Theo phóng viên TTXVN tại Malaysia, báo “New Straits Times” dẫn lời luật sư trên cho rằng do vụ việc xảy ra ở không phận nước ngoài, nên Malaysia không có thẩm quyền giải quyết.
Theo luật sư Goon, để có thể đưa ra vụ việc này ra xét xử tại ICC còn phải phụ thuộc vào việc Nga và Ukraine có tham gia công ước thành lập ICC vào năm 2002 hay không.
Một luật sư khác của Malaysia là Shailender Bhar cũng cho rằng nhà chức trách cần làm rõ thủ phạm sử dụng tên lửa bắn hạ máy bay MH17, đồng thời nhấn mạnh điều này rất quan trọng, không chỉ đối với nỗ lực của Malaysia trong việc tìm ra và trừng phạt thủ phạm mà còn mở đường cho việc khởi kiện thủ phạm sau này.
Ngày 17/7/2014, toàn bộ 298 người, đa số mang quốc tịch Hà Lan, đã thiệt mạng khi chiếc máy bay chở khách MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đang trên hành trình từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur (Malaysia) bị nổ tung trên vùng trời miền Đông Ukraine.
Tháng 10/2015, Ủy ban An ninh Hà Lan công bố báo cáo điều tra cuối cùng về vụ rơi máy bay MH17, trong đó xác định máy bay đã bị trúng một tên lửa đất đối không Buk do Nga sản xuất.
Phía Hà Lan không chỉ đích danh bên nào tại Ukraine đã bắn rơi máy bay này, nhưng khẳng định quả tên lửa được phóng từ khu vực miền Đông Ukraine, vốn do lực lượng đòi độc lập kiểm soát.
Tới ngày 28/9 vừa qua, một nhóm điều tra quốc tế chung (JIT) do Đan Mạch đứng đầu, cũng đã công bố kết quả điều tra, trong đó kết luận rằng máy bay MH17 bị rơi là do trúng tên lửa Buk mang số serie 9M38, được bắn đi từ miền Đông Ukraine.
Hệ thống tên lửa này đã được chuyển về Nga sau khi thực hiện vụ tấn công. Phía Nga ngay lập tức đã tuyên bố bác bỏ kết luận điều tra của JIT.