Hôm nay, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad bắt đầu chuyến thăm 5 ngày tới Trung Quốc, từ 17-21/8. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Mahathir kể từ năm 2001.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh ông Mahathir mới đây tuyên bố sẽ tìm cách hủy bỏ các dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng chục tỷ USD do Trung Quốc hỗ trợ tại Malaysia, được ký kết dưới thời người tiền nhiệm Najib Razak.
Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Mahathir dự kiến có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Hai bên có thể sẽ thảo luận về các dự án mà ông Mahathir mới đây tuyên bố muốn hủy bỏ.
“Người bạn cũ” của Trung Quốc
Đây không phải lần đầu tiên ông Mahathir thăm Trung Quốc với tư cách Thủ tướng Malaysia. Chuyến thăm chính thức lần trước với tư cách Thủ tướng của ông Mahathir là tháng 10/2001 khi ông tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC CEO.
Ông Mahathir được coi là một “vị khách thường xuyên” của Trung Quốc. Trong 22 năm làm Thủ tướng giai đoạn 1981-2003, ông thăm Trung Quốc 7 lần. Ông Mahathir còn có 9 chuyến thăm khác tới Trung Quốc trong thời gian ông nghỉ hưu.
Phía Trung Quốc cũng khá quen thuộc với các nhà lãnh đạo Malaysia thuộc đảng Barisan Nasional (BN) từ năm 1974 khi Thủ tướng Abdul Razak Hussein (cha của ông Najib Razzak) có chuyến thăm mang tính đột phá tới Trung Quốc. Thời gian làm Thủ tướng từ năm 1981-2003, ông Mahathir cũng thuộc đảng BN.
Với lịch sử rất dài của mối quan hệ đôi bên cùng có lợi cũng như mối quan hệ của cá nhân ông Mahathir với phía Trung Quốc, chuyến thăm của ông lần này không chỉ đặc biệt mà nó còn mở ra các cơ hội để giải quyết các vấn đề gây trở ngại cho quan hệ song phương.
Theo kế hoạch ban đầu, Thủ tướng Mahathir muốn thăm Trung Quốc trong tháng 7/2018, nhưng hai bên không thu xếp được thời điểm phù hợp nên chuyến thăm đã dời lại sang tháng 8. Tuy nhiên, trong tháng 7, ông Mahathir cũng đã cử ông Daim Zainuddin làm phái viên tới Trung Quốc.
Cũng giống như Thủ tướng Mahathir, ông Daim Zainuddin cũng là một “gương mặt thân quen” ở Bắc Kinh. Trở lại năm 1980, trong nhiệm kỳ đầu tiên làm Bộ trưởng tài chính, ông Daim đã tích cực ủng hộ vai trò mới của Trung Quốc trong các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng phát triển châu Á ADB, Ngân hàng thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh ngày 18/7, Daim đã trao lá thư của Thủ tướng Mahathir cho Thủ tướng Lý Khắc Cường và thảo luận một số vấn đề song phương với Ngoại trưởng Vương Nghị.
Cứng rắn hơn với Trung Quốc
Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Malaysia Mahathir tới Trung Quốc đã có sự khác biệt đáng kể so với những lần trước.
Trong các chuyến thăm chính thức trước đây, ông Mahathir là người đứng đầu chính phủ do đảng Barisan Nasional (BN) cầm quyền. Còn trong chuyến thăm lần này, ông Mahathir là lãnh đạo đảng Pakatan Harapan (PH) – đảng đã đánh bại BN trong cuộc tổng tuyển cử ngày 9/5.
Sau khi đánh bại ông Najib Razak trong cuộc bầu cử hôm 9/5, ông Mahathir đã tìm cách giảm bớt ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với Malaysia bằng cách đánh giá lại các dự án đầu tư. Ông cũng có quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc trong nhiều vấn đề, đặc biệt là tranh chấp trên Biển Đông.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí ngày 13/8, ông Mahathir tuyên bố sẽ tìm cách hủy bỏ các dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng chục tỷ USD do Trung Quốc hỗ trợ tại Malaysia, được ký kết dưới thời người tiền nhiệm Najib Razak, trong đó có dự án đường sắt bờ Đông (ECRL) và 2 đường ống dẫn khí đốt.
Ông nói rằng, Malaysia sẽ tìm cách bỏ những dự án này nếu nó tiếp tục bất lợi cho đất nước và tạo gánh nặng cho người dân Malaysia.
Chính phủ mới của Malaysia cho rằng chính quyền tiền nhiệm của ông Najib Razak đã quá nhún nhường khi đàm phán với các công ty Trung Quốc, cho phép họ báo giá cao hơn thị trường và đề ra các điều khoản đi ngược với lợi ích quốc gia của Malaysia.
Một số nhà bình luận cho rằng, việc tìm cách hủy các dự án do Trung Quốc hỗ trợ tại Malaysia là động thái thể hiện sự cứng rắn của Kuala Lumpur với Bắc Kinh.
Sự khéo léo của Mahathir
Thủ tướng Mahathir từng nhấn mạnh rằng, việc ông muốn đánh giá lại các dự án của Trung Quốc và tìm cách hủy các dự án do Trung Quốc hỗ trợ tại Malaysia là hoàn toàn dựa trên các yếu tố kinh tế.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với South China Morning Post, ông Mahathir nói rằng, quyết định của ông không có nghĩa là ông có thái độ thù địch với Trung Quốc.
Ông Mahathir khẳng định muốn duy trì quan hệ hữu hảo với Trung Quốc và hoan nghênh đầu tư từ Bắc Kinh, nhưng với điều kiện điều đó làm lợi cho Malaysia.
Ông nhấn mạnh, Malaysia và Trung Quốc đã có “mối quan hệ tốt đẹp” trong khoảng thời gian ông làm Thủ tướng trước đây, và không có lý do gì không tiếp tục khi ông trở lại nắm quyền lần này./.