Lý do xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga bất ngờ sụt giảm

Vũ Thanh |

Các ngân hàng Trung Quốc đang áp đặt các hạn chế đối với thanh toán chuyển khoản của Nga, ảnh hưởng đến các giao dịch và nhập khẩu. Nhập khẩu của Nga từ tất cả các nguồn, bao gồm cả Trung Quốc, đã giảm trong bối cảnh Mỹ đe dọa trừng phạt thứ cấp.

Lý do xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga bất ngờ sụt giảm- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường và Phó Thủ tướng Nga Andrei Belousov đồng chủ trì Hội nghị Ủy ban Hợp tác đầu tư Trung-Nga lần thứ 10 tại Bắc Kinh, ngày 20/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Lời đe dọa của Mỹ về các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với những nước ủng hộ việc phá vỡ lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, đặc biệt là Trung Quốc, đang có dấu hiệu ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga, theo mạng tin Eurasianet.org ngày 1/5.

Trong chuyến thăm 3 ngày tới Bắc Kinh mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa ra lời cảnh báo đối với Trung Quốc: Mỹ sẵn sàng hành động cứng rắn để ngăn chặn việc tiếp tục cung cấp thiết bị lưỡng dụng cho Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ về việc cung cấp vũ khí cho Nga. Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như đang thực hiện các bước phòng ngừa để xoa dịu những lo ngại của Mỹ. Tờ Izvestia của Nga trước đó đưa tin rằng một số ngân hàng lớn của Trung Quốc đã áp đặt các hạn chế đối với thanh toán chuyển khoản của Nga.

“Tình hình thanh toán từ Nga sang Trung Quốc xấu đi rõ rệt vào cuối tháng 3 năm nay. Khoảng 80% giao dịch đã bị đình trệ”, Izvestia trích dẫn một nguồn tin trong “cộng đồng doanh nghiệp” Nga cho biết.

“Hiện tại, việc giao dịch tiền tệ với Trung Quốc là một vấn đề lớn. Vì điều này, việc nhập khẩu thiết bị trong tháng 4 rất khó khăn và điều đó sẽ tiếp tục diễn ra trong tháng 5 năm nay”, nguồn tin trên nêu rõ.

Trong khi đó, Bloomberg đưa tin, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga trong tháng 3 năm nay đã giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2023. Nhập khẩu của Nga từ tất cả các nguồn đã giảm 18% trong cùng giai đoạn.

Các quốc gia khác cũng đang chú ý đến mối đe dọa trừng phạt thứ cấp, các chủ ngân hàng Nga thừa nhận, đồng thời cho biết thêm việc phía Nga chuyển tiền ra bên ngoài đang trở nên khó khăn hơn nhiều.

Hãng truyền thông RBC của Nga dẫn lời Andrei Kostin, Giám đốc ngân hàng VTB, người cũng là đối tượng bị Mỹ trừng phạt, nói: “Tình hình đang diễn biến phức tạp và thật không may là không đáng khích lệ lắm. Số lượng ngân hàng nước ngoài sẵn sàng tiếp tục hợp tác với chúng tôi không ngừng giảm”.

Về phần mình, tờ Finacial Times của Anh bình luận rằng, về mặt danh nghĩa, mối quan hệ thương mại giữa Nga và Trung Quốc có vẻ rất lớn: Năm 2023, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 240 tỷ USD, tăng 26,3% chỉ sau một năm.

Nhưng điều thú vị hơn là liệu các công ty Trung Quốc có thiết lập mối quan hệ khác thường với các đối tác Nga hay không. Cụ thể, kim ngạch thương mại với Trung Quốc của Nga, Brazil và Australia nhìn chung gần tương đương nhau.

Nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga đã tăng 12,7% vào năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng cao như vậy không phải là điều bất thường trong thống kê thương mại của Trung Quốc. Ví dụ, vào năm 2022, hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Canada đã tăng 39%, nhưng rất ít nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh đang xây dựng mối quan hệ đặc biệt với Ottawa.

Nga vẫn là nhà cung cấp nhỏ cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Năm 2023, hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ các công ty Nga chỉ chiếm 5% trong tổng lượng nhập khẩu 129 tỷ USD. Ngoài ra, việc tăng xuất khẩu sang Trung Quốc có thể là “con dao hai lưỡi”: Các công ty hàng hóa của Nga đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc như một thị trường xuất khẩu.

Finacial Times cũng nhấn mạnh, việc các tổ chức tài chính Trung Quốc ngày càng cảnh giác khi làm ăn với các công ty Nga làm nổi bật mối lo ngại ngày càng tăng ở Trung Quốc về nguy cơ “vi phạm các lệnh trừng phạt thứ cấp” của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại