Bình Nhưỡng đã phá huỷ Văn phòng liên lạc liên Triều ở Kaesong với lý do đáp trả việc Hàn Quốc không ngăn chặn nhiều nhóm người thả truyền đơn chống Triều Tiên. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, có nhiều lý do đằng sau hành động này cũng như những bước đi tiếp theo khác của Triều Tiên.
Hai năm trước, thế giới đã liên tiếp chứng kiến những cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử, cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vào tháng 4/2018 đã mở đường cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều hai tháng sau đó. Nhiều hy vọng đã mở ra về một nền hoà bình trên bán đảo Triều Tiên, nhưng lúc này, Triều Tiên và Hàn Quốc lại rơi vào căng thẳng ngoại giao gay gắt, có nguy cơ thổi bùng ngọn lửa xung đột bất cứ lúc nào.
"Phá huỷ Văn phòng liên lạc chỉ là bước trả đũa đầu tiên"
Theo tạp chí Time, ngày 17/6, Triều Tiên cảnh báo sẽ tái triển khai binh sĩ tới các địa điểm hợp tác liên Triều vốn đã bị đóng cửa, thiết lập lại các đồn gác và nối lại tập trận quân sự ngay tại khu vực tiền tuyến - những động thái sẽ vô hiệu hoá hoàn toàn những thoả thuận giảm căng thẳng đạt được với Hàn Quốc chỉ 2 năm trước. Bình Nhưỡng cũng tuyên bố sẽ nâng cấp mức độ cảnh báo sẵn sàng chiến đấu của quân đội lên mức “hệ thống nhiệm vụ chiến đấu hàng đầu”, trong khi người dân “sẵn sàng bắt đầu một chiến dịch rải truyền đơn lớn nhất từ trước đến nay”.
Cảnh báo trên được đưa ra một ngày sau khi Triều Tiên dùng thuốc nổ đánh sập Văn phòng Liên lạc liên Triều. Đây là hành động mang tính khiêu khích nhất của Triều Tiên kể từ khi nước này tham gia đàm phán hạt nhân năm 2018, mặc dù toà nhà nằm ở thị trấn vùng biên Kaesong vẫn bỏ không và Bình Nhưỡng đã thông báo trước với Seoul về vụ nổ. Văn phòng Liên lạc liên Triều, vốn được xây dựng với chi phí 8,3 triệu USD của Hàn Quốc, là văn phòng đầu tiên được thành lập giữa hai miền Triều Tiên kể từ sau cuộc chia tách đất nước vào năm 1945.
Bộ Tổng tham mưu Triều Tiên cho biết các đơn vị quân đội sẽ được triển khai đến khu nghỉ dưỡng Núi Kim Cương và khu công nghiệp Kaesong, nằm ở phía Bắc đường ranh giới liên Triều. Những địa điểm từng là biểu tượng của hợp tác liên Triều này đã bị đóng cửa trong nhiều năm qua do bất đồng giữa hai nước và các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.
Video khoảnh khắc toà nhà Văn phòng Liên lạc liên Triều bị đánh sập do đài quan sát Hàn Quốc ghi lại (nguồn: KCNA):
Lý do thực sự việc Triều Tiên nổ sập văn phòng liên lạc và đe doạ dùng vũ lực
Những bước đi nói trên nếu diễn ra sẽ chấm dứt hoàn toàn Thỏa thuận Quân sự toàn diện liên Triều được ký kết tháng 9/2018, trong quá trình ngoại giao nhằm giảm căng thẳng quân sự tại các khu vực biên giới giữa hai nước.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 16/6 cho biết các bước đi cứng rắn đã được thực hiện nhằm trả đũa cho thất bại của Hàn Quốc trong ngăn chặn các nhà hoạt động rải truyền đơn chống phá Triều Tiên qua biên giới. KCNA cho rằng sự kiện phá huỷ Văn phòng liên lạc liên Triều là “sự phản ánh lòng nhiệt thành của những con người đang giận dữ muốn trừng phạt những kẻ đã thách thức uy tín và phẩm giá cao nhất của đất nước chúng ta và những người bao che cho những kẻ cặn bã, thủ phạm của tội ác".
Theo KCNA, vụ phá huỷ chỉ là bước đầu tiên trong cuộc trả đũa, và Triều Tiên sẽ thiết lập cường độ và thời gian cho các bước đi bổ sung, trong khi vẫn theo dõi chặt chẽ mọi động thái của Hàn Quốc. “Trong một tình hình cấp bách như hiện tại, thái độ liều lĩnh, bất chấp và phản ứng của chính quyền Hàn Quốc sẽ dẫn tới những kế hoạch trả đũa cứng rắn hơn của chúng tôi”, KCNA cảnh cáo.
Binh sĩ Hàn Quốc tại khu vực phi quân sự gần biên giới liên Triều. Ảnh: Reuters
Những nguyên nhân đằng sau
Giới phân tích quốc tế cho rằng có nhiều lý do khiến Triều Tiên phá huỷ Văn phòng Liên lạc liên Triều và đe doạ sử dụng vũ lực với Hàn Quốc.
Theo nhà nghiên cứu an ninh quốc tế Ankit Panda (nhà phân tích và biên tập của tạp chí The Diplomat), sau lễ kỷ niệm 20 năm hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên, việc phá huỷ Văn phòng liên lạc liên Triều như là một lời nhắc nhở gợi mở về những cách thức hợp tác liên Triều sai lầm trong quá khứ và việc tiến độ thực hiện thoả thuận năm 2018 đã nhanh chóng sa sút. Ông Panda nhận định trên đài BBC (Anh), "trong những ngày tới, chúng ta có thể chứng kiến các bước đi khác của Triều Tiên, có thể bao gồm các cuộc tập trận quân sự khiêu khích, bắn đạn pháo trực tiếp vào lãnh thổ Hàn Quốc hoặc các hành động đảo ngược những thành tựu của Thỏa thuận quân sự toàn diện liên Triều tháng 9/2018".
Về mục đích chiến lược đằng sau những khiêu khích này, theo ông Panda, vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng. Bình Nhưỡng có thể đang tìm cách tạo ra một cuộc khủng hoảng để gây sức ép lên Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, vốn đang được sự ủng hộ của đa số tại quốc hội sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi tháng 4, nhằm thúc đẩy các dự án hợp tác kinh tế liên Triều.
Ngoài ra theo nhà nghiên cứu Ankit Panda, sự khiêu khích này, và những kế hoạch khác chưa xảy ra, có thể liên quan đến một nỗ lực nội bộ Triều Tiên nhằm xây dựng tính hợp pháp hơn nữa cho quyền lực của bà Kim Yo-jong, em gái Chủ tịch Kim Jong-un. Bà Kim Yo-jong chính là người thông báo sẽ phá hủy Văn phòng Liên lạc liên Triều trong một tuyên bố cứng rắn cuối tuần qua. Việc Kim Yo-jong trở thành trung tâm trong đợt căng thẳng này có thể là cách biểu thị rằng bà là một người có thể cứng rắn với kẻ thù của Triều Tiên.
Bà Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AFP/TTXVN
Một số suy đoán khác cho rằng, Triều Tiên muốn thúc đẩy một số nhượng bộ từ Hàn Quốc, muốn thu hút sự chú ý của Mỹ mà không cần thử tên lửa tầm xa, hoặc có lẽ muốn tạo ra một cuộc khủng hoảng nhằm mở đường cho các cuộc đàm phán khẩn cấp.
Trong khi đó, nhà khoa học chính trị Mỹ Van Jackson, chuyên gia bình luận về các vấn đề an ninh, quốc phòng châu Á, nhận xét rằng, “Triều Tiên cảm thấy bị Tổng thống Trump phản bội”. Theo ông Jackson, các động lực cho những hành động leo thang căng thẳng của Bình Nhưỡng có thể xuất phát từ ba vấn đề. Một là cảm giác bị phản bội của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sau các kỳ Hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Kim đã bước vào các cuộc họp thượng đỉnh đó với mong muốn đảm bảo dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế chống Triều Tiên nhưng đã không nhận được. Thứ hai, nền kinh tế Triều Tiên đang rơi vào tình cảnh căng thẳng do chiến dịch trừng phạt tối đa của Mỹ cộng với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khiến hoạt động thương mại với đối tác lớn nhất là Trung Quốc bị hạn chế. Thứ ba, là em gái ông Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong đang trong quá trình thể hiện sức mạnh và năng lực trước cả giới tinh hoa và quân sự Triều Tiên.
Thuỷ quân lục chiến Hàn Quốc tuần tra trên đảo Yeonpyeong ngày 16/6 trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước. Ảnh: AP
Trên kênh NBC News, ông Edward Howell, giảng viên về chính trị và chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Oxford (Anh) cũng cho rằng, Triều Tiên có lẽ đã cảm thấy thất vọng bởi sự thiếu tiến triển trong hàn gắn quan hệ ngoại giao với Mỹ và Hàn Quốc. “Đã 2 năm trôi qua kể từ khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 diễn ra tại Singapore vào năm 2018, tiếp đến là rất nhiều Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều khác, Triều Tiên đã thu được rất ít lợi ích, xét theo quan điểm của nước này. Điều đó được chứng minh qua những tuyên bố gần đây của bà Kim Yo-jong. Bình Nhưỡng có vẻ sẽ theo đuổi cách tiếp cận ngày càng cứng rắn hơn với Hàn Quốc và Mỹ. Họ không muốn khiên cưỡng bước vào một cuộc đối thoại nếu không đạt được kết quả thực tế”.