Mặt cầu, bờ lan can và hệ thống giằng sắt hoen gỉ
Hư hỏng mặt cầu
Trước việc mặt cầu Long Biên bị rách, thủng nhiều vị trí, khiến người đi đường có thể nhìn thấy nước sông bên dưới; cùng với đó toàn bộ khung, giàn thép chịu tải và bảo vệ an toàn cầu chuyển màu ố vàng, hoen gỉ (báo Tiền Phong ngày 8/4 đã phản ánh), sau khi báo đăng, cùng ngày đại diện Tổng Cty đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã có ý kiến phản hồi về việc này.
Trong văn bản gửi báo Tiền Phong, đại diện Tổng Cty ĐSVN cho biết, qua gần 120 năm khai thác, do ảnh hưởng của chiến tranh và tốc độ đô thị hóa, hiện cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Với nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, Tổng Cty đã được Bộ GTVT giao triển khai các dự án khôi phục, gia cố sửa chữa, gần đây nhất là dự án “Khôi phục cầu Long Biên giai đoạn 1: Gia cố đảm bảo an toàn cầu phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2025”.
Sau dự án trên, hằng năm, Tổng Cty vẫn ưu tiên kinh phí từ nguồn vốn để bảo dưỡng thường xuyên, khắc phục các hư hỏng nhỏ của cầu Long Biên.
Tuy nhiên, đại diện ngành đường sắt cũng nêu một thực tế, do nguồn kinh phí được cân đối cho hoạt động quản lý, bảo trì đường sắt quốc gia còn hạn hẹp, vậy nên hiện tại mới đáp ứng được khoảng 36% nhu cầu sửa chữa ở thực tế. Trong số này, phần kinh phí đường sắt đáp ứng được 37,3%, phần đường bộ được 6,1%...
Đề cập đến nguồn kinh phí cho duy tu, sửa chữa trong năm 2021, đại diện Tổng Cty ĐSVN cho biết, hiện nay (tháng 4), đơn vị vẫn chưa nhận được, đang phải chờ cấp có thẩm quyền duyệt chi. “Đây là nguyên nhân dẫn đến công tác duy tu, sửa chữa những chỗ hư hỏng trên cầu Long Biên từ đầu năm đến nay bị ảnh hưởng”, đại diện Tổng Cty ĐSVN thông tin.
Bộ GTVT sẽ kiểm tra?
Chiều 8/4, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phan Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban Kết cấu hạ tầng, Tổng Cty ĐSVN cho biết, trước tình trạng xuống cấp, hư hỏng mặt cầu Long Biên, Tổng Cty đã có công điện yêu cầu đơn vị quản lý là Cty Cổ phần đường sắt Hà Hải (Cty Hà Hải) có giải pháp trước mắt để khắc phục tạm thời đảm bảo giao thông.
Cụ thể, đối với toàn bộ hư hỏng nhỏ, như vị trí mặt đường hai bên cánh gà bị bong bật tạo thành ổ gà, hàng rào lan can bị bong bật... Cty Hà Hải kiểm tra, đưa vào kế hoạch bảo trì 2021 và sẽ triển khai ngay khi được cấp có thẩm quyền giải ngân dự toán.
“Với một số hư hỏng ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông trên cầu, đơn vị đã yêu cầu Cty Hà Hải dùng kinh phí của mình để ưu tiên khắc phục; đồng thời, bố trí biển cảnh báo ở hai đầu đường lên cầu.
Tuy nhiên, do khả năng tài chính của Cty Hà Hải có hạn, vừa phải đảm bảo an toàn vừa phải chăm lo đời sống cho hàng trăm lao động, nên việc khắc phục sự cố còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn”, ông Dũng nói.
Về giải pháp lâu dài, ông Dũng cho biết, cần có dự án sửa chữa lớn theo hình thức đại tu để thay thế các thanh, dầm sắt, lan can, và bản thép chịu lực đang bị hư hỏng.
Để làm được việc này, ngoài nhu cầu vốn hằng năm được cấp đủ, phải lập dự án riêng để sửa chữa cầu Long Biên theo hình thức đại tu như năm 2015.
Cùng với đó, trong 5 đến 10 năm tới, đề nghị cấp có thẩm quyền đẩy nhanh thi công các công trình, như dự án “Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), giai đoạn I” (cầu Long Biên 2); dự án xây dựng cầu vượt sông Hồng để giảm tải lưu lượng tàu, phương tiện qua cầu Long Biên.
Về kinh phí bảo trì cho cầu Long Biên trong năm 2021, đại diện Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT sẽ kiểm tra và thông tin sớm đến cơ quan báo chí.