Hôm 28/1, Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra gần hai chục tội danh đối với Huawei, từ lừa dối ngân hàng đến đánh cắp bí mật thương mại.
Các quan chức Mỹ cũng khẳng định rõ rằng họ sẽ gửi yêu cầu dẫn độ đến Canada trước hạn chót 30/1 để đưa bà Sabrina Mạnh Vãn Châu, lãnh đạo phụ trách tài chính của Huawei, sang Mỹ để xét xử.
Những quyết định này ngay lập tức vấp phải chỉ trích từ Bắc Kinh. Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích đây là những hành động mang động cơ chính trị và yêu cầu Canada ngay lập tức thả bà Mạnh.
Con gái của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi bị bắt tay sân bay Vancouver vào tháng 12 vừa qua khi đang đổi chuyến bay. Bà Mạnh hiện đang được tại ngoại ở Canada.
Cáo trạng hôm 28/1 được đưa ra chỉ vài giờ trước khi phái đoàn thương mại Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu đến Washington để dự cuộc đàm phán keó dài 2 ngày với Mỹ.
Tuyên bố từ Bắc Kinh hôm 29/1, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Bắc Kinh hy vọng cuộc đàm phán thương mại ở Washington sẽ tiến triển, nhưng không liên kết trực tiếp vụ Huawei với chuyện đàm phán thương mại.
Ông Cảnh Sảng nhắc lại rằng Washington rất hiểu quan điểm của Trung Quốc về bà Mạnh và Huawei, cũng như các vấn đề thương mại.
Ông Cảnh Sảng không nói rõ liệu vụ việc của bà Mạnh có được các nhà đàm phán Trung Quốc nêu ra trong đợt thương lượng này hay không, nhưng nói rằng Bắc Kinh hy vọng cuộc đàm phán sẽ dẫn đến các giải pháp hai bên đều chấp nhận được.
“Đây không phải điềm lành cho đàm phán thương mại vào tuần này, và sẽ tăng thêm áp lực vốn đã lớn lên ông Lưu Hạc phải đạt được thoả thuận”, ông Brock Silvers, giám đốc điều hành quỹ đầu tư Kaiyuan Capital nói về việc Mỹ buộc tội Huawei.
Ông Wu Xinbo, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại ĐH Phúc Đán ở Thượng Hải, nói rằng Bắc Kinh đang cố giữ hai vấn đề tách biệt nhau.
“Phía Trung Quốc muốn bảo đảm rằng các cuộc đàm phán thương mại sẽ không bị ảnh hưởng bởi vụ của bà Mạnh, khi vụ việc này đang gây chú ý lớn và không thể phủ nhận rằng nó đang ảnh hưởng đến quan hệ Trung – Mỹ”, ông Wu nói.
Chuyên gia này nhận định phái đoàn Trung Quốc sẽ không gắn hai chuyện với nhau, nhưng “vấn đề sẽ được nêu vào thời điểm phù hợp và cơ hội phù hợp”.
GS Shi Yinhong, một nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế và là giám đốc trung tâm nghiên cứu Mỹ tại ĐH Nhân dân Trung Quốc, cho biết ông chờ đợi Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ giải thích về quan điểm của Trung Quốc đối với vụ bà Mạnh khi ông gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 31/1, dù Bắc Kinh hiểu rõ rằng điều này sẽ không giúp thay đổi quan điểm của ông Trump đối với vấn đề.
“Phía Trung Quốc biết rằng họ sẽ không thu được gì nhiều nếu nêu vụ bà Mạnh ra trong lúc đàm phán, nên họ không chuẩn bị cho biết sử dụng vụ này làm công cụ mặc cả”, GS Shi nói.
Chuyến gia này cho rằng tìm ra giải pháp cho chiến tranh thương mại là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với Trung Quốc vào lúc này.
Ông Edwin Feulner, sang lập viên và là cựu chủ tịch của Quỹ Di sản, một tổ chức tư vấn chính sách ở Mỹ, vừa nói tại một cuộc nói chuyện ở Hong Kong hôm 29/1 rằng chính quyền Trump cũng sẽ muốn tách biệt hai vấn đề này.
“Nhưng tôi tin rằng Tổng thống Trump và những người xung quanh ông ấy cũng muốn đạt được thoả thuận chung với Bắc Kinh về chính sách thương mại rộng lớn, và đây không phải một phần trong chiến lược lớn của chính quyền Trump nhằm gây chú ý từ chính phủ Trung Quốc”, ông Feulner nói.