Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/12 tuyên bố Mỹ rút quân khỏi Syria với lý do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị đánh bại. Tuy nhiên, thực tế theo giới chuyên gia dù cuộc chiến sắp kết thúc nhưng đang ở giai đoạn quan trọng là ngăn chặn cơ hội tái lập của IS. Khủng bố IS đang tái tổ chức và cuộc chiến chưa kết thúc.
Việc Mỹ rút quân khỏi quốc gia Trung Đông có thể bắt nguồn từ nhiều lý do sâu xa khác.
Theo Sputnik, Mỹ buộc phải rút quân khỏi Syria vì không thể chia sẻ ảnh hưởng với Nga. Quân đội của Nga đang giữ vị thế thống trị ở Syria.
Theo Phó Trưởng khoa Kinh tế Thế giới và Chính trị Thế giới của trường đại học Kinh tế Cấp cao, ông Andrei Suzdaltsev, Mỹ không thể chấp nhận được là ký kết những thỏa thuận nào đó với Nga và chia sẻ các vùng ảnh hưởng với Nga.
"Quân đội Nga đang thống trị đất nước. Nếu Mỹ tiếp tục hiện diện tại Syria thì tự nhiên sẽ nảy sinh vấn đề về việc phân định các vùng ảnh hưởng, mà lập trường của Mỹ là không thiết lập bất kỳ mối quan hệ nào với chúng ta.
Hiện giờ Mỹ đang rút ra khỏi mọi thỏa thuận với chúng ta. Nếu chúng ta phân chia các khu vực ảnh hưởng ở Syria, nghĩa là chúng ta sẽ bắt đầu phân chia các vùng ảnh hưởng khác trên khắp thế giới. Và khi đó không còn tồn tại thế giới đơn cực nữa", ông Andrei Suzdaltsev nhận định.
Một lý do khác, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong những ngày gần đây đã cảnh báo điều binh sĩ để đẩy lùi lực lượng người Kurd - liên minh với Mỹ tại Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ coi Lực lượng Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) được quân đội Mỹ chống lưng là nhóm khủng bố. Theo CNN, bản thân Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng chịu áp lực từ trong nước cần mạnh tay hơn với lực lượng người Kurd tại Syria.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này trước đây vẫn dè chừng do có sự hiện diện của quân đội Mỹ. Điều này phần nào khiến Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian qua đã thân thiết hơn với Nga.
Và việc Mỹ rút khỏi Syria lúc này đồng nghĩa với việc toàn bộ trách nhiệm tiêu diệt IS cũng như tầm ảnh hưởng ở Trung Đông được chuyển về cho Nga và Iran.
Nhiệm vụ đánh bật IS không phải là nhiệm vụ quá dễ dàng. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) trong tháng 11 cho biết hiện vẫn còn 30.000 phiến quân IS bám trụ tại Iraq và Syria âm mưu vực dậy tổ chức khủng bố này.
Theo TASS, Nga bất ngờ nói rằng Mỹ không hề đạt được mục đích riêng của mình ở Syria, bao gồm việc không thể lật đổ được chính quyền hợp pháp ở Damascus, sau khi Washington tuyên bố rút quân về nước vì IS đã bại trận.
"Trong trường hợp Mỹ thực sự quyết định rút toàn bộ binh lính khỏi lãnh thổ Syria, điều này không có nghĩa họ đã hoàn thành sứ mệnh tại đó.
Có chăng, họ đã thất bại trong việc thay đổi chế độ ở Syria thông qua việc lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad", Đại diện Ủy ban Quốc phòng và An ninh Thượng viện Nga, ông Frantz Klintsevich ngày 19/12 tuyên bố.
Ông Klintsevich cũng bày tỏ nghi ngờ việc Mỹ tuyên bố rút quân ở Syria bởi Washington không ít lần thay đổi chính sách về vấn đề này. "Việc Mỹ rút quân có thể diễn ra trong thời gian không xác định được. Ngoài ra, họ cũng luôn có thể nói rằng tình thế đã thay đổi", đại diện Nga nói thêm.