Theo báo The Guardian ngày 15-6, Gippsland là một trong các khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi trận lụt gần đây. Đường sá và bãi cỏ ngập nước khiến quần thể nhện tại địa phương phải tìm kiếm vùng đất cao hơn, bao gồm biển báo đường, cây và cỏ cao để trú ẩn.
Chúng nhả tơ hàng loạt, tạo nên khối mạng nhện khổng lồ dập dìu trong gió. Cô Jena Beatson sửng sốt khi chứng kiến cảnh tượng có một không hai này: "Thật không thể tin được. Khi chúng bị gió thổi, chúng trông giống như những con sóng. Dường như có hàng ngàn con nhện".
Trong khi đó, TS Ken Walker, người phụ trách bộ phận côn trùng học tại bảo tàng Melbourne, cho rằng có tới hàng triệu con nhện đã làm nên khối mạng nhện đó. Chúng sử dụng các sợi tơ mỏng để di chuyển trong gió, có thể di chuyển với quãng đường lên tới 100 km.
Ông Walker cho biết hiện tượng trên đôi khi được gọi là hiệu ứng "Gossamer", do loài nhện "Hunter" sống trên mặt đất và không giăng tơ tạo nên. Chúng không dệt mạng nhện, thay vào đó mỗi con nhện chỉ nhả một sợi tơ duy nhất. Điều đó có nghĩa là mỗi sợi tơ nhỏ bé đại diện cho một con nhện.
"Đó là kết quả của lũ lụt. Những gì bạn thấy là số lượng nhện khổng lồ lên tới hàng triệu con. Chúng ta thường không nhìn thấy lũ nhiện vì chúng bị thảm thực vật che phủ" - ông Walker nói.
Loài nhện được tìm thấy gần TP Sale, khu vực Gippsland, gồm loài Ambicodamus màu đỏ và đen. Vết cắn của chúng không nguy hiểm đối với con người nhưng có thể gây kích ứng da.