RP-5). MiG-17PM cũng được trang bị một radar, dùng để ngắm bắn tên lửa . Các biến thể khác không có radar.

Máy bay chiến đấu MiG-17: Tiêm kích huyền thoại của Nga chuyên tìm diệt oanh tạc cơ Mỹ - Ảnh 2.

Máy bay chiến đấu MIG-17PF của Liên Xô

CHIẾN TÍCH “ĐỂ ĐỜI”

Liên Xô đã chế tạo khoảng 8.000 máy bay này, gần 3.000 chiếc nữa đã được sản xuất theo giấy phép ở nước ngoài. Nhìn chung, MiG-17 là loại máy bay đáng tin cậy, có tính cơ động cao, mang theo vũ khí mạnh mẽ.

MiG-17 đã giành chiến thắng đầu tiên vào ngày 29/7/1953 khi đối đầu với oanh tạc cơ trinh sát RB-50G của Mỹ xâm phạm không phận nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết tự trị Kazakhstan.

Chiệc máy bay Mỹ đã được phát hiện kịp thời và ngay lập tức hai tiêm kích MiG-17 được lệnh cất cánh từ sân bay Nikolaevka để đánh chặn. Sau khi thấy được MiG-17, phi cơ Mỹ đã khai hỏa bằng súng máy 12,7mm.

Một máy bay tiêm kích đã bị hư hại, sau đó các máy bay đánh chặn đã bắn hạ RB-50 bằng pháo 23mm. Trong số 17 người trên máy bay Mỹ, chỉ có một người sống sót. Người này đã bị bắt giữ trên mặt đất.

Hiện nay, Triều Tiên là quốc gia duy nhất vẫn sử dụng các máy bay chiến đấu MiG-17F, hay đúng hơn là máy bay J-5 – phiên bản MiG-17 của Trung Quốc. Loại máy bay đã thực hiện chuyến bay đầu tiên 70 năm trước vẫn có khả năng chiến đấu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại