Trong phiên tòa, Khan đọc bản tường trình dài 39 trang, phần lớn nội dung tố cáo CIA tra tấn anh ta với những kỹ thuật man rợ. Nó đã được các hãng thông tấn lớn trên thế giới đăng tải bởi đây là lần đầu tiên có người công khai lên tiếng về vấn đề này…
Bị bắt
Sinh ngày 29-2-1980 ở Pakistan, Khan theo gia đình sang Mỹ năm 1998 rồi định cư ở Baltimore, bang Maryland. Tốt nghiệp trung học, do cha Khan mở một trạm xăng nên thay vì học tiếp, Khan vừa làm việc cho cha mình, vừa là quản trị viên cơ sở dữ liệu thuộc văn phòng chính quyền bang Maryland.
Là thành viên tích cực trong cộng đồng Hồi giáo ở Baltimore, những lúc rảnh rỗi, Khan tình nguyện dạy cách sử dụng máy tính cho những thanh niên trong Hiệp hội Hồi giáo Balltimore.
Năm 2002, Khan trở lại Pakistan rồi kết hôn với Rabia Yaqoub. Thời gian này, Khan quen biết và trở nên thân tình với Aafia Siddiqui, nữ khoa học gia Pakistan, đã tốt nghiệp một trong những trường đại học danh giá nhất nước Mỹ là M.I.T (Viện công nghệ Massachusetts), đồng thời cũng tốt nghiệp đại học Brandeis.
Tuy nhiên Aafia Siddiqui còn là thành viên cao cấp của tổ chức khủng bố al-Qaeda, là Chủ tịch Hội nghiên cứu và giảng dạy đạo Hồi, được CIA xem là “nhân vật đặc biệt nguy hiểm vì Aafia Siddiqui là một trong số ít những kẻ có khả năng vào Mỹ mà không bị phát hiện, sử dụng chuyên môn khoa học để thực hiện những cuộc tấn công khủng bố tinh vi, không để lại dấu vết”.
Cũng chính Aafia Siddiqui đã tuyển mộ Khan gia nhập hàng ngũ al-Qaeda.
Majid Khan và nhà khoa học Aafia Siddiqui.
Ngày 25-12-2002, Aafia Siddiqui từ Pakistan đến Mỹ với lý do tìm việc làm nhưng thực chất là để thiết lập một hộp thư bưu điện cho Khan, làm nơi trung chuyển các thông tin, chỉ thị của al-Qaeda đến các chiến binh thánh chiến đang ẩn mình ở Mỹ. Sau này, khi bắt Aafia Siddiqui, CIA lấy được chìa khóa hộp thư do Uzair Paracha, kẻ hỗ trợ và cung cấp tài chính cho al-Qaeda, cất giấu.
Năm 2016 Uzair Paracha bị Mỹ kết án 30 năm tù còn nhà khoa học Aafia Siddiqui lĩnh án 86 năm trong một phiên tòa diễn ra hồi năm 2010.
Hoàn tất việc lập hộp thư cho Khan, ngày 2-1-2003, Aafia Siddiqui rời Mỹ về lại Pakistan. Đầu tháng 3, Khan cũng đi Pakistan với lý do thăm vợ.
Ngày 5-3-2003, Khan và anh trai bị Cơ quan an ninh Pakistan bắt nhưng người anh được thả vì không liên quan đến al-Qaeda. Iyman Faris, một điệp viên hai mang của CIA hoạt động trong hàng ngũ al-Qaeda cho CIA biết Khan gọi Khalid Sheikh Mohammed là chú.
Cả hai nhiều lần bàn bạc âm mưu ám sát Pervez Musharraf, tổng thống Pakistan, trong đó chính Khan sẽ mặc áo bom để thực hiện đánh bom tự sát.
Trước khi Khan bị bắt 4 ngày, CIA phối hợp với Cơ quan tình báo Pakistan bắt Khalid Sheikh Mohammed, thành viên cao cấp al-Qaeda, kẻ đã vạch kế hoạch cho vụ khủng bố bằng máy bay vào Tòa tháp đôi, Trung tâm Thương mại thế giới ở New York, Mỹ.
Khalid bị bắt tại thành phố Rawalpindi, Pakistan rồi được đưa đến một trại giam bí mật của CIA ở Afghanistan, sau đó chuyển sang Ba Lan rồi cuối cùng đến trại Guantanamo.
Lời khai của Khalid cho thấy ngoài việc âm mưu ám sát Tổng thống Pervez Musharraf, ông ta còn đề nghị Khan hỗ trợ lập kế hoạch tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ và Israel. Dưới sự huấn luyện của Khalid, Khan học cách đặt chất nổ phá các trạm xăng, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng dầu khí Mỹ, đầu độc các hồ chứa nước.
Với Khan, sau khi bị bắt, anh ta cũng được đưa đến nhà tù bí mật của CIA ở Afghanistan, có bí danh “Hồ muối”.
Tại đây, các điều tra viên thẩm vấn Khan suốt 3 năm. Được CIA nhận định là “nguồn tin có giá trị cao” nên trong thời gian này, gia đình Khan không hề có bất kỳ một tin tức gì về anh ta.
Mãi đến tháng 9-2006, khi Khan được chuyển đến trại Guantanamo và khi Tổng thống Mỹ George W. Bush chính thức tuyên bố “Khan và 13 phần tử al-Qaeda khác sẽ bị truy tố theo hệ thống tòa án quân sự mới, được ủy quyền bởi Đạo luật Ủy ban quân sự ban hành năm 2006” thì gia đình Khan mới biết về số phận của anh ta.
Sở dĩ Khan được đánh giá là “nguồn tin có giá trị cao” vì một phần của bản kết luận điều tra cho thấy “sau một thời gian giam giữ, năm 2012 ông Khan đã nhận tội khủng bố, bao gồm giết người, vi phạm luật chiến tranh.
Đầu năm 2003, ông Khan đã giao 50.000 USD của al-Qaeda Pakistan cho một chi nhánh al-Qaeda ở Indonesia để thực hiện vụ đánh bom khủng bố nhắm vào khách sạn Marriott tại Jakarta làm 12 người chết, 150 bị thương, xảy ra vào tháng 8 năm đó…”.
Tra tấn tù nhân ở Guantanamo bằng cách ngâm họ vào nước đá.
Địa ngục có thật
Trong suốt những năm bị giam giữ tại Guantanamo, Khan liên tục bị người của CIA tra tấn mà họ gọi là “kỹ thuật thẩm vấn nâng cao”.
Xuất hiện tại phiên tòa quân sự hôm 28-10, suốt hơn 2 tiếng đồng hồ, Khan đã tường trình về những đòn tra tấn, từ việc bị buộc phải cạo râu, trái với đức tin tôn giáo đến việc bị lột trần truồng với chiếc túi vải trùm kín đầu.
Khan nói: “Ngay khi bị bắt, tôi đã hợp tác với họ, kể cho họ tất cả những gì tôi biết về al-Qaeda với hy vọng được thả nhưng tôi càng khai thì lại càng bị tra tấn nhiều hơn”.
Một trong những đòn tra tấn mà Khan cho rằng kinh khủng nhất, ấy là anh ta bị buộc nằm ngửa trên chiếc ghế dài. Một điều tra viên trùm khăn lên mặt Khan rồi một người khác đếm ngược từ 10 đến 1.
Vừa dứt chữ “một”, nước được đổ xuống. Khan nói: “Trước đó, tôi đã bị ngâm trong bồn nước đá suốt 2 giờ nhưng nó không làm cho tôi khủng hoảng như khi bị đổ nước. Cứ mỗi lần há miệng ra thở, nước lại xộc vào mũi, vào miệng tôi…”.
Đôi khi điều tra viên CIA ra lệnh cho Khan đứng thẳng, hai tay vươn cao rồi xích vào một thanh xà ngang trong nhiều giờ đồng hồ.
Khan nói: “Chỉ sau khoảng 1 tiếng, hai cánh tay tôi hầu như đã chết. Chúng không còn cảm giác gì nữa. Khi được tháo xích, phải mất nửa ngày tôi mới cử động được”.
Cứ mỗi lần di chuyển từ phòng giam này sang phòng giam khác, ngoài chiếc túi trùm đầu và sợi dây xích ở chân, cái cùm ở cổ tay, Khan bị kéo lê và không ít lần, đầu, mặt, chân tay anh đập vào tường, sàn nhà hoặc cầu thang.
Khan nói: “Khi CIA đưa tôi đi bằng máy bay, nhân viên y tế của họ nhét vào hậu môn tôi một loại thuốc rồi mặc cho tôi một chiếc tã, cố định bằng băng keo để tôi không phải vào nhà vệ sinh. Sự thiếu ngủ kéo dài khiến tôi bị ảo giác.
Có lúc tôi thấy một con bò và một con thằn lằn khổng lồ xông vào phòng giam. Tôi cố tìm cách tránh né nhưng tôi quên rằng cả hai tay đang bị treo vào thanh xà ngang trên đầu. Mỗi lần vùng vẫy, tôi như bị cắt từng miếng thịt…”.
Không chịu nổi cực hình tra tấn, Khan đã 6 lần tự tử, trong đó có lần anh ta tự cắn vào mạch máu ở cổ tay. Một lần khác lúc Khan tuyệt thực, các điều tra viên đã đè Khan ra rồi nhét một chiếc ống vào hậu môn anh ta, sau đó đổ thức ăn nghiền nát vào ống mà họ gọi là “nuôi ăn trực tràng”.
Khi Khan từ chối uống nước, điều tra viên nhét vòi nước dùng để tưới cây vào hậu môn anh ta rồi mở khóa vòi.
Lượng nước vào ruột nhiều đến nỗi Khan có cảm tưởng nó sẽ vỡ tung như quả bong bóng. Chưa kết, khi đã chán chê với trò “nuôi ăn qua đường trực tràng”, điều tra viên hút thức ăn xay nhuyễn vào một chiếc bơm tiêm cỡ lớn rồi bơm thẳng vào họng Khan. Nó khiến Khan nôn mửa dữ dội vì dạ dày co thắt đột ngột.
Tù nhân ở Guantanamo bị bó chặt người và bị xích mỗi khi di chuyển.
Bịt kín các “kẽ hở”
Phiên tòa quân sự xét xử Khan ngoài 8 sĩ quan Mỹ được lựa chọn để làm bồi thẩm đoàn, còn có một số luật sư thuộc Trung tâm quyền Hiến pháp, Mỹ, bào chữa cho Khan. Trước đó, do Khan là “nguồn tin có giá trị cao” nên CIA cấm anh ta không được tiết lộ những gì đã xảy ra khi bị hỏi cung.
Kathleen Blomquist, người phát ngôn của Bộ Tư pháp Mỹ giải thích: “Thông tin liên quan đến những người bị CIA bắt giữ như ông Khan được xếp vào loại tuyệt mật. Nếu ông Khan muốn chia sẻ với luật sư thì phải điều chỉnh một cách thích hợp để phù hợp với mức độ bảo mật cao”.
Người đại diện Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) nói với tòa án rằng “nếu ông Khan kể với bất kỳ người nào về các thủ tục thẩm vấn, điều đó sẽ gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia”.
Riêng Marilyn A. Dorn, một quan chức CIA lưu ý tòa án: “Nếu các kỹ thuật cụ thể được tiết lộ, nó sẽ cho phép các tổ chức khủng bố điều chỉnh quá trình đào tạo của họ để chống lại các chiến thuật mà CIA sử dụng trong các cuộc hỏi cung”.
Trước những lập luận theo kiểu “bịt kín kẽ hở”, Trung tâm quyền Hiến pháp công bố một bản tuyên thệ từ người cha của Khan là ông Ali Khan và một thông cáo báo chí, trong đó nêu rõ: “Majid Khan bị đánh đập 20 ngày, bị trói trong những tư thế căng thẳng, cuối cùng Khan buộc phải ký vào bản thú tội mà anh ta không có cơ hội để đọc”.
Ngoài ra thông cáo báo chí còn cho biết: “Gia đình Khan không được phép làm chứng tại phiên tòa xử Khan mặc dù họ đã đề nghị được bay đến Guantanamo bằng tiền túi của họ. Tuy nhiên Chính phủ Mỹ từ chối với lý do “không bảo đảm an toàn nếu họ đến Guantanamo để làm chứng trực tiếp”.
Bên cạnh đó, thông cáo báo chí còn trích dẫn lời ông Gitanjali Gutierrez, luật sư của Khan: “Chính phủ Mỹ không cho phép Khan được quyền tiếp cận với luật sư của anh ta mà mục đích chỉ để giữ bí mật về việc tra tấn.
Tuy nhiên bản tường trình của Khan đã làm sáng tỏ hệ thống giam giữ bí mật của chính phủ đồng thời chỉ rõ ra rằng các quan chức Mỹ đang cố gắng che giấu hành vi phạm tội của chính họ”.
Theo luật sư của Khan trong phiên tòa quân sự Guantanamo, Khan có thể bị kết án từ 25 đến 40 năm nhưng anh ta sẽ ngồi tù ít hơn vì sự “hợp tác tích cực” với chính phủ Mỹ.
Bản án của Khan sẽ được bồi thẩm đoàn giảm xuống không quá 11 năm và điều này có nghĩa Khan sẽ được trả tự do vào đầu năm tới. Tuy nhiên, vẫn chưa biết Khan sẽ sống ở đâu vì anh ta không có quốc tịch Pakistan, còn ở lại Mỹ thì chắc chắn không được.
Nói lời cuối cùng, Khan bày tỏ sự hối hận vì đã làm tổn thương nhiều người thông qua việc gia nhập chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và tổ chức khủng bố Al-Qaeda: “Tôi đã cố gắng bù đắp những điều tồi tệ mà mình đã gây ra. Đó là lý do tại sao tôi nhận tội và hợp tác với chính phủ Mỹ”.
Tuy nhiên, Khan cũng muốn cho thế giới biết về những gì mà các điều tra viên CIA đã làm trong suốt thời gian thẩm vấn. Khan nói: “Với những kẻ đã tra tấn tôi, tôi tha thứ cho các bạn”.
Từ trước đến nay, việc tra tấn tù nhân ở Guantanamo hầu như chưa bao giờ bị lọt ra ngoài, ngoại trừ những bức ảnh do một số điều tra viên chụp “tự sướng” khi hành hạ tù nhân.
Hiện tại, vẫn còn 39 phần tử al-Qaeda bị giam giữ tại Guantanamo. Một luật sư thuộc Trung tâm quyền Hiến pháp, Mỹ, đặt câu hỏi: “Majid Khan đã bị tra tấn. Còn những tù nhân khác thì sao?”.