Lý do tàn khốc NATO chỉ dùng đạn uranium nghèo ở nước ngoài

Hải Yến |

Đạn có uranium nghèo được cho là ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và gây thiệt hại to lớn cho nông nghiệp.

Lý do tàn khốc NATO chỉ dùng đạn uranium nghèo ở nước ngoài - Ảnh 1.

(Ảnh: AP)

Chỉ huy lực lượng bảo vệ bức xạ, hóa học và sinh học Nga Igor Kirillov cho biết việc sử dụng đạn uranium nghèo mà phương Tây hứa sẽ chuyển đến Kiev sẽ gây ra tác hại không thể khắc phục đối với sức khỏe của người dân và sẽ gây ra thiệt hại to lớn cho nông nghiệp.

Ông nhấn mạnh rằng phương Tây nhận thức rõ về hậu quả của việc sử dụng loại đạn như vậy và đây là lý do tại sao các quốc gia NATO chỉ sử dụng chúng bên ngoài lãnh thổ của họ.

Ngày 20/3, Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Annabel Goldie tuyên bố nước này sẵn sàng chuyển các quả đạn uranium nghèo tới Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, trong trường hợp này, Moscow sẽ có "phản ứng phù hợp" với việc vận chuyển "vũ khí có thành phần hạt nhân".

Đạn uranium nghèo

Đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo được sử dụng để tiêu diệt xe tăng, các phương tiện bọc thép và các vật thể khác do mật độ uranium cao. Theo ông Kirillov, các hợp kim vonfram có đặc điểm tương tự, nhưng đạn làm từ các hợp kim này đắt hơn nhiều.

Ông Kirillov nhấn mạnh, đạn uranium không có "lợi thế đáng kể trong bối cảnh chiến sự hiện đại" so với đạn vonfram.

Ông cũng lưu ý đạn uranium nghèo có tại các quốc gia có kho dự trữ và công nghệ xử lý uranium.

Trong khi đó, các quốc gia này có kế hoạch sử dụng đạn như vậy trên lãnh thổ nước ngoài và không cần quan tâm đến hậu quả sinh thái.

Hậu quả tàn khốc

Theo ông Kirillov, việc sử dụng loại đạn như vậy sẽ tạo ra một đám mây nóng di động bao gồm các hạt uranium-238 nhỏ và các oxit của nó, có thể gây ra các bệnh lý nghiêm trọng khi ảnh hưởng đến cơ thể con người.

Đặc biệt, theo vị tướng trên, các bệnh ung thư đã được ghi nhận nhiều hơn ở Iraq và Nam Tư, nơi loại đạn này được sử dụng.

Ngoài ra, uranium nghèo gây ô nhiễm môi trường và các hợp chất uranium trong đất vẫn nguy hiểm trong một thời gian dài, ông Kirillov nói.

Ông lấy Fallujah của Iraq làm ví dụ: sau các cuộc tấn công của phương Tây, thành phố này vẫn được gọi là "Chernobyl thứ hai". Tình trạng bức xạ ở đây từng tồi tệ hơn nhiều so với sau vụ ném bom hạt nhân xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản.

Theo Giám đốc điều hành Alexander Uvarov của tổ chức phi lợi nhuận Atominfo-Center, các cuộc khảo sát của Liên Hợp Quốc đã xác định cần phải khử nhiễm các khu vực ở Nam Tư nơi đạn uranium được sử dụng.

Mối đe dọa cho chính Ukraine

Theo ông Kirillov, việc sử dụng đạn uranium nghèo có hại cho chính Kiev: nó sẽ gây ra tác hại không thể khắc phục đối với sức khỏe của quân nhân và dân thường Ukraine. Về vấn đề này, ông nhấn mạnh các cuộc điều tra cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ung thư tăng cao trong số các quân nhân Italy tham gia chiến sự ở Balkan và Iraq.

"Việc sử dụng đạn uranium nghèo sẽ gây ra thiệt hại to lớn cho khu liên hợp nông nghiệp Ukraine" và sẽ làm giảm xuất khẩu nông sản từ lãnh thổ của họ trong nhiều thập kỷ, nếu không muốn nói là hàng thế kỷ - ông Kirillov cho biết. Ông nhấn mạnh phương Tây hoàn toàn nhận thức được những hậu quả tiêu cực của việc sử dụng đạn uranium nghèo.

Trước đó, Nhà Trắng cho biết Washington không coi đạn uranium nghèo là mối đe dọa phóng xạ và gọi chúng là "loại đạn thông thường", được sử dụng do khả năng xuyên giáp cao. Đồng thời, bản thân Mỹ không vận chuyển loại đạn như vậy tới Ukraine.

Nguy cơ leo thang

Ông Kirillov cho rằng tuyên bố của Anh về việc cung cấp đạn uranium nghèo cho Ukraine dường như "đáng xấu hổ" trước lễ kỷ niệm vụ đánh bom Nam Tư, nơi những loại đạn như vậy đã được sử dụng.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng kịch liệt lên án sáng kiến ​​của Anh và khuyên London nên tiến hành các cuộc thử nghiệm với loại đạn như vậy trên lãnh thổ của mình.

Moscow nhấn mạnh rằng việc vận chuyển đạn uranium nghèo sẽ dẫn đến tình hình xung quanh Ukraine leo thang. Cụ thể, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov gọi đây là "một bước tiến tới sự gia tăng leo thang nghiêm trọng".

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tuyên bố một cuộc đụng độ hạt nhân đang ngày càng tới gần hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại