Mạng lưới phòng thủ dày đặc của Nga thách thức phương Tây: Thành trì bất khả xâm phạm?

QS |

Vào lúc tên lửa Nga hiện diện khắp nơi thì rủi ro thiệt hại về nhân mạng càng cao hơn, điều đó càng đẩy phương Tây vào cuộc chạy đua tìm kiếm công nghệ mới...

Nga tăng cường hiện diện quân sự khắp mọi nơi

Theo Đài RFI (Pháp), việc Moskva triển khai hệ thống phòng không tại Bắc Cực thời gian gần đây là động thái cho thấy Nga đang tăng cường sự hiện diện quân sự ở khắp mọi nơi. Điện Kremlin ngày càng mở rộng các vùng "Anti Access/Area Denial (Chống Tiếp Cận và Chống Xâm Nhập)" ở hải ngoại. Đây là một mối thách thức đối với phương Tây.

Trong tháng 9, Bộ Quốc Phòng Nga thông báo đã triển khai tên lửa S-400 tại quần đảo Novaya Zemlya, tăng cường khả năng phòng thủ cho căn cứ không quân tại Bắc Cực.

Đây là một vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên và đang trở thành một tuyến hàng hải quan trọng nhờ hiện tượng trái đất bị hâm nóng làm tan băng. Cũng chính vì thế mà ông khổng lồ châu Á,Trung Quốc, đã đang tăng tốc tranh giành ảnh hưởng ở Bắc Băng Dương.

Trước đây, trong vùng Bắc Cực, Moskva đã triển khai tên lửa tầm xa tại Mourmansk, Arkhangelsk ở phía tây bắc, sát với biên giới Phần Lan và Na Uy, cũng như là tại Sakha ở phía đông của nước Nga.

Nhưng với việc tăng cường sự hiện diện quân sự tại quần đảo Novaya Zemlya, bộ Quốc Phòng Nga giải thích: "Hệ thống phòng thủ S-400 sẽ cho phép tăng cường đáng kể khả năng kiểm soát không phận tại Bắc Cực". Nói cách khách chính quyền Nga "củng cố thêm khu vực Chống Tiếp Cận và Chống Xâm Nhập tại một vùng chiến lược".

Khái niệm "khu vực Chống Tiếp Cận và Chống Xâm Nhập" đã có từ cuối những năm 1990. Ban đầu, đấy đơn giản là việc một quốc gia lập ra vùng trên biển, trên không, để bảo vệ lãnh thổ cũng như các quyền lợi chiến lược của mình.

Song điều khiến giới quân sự của phương Tây lo ngại là Nga lập ra các khu vực Chống Tiếp Cận và Chống Xâm Nhập ở những vùng hải ngoại.

Cụ thể là Moskva đã tăng cường khả năng phòng thủ ở vùng biển Baltic, hay khá gần cửa ngõ của Liên Hiệp Châu Âu, rồi trang bị luôn cả S-400 cho chế độ Bachar Al Assad tại Syria. Còn Trung Quốc thì đã có những bước chuẩn bị để lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.

Trong cả trường hợp của Nga và Trung Quốc, các trang thiết bị quân sự ngày càng tối tân. Nga đã huy động từ tên lửa đất đối không, đất đối đất, tên lửa chống tàu ngầm ... đến phía đông Địa Trung Hải hay eo biển Ormuz ...

Mạng lưới phòng thủ dày đặc của Nga thách thức phương Tây: Thành trì bất khả xâm phạm? - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất được triển khai tại thị trấn Gvardeysk, gần Kaliningrad, Nga, ngày 11/03/2019. Ảnh: Reuters

Ba thách thức với phương Tây

Đô đốc Olivier Lebas, ghi nhận đây thực sự là một "thách thức" đối với quân đội Pháp.

Đó là bởi thứ nhất, "ngoài hệ thống tên lửa phòng không S-400 hay một số tên lửa chống tàu ngầm của Nga, của Trung Quốc, một số quốc gia như Iran, và thậm chí là ngay cả những lực lượng không phải là một quốc gia" cũng muốn lập những vùng Chống Tiếp Cận/Chống Xâm Nhập. Nhà quân sự người Pháp này muốn nói tới trường hợp của phe nổi dậy Houthi ở Yemen.

Thách thức thứ nhì đặt ra cho các nước phương Tây, như Đô đốc John Richardson của Hải Quân Hoa Kỳ từng ghi nhận năm 2016, là chiến lược quốc phòng đó không chỉ nhằm tự vệ, mà còn theo đuổi mục đích "xâm chiếm" những vùng đất, những vùng biển không thuộc về mình hay ngăn ngừa mọi chiến dịch quân sự nhằm giành lại những vùng bị xâm chiếm đó.

Đô đốc Mỹ, John Richardson năm 2016 đã đưa ra thí dụ cụ thể là trường hợp của Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.

Thách thức thứ ba đặt ra cho phương Tây, theo chuyên gia Corentin Brustlein, giám đốc Viện Quan hệ Quốc Tế Pháp, là không dễ dàng tìm ra được kẽ hở để can thiệp tại những vùng Chống Tiếp Cận/Chống Xâm Nhập của Nga hay Trung Quốc, bởi cả hai cùng là những cường quốc quân sự và cùng có vũ khí nguyên tử.

Mọi chiến dịch can thiệp đều dẫn đến nguy cơ xung đột leo thang.

Cuối cùng, vẫn theo giám đốc Viện Quan hệ Quốc Tế Pháp, Corentin Brustlein, các vùng Chống Tiếp Cận/Chống Xâm Nhập đó đang thu hẹp khả năng hành động mà các nước phương Tây, trong khi đó là một lợi thế của khối này, từ thời Chiến Tranh Lạnh.

Giờ đây với việc các vùng phòng thủ trở nên dầy đặc hơn, mọi can thiệp quân sự ngày càng đòi hỏi nhiều phương tiện hơn, tốn kém hơn, bắt buộc các bên phải huy động những loại vũ khí tối tân hơn.

Điểm son duy nhất là các vùng chống tiếp cận/chống xâm nhập của Nga không phải là những thành trì bất khả xâm phạm. Bằng chứng là tháng 4/2018, chiến dịch Hamilton do Anh, Pháp và Mỹ khởi động đã thành công.

Paris, London và Washington đã phá hủy được một số kho vũ khí hóa học của Syria với một vài chiến đấu cơ xuất phát từ Pháp, vài chiếc tàu tuần dương và khoảng một trăm tên lửa.

Có điều, vào lúc tên lửa của Nga hiện diện khắp mọi nơi thì rủi ro thiệt hại về nhân mạng càng cao hơn, điều đó càng đẩy phương Tây vào một cuộc chạy đua tìm kiếm những công nghệ mới để phục vụ các mục tiêu quân sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại