Theo tạp chí National Interest, hiện nay Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) chưa hề sở hữu bất cứ loại vũ khí phòng thủ nào đủ mạnh, để có thể tiêu diệt các loại tên lửa mà Triều Tiên mới phóng thử trong giai đoạn gần đây, gần nhất là dòng tên lửa Scud mà Bình Nhưỡng đã bắn về phía biển Nhật Bản hồi tháng Ba.
Truyền thông Triều Tiên ngày 7/3 đã công bố các bức ảnh về vụ thử nghiệm 4 tên lửa tầm ngắn Scud về phía biển Nhật Bản.
Để giải quyết mối đe dọa này, Nhật Bản đang có ý định mua các tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk. Với đầu đạn nổ nặng khoảng 1.000 pound (454 kg), chiều dài là 5,56 m, loại tên lửa này có thể loại bỏ các hệ thống radar và tiêu diệt đối phương ở khoảng cách 900 dặm (1.448 km).
Chuyên gia quân sự Ryan Pickrell của National Interest đưa ra giả thuyết, nếu Nhật Bản quyết định sở hữu dòng tên lửa Tomahawk này, nhiều khả năng chúng sẽ được trang bị lên các tàu khu trục Aegis.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang cân nhắc mua thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis để tăng cường khả năng đối phó với mối đe dọa từ các loại tên lửa ở trên đất liền.
“Tuy nhiên, trong chính sách hòa bình thời hậu chiến, nước này nghiêm cấm sáp nhập lực lượng thủy quân lục chiến, tàu sân bay và tên lửa hành trình vào hoạt động của SDF, ngoại trừ trường hợp phòng vệ.
Vậy nên nếu Nhật Bản tiến hành việc mua thêm tên lửa và hệ thống phòng thủ, đây sẽ là một bước ngoặt thay đổi lớn trong chính sách an ninh quốc gia của Tokyo”, chuyên gia Ryan Pickrell lưu ý.
Từ khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền, Nhật Bản đã tiến hành sửa đổi Hiến pháp đồng thời mở rộng hoạt động của SDF. Quân đội Nhật Bản được cho đang tiến hành đào tạo lữ đoàn đầu tiên thuộc lực lượng thủy quân lục chiến.
Nếu SDP bổ sung vào hệ thống khí tài quân sự tên lửa Tomahawk, nó sẽ cho phép Nhật Bản triển khai các cuộc tấn công phòng vệ phủ đầu, chống lại hệ thống vũ khí của Triều Tiên. Thậm chí, Nhật Bản có thể sử dụng Tomahawk để phản công lại quốc gia đồng minh Trung Quốc này.
Sau khi Triều Tiên “ra mắt” 4 quả tên lửa tầm ngắn Scud hồi tháng Ba, giới chức Nhật Bản đã bắt đầu thảo luận về việc tăng cường năng lực cho các lực lượng vũ trang nước này.
"Nhật Bản không thể ngồi chờ cho tới khi bị nguy hiểm cận kề. Về mặt pháp lý, Nhật Bản có thể tấn công căn cứ của kẻ thù nếu họ hành động khiêu khích. Nhưng hiện chúng ta chưa có vũ khí để thực hiện nó".
Washington Post dẫn lời ông Hiroshi Imazu, người đứng đầu Ủy ban An ninh của đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, ông này cũng là một trong những nghị sĩ Nhật Bản đầu tiên ủng hộ kế hoạch phát triển năng lực tấn công của Quân đội nước này.
Chung quan điểm, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cũng cho hay, Tokyo nên xem xét về việc sở hữu vũ khí có khả năng tấn công.
Hiện tại, hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật Bản có thể đối phó với loạt bắn tên lửa đầu tiên của Triều Tiên. Nhưng đối với các cuộc tấn công liên tục, Nhật Bản không thể chống đỡ được bởi thiếu khả năng kiểm soát được tình hình ở bãi phóng tên lửa của đối phương cũng như ngăn đối phương tiến hành các đợt tấn công tiếp theo.
“Là một quốc gia gần kề với mối đe dọa hạt nhân và tên lửa Triều Tiên, hơn ai hết Nhật Bản hiểu được tầm quan trọng của việc sở hữu vũ khí phòng vệ.
Tuy nhiên, để sở hữu các tên lửa hành trình Tomahawk, hay đặt mua các hệ thống phòng thủ tên lửa, Nhật Bản cần có sự đồng ý của Mỹ”, Itsunori Onodera, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đưa ra quan ngại trong cuộc trả lời phỏng vấn hồi tháng Ba vừa qua.