01.
Kênh truyền hình CCTV đưa tin vụ ly hôn của một cặp vợ chồng ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã gây nhiều tranh cãi. Hai người kết hôn vào năm 2015 và có một con trai. Sau khi kết hôn, người phụ nữ ở nhà để tập trung chăm sóc gia đình, còn người đàn ông chỉ mải mê sự nghiệp, không bao giờ quan tâm đến việc nhà.
Họ ly thân vào năm 2018 và con trai do người vợ nuôi dưỡng. Kể từ năm 2019, người đàn ông đã đệ đơn ly hôn ba lần và đến năm 2020, tòa sơ thẩm xác định vụ ly hôn giữa hai bên. Người đàn ông phải chu cấp cho người phụ nữ 2.000 nhân dân tệ (tương đương 7 triệu VND) mỗi tháng để nuôi dưỡng con trai và chi trả thêm 50.000 nhân dân tệ (tương đương hơn 177 triệu VND) tiền “bồi thường việc nhà”.
Con số 50.000 NDT để “bồi thường việc nhà” đã dấy lên không ít tranh cãi.
Không ít người cho rằng, 5 năm nhận 50.000 NDT là cái giá quá rẻ rúng vì bình quân mỗi tháng chỉ gần 800 NDT, tương đương khoảng 3 triệu VND.
Theo ý kiến từ tòa án, phán quyết này dựa trên các quy định liên quan trong Bộ luật Dân sự Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm nay và dựa trên 4 yếu tố:
1. Thời gian chung sống của hai bên sau khi kết hôn;
2. Sự đóng góp cụ thể của người phụ nữ trong công việc nhà;
3. Thu nhập kinh tế cá nhân của người đàn ông;
4. Mức sống của địa phương.
Nói cách khác, tuy hai bên cưới nhau được 5 năm nhưng chỉ chung sống từ 2 - 3 năm.
Hơn nữa, theo mức sống của người Bắc Kinh, phí cấp dưỡng của người đàn ông này chỉ là 2.000 NDT. Điều này cho thấy thu nhập của anh ta nằm ở mức trung bình, nếu gia tăng con số bồi thường sẽ khiến đối phương gặp khó khăn.
Xét hoàn cảnh thực tế của hai vợ chồng, quyết định cho rằng: 50.000 NDT không phải là quá thấp.
Tuy nhiên, một bà nội trợ toàn thời gian đã chỉ ra rằng: Làm vợ cũng như làm việc vì giá trị công việc của họ giống như tổ hợp bao gồm rất nhiều nghề nghiệp khác nhau như "người dọn dẹp + đầu bếp + gia sư + kế toán + giáo viên nuôi dạy con cái".
Tham khảo mức lương bình quân của các công việc này tại các thành phố lớn, thu nhập một năm của người vợ có thể tương đương hàng trăm triệu đồng.
Chưa kể tới, đối với một người vợ sẵn sàng trở thành bà nội trợ toàn thời gian, giá trị lớn nhất mà họ bỏ ra là công việc và cuộc sống cá nhân, là cơ hội để tăng trưởng và hoàn thiện chính mình. Họ dành ra thời gian hoàng kim nhất của cuộc đời để phục vụ cho gia đình.
Khi mới tốt nghiệp ra trường, họ và bạn bè cùng trang lứa có xuất phát điểm giống nhau.
Nhưng ba năm sau, khi những người khác có mức lương hàng tháng trên 10, họ bận nuôi con, ở nhà, giặt giũ và nấu ăn.
Năm năm sau, bạn bè đạt tới mức lương trên 20, dần trở thành những leader đủ sức đứng riêng một vài dự án, họ vẫn đang bận giặt giũ, nấu ăn, hướng dẫn con làm bài tập ở nhà.
Mười năm sau, những người khác đã là quản lý cấp trung với nhiều kinh nghiệm và mối quan hệ, các bà nội trợ giờ đây thậm chí không còn đủ khả năng giúp con làm bài tập nữa.
Thế giới thay đổi từng ngày, nhưng những người làm nội trợ chỉ bó hẹp cuộc sống trong bốn bức tường, tự thả trôi mình trong những công việc tẻ nhạt, lặp đi lặp lại mỗi người. “Công việc” toàn thời gian này thậm chí còn không có cơ hội tăng lương và thăng tiến rõ ràng, cũng như chế độ bảo hiểm hay an sinh xã hội cần thiết.
Sau khi ly hôn, người đàn ông có thể tiếp tục dựa vào nguồn lực tích lũy qua nhiều năm để nhanh chóng tạo dựng chỗ đứng như xưa, chỉ có người vợ thiếu hụt kỹ năng, kinh nghiệm và các mối quan hệ cần thiết nên không ngừng gặp khó khăn trong vấn đề tài chính cá nhân.
Thời gian và tuổi trẻ không phải là thứ duy nhất mà họ thiệt hại. Cơ hội tự phát triển mới là tổn thất đắt giá nhất đối với các bà nội trợ toàn thời gian.
02.
Mỗi người phụ nữ cần phải trân trọng chính mình bằng cách “kinh doanh bản thân” thật tốt. Một khi sở hữu giá trị riêng, bạn mới có thể tìm được vị thế xác đáng của bản thân, dù là ngoài xã hội hay trong gia đình.
Bạn có thể tạm gác kế hoạch phát triển sự nghiệp vì lợi ích gia đình, nhưng đừng bao giờ vứt bỏ tính cạnh tranh và các cơ hội tăng trưởng chính mình. Phải duy trì khả năng tự nuôi sống bản thân và không ngừng nâng cao giá trị. Bất kể bạn có thể kiếm được bao nhiêu tiền, ít nhất phải có thu nhập và có kỹ năng. Đây chính là lối thoát để bảo vệ chính mình, dù sau này có rời khỏi cuộc đời bất cứ ai.
Vẫn có những người từ bỏ công việc hành chính để ở nhà chăm sóc con, nhưng họ không biến mình thành người nhàn rỗi.
Chẳng hạn như, có người chủ động mở lớp dạy vẽ thông qua mạng xã hội, tích góp được hàng trăm nghìn người theo dõi.
Có người tự học tại nhà và thi đỗ 3 chứng chỉ khác nhau trong 7 năm.
Cũng có người chuyên nghiên cứu về các quỹ cổ phiếu, lấy tiền sinh lời để đóng học thêm cho con trai...
Họ có thể tranh thủ thời gian ngủ, thời gian học tập của con để nỗ lực thay đổi và tích lũy bản thân. Trong không gian nhỏ, họ vẫn có thể xây dựng thế giới riêng độc đáo của mình.
Kẻ không muốn làm sẽ tìm lý do, những ai thực sự muốn làm sẽ luôn tìm ra cách.
03.
Trong hôn nhân, vợ chồng nên là đối tác của nhau chứ không ai hạ mình trở thành kẻ đi làm thuê, cũng như không có ai trở thành ông chủ.
Mỗi người đều có trách nhiệm như nhau với gia đình, với sự lựa chọn của bản thân. Nhưng trước hết, hãy luôn có trách nhiệm với bản thân.
Khi bạn có được giá trị và bản lĩnh riêng, dù đối mặt với ly hôn, bạn cũng chỉ coi đó là một khởi đầu mới, chứ không phải một thất bại đặt dấu chấm hết cho cuộc đời.