Lý do Nga và Ukraine tập kích ồ ạt UAV vào lãnh thổ của nhau
Tuần trước, Nga đã bắt đầu nỗ lực mới nhằm đẩy lùi lực lượng Ukraine khỏi khu vực Kursk sau khi tập hợp hơn 50.000 binh sỹ. Mặc dù Nga đang tiến công đều đặn ở phía đông Ukraine nhưng nước này cũng phải chịu tổn thất lớn về nhân lực và vật lực.
Các cuộc giao tranh ác liệt diễn ra trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột, nhưng vẫn chưa công bố chi tiết kế hoạch hòa bình của ông. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẵn sàng đàm phán hòa bình nhưng chỉ khi các yêu cầu của Nga được đáp ứng. Quân đội Nga đang giành được động lực trên khắp tiền tuyến nhờ quy mô và số lượng vũ khí lớn hơn so với Ukraine.
Về phần mình, Ukraine đang gồng mình chống trả ở tiền tuyến và tăng cường tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Người dân Ukraine lo ngại, mong muốn chấm dứt chiến tranh của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể khiến Kiev phải chịu thiệt trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào. Mặc dù vậy, Tổng thống Zelensky vẫn hy vọng ông Trump sẽ tận dụng sức mạnh của Mỹ để giúp đỡ Ukraine.
Nhà phân tích Ruslan Pukhov thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ tại Nga nhận định: “Ở thời điểm này, việc cả hai bên cố gắng đạt được lợi thế để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng sắp diễn ra là điều hoàn toàn phù hợp. Nếu như Nga đang cố gắng giành được lợi ích trên thực địa, thì Ukraine lại cố gắng chiếm ưu thế thông qua các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái".
Vào sáng sớm 10/11, cả Nga và Ukraine đã phóng số lượng máy bay không người lái lớn kỷ lục vào lãnh thổ của nhau. Nga tuyên bố đã bắn hạ 84 UAV của Ukraine ở sâu trong lãnh thổ nước này, gần một nửa trong số đó ở khu vực Moscow. Ba sân bay xung quanh thủ đô Moscow đã tạm thời chuyển hướng các chuyến bay vì vụ tấn công này.
Trong khi đó, Tổng thống Zelensky cáo buộc Nga đã phóng 145 máy bay không người lái vào các khu vực trên khắp Ukraine. Theo ông Zelensky, Nga đã sử dụng hơn 800 quả bom dẫn đường, 600 máy bay không người lái và 20 tên lửa tấn công Ukraine vào tuần trước.
Trên tuyến đầu, đặc biệt là ở phía đông Ukraine, Nga đang tiến chậm nhưng chắc chắn. DeepState - nhóm giám sát xung đột của Ukraine cho biết, quân đội Nga đã chiếm gần 321km2 vuông lãnh thổ Ukraine vào tháng 10 vừa qua. Đây là bước tiến mạnh nhất của Nga kể từ đầu năm đến nay.
Trong khi đó, một số nguồn tin chưa xác định cho rằng, khoảng 10.000 binh sỹ Triều Tiên đã được triển khai đến tỉnh Kursk, miền tây nước Nga để củng cố nỗ lực của Moscow nhằm đánh bật quân đội Ukraine ra khỏi khu vực này.
Tuần trước, các quan chức Ukraine tuyên bố lần đầu tiên tấn công lực lượng Triều Tiên tại Kursk, nhưng cho biết lực lượng này vẫn chưa tham gia vào giao tranh ở tuyến đầu.
Một quan chức Mỹ cho biết, Washington vẫn đang đánh giá mức độ tham gia của quân đội Triều Tiên trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, trong đó có cả loại vũ khí mà binh sỹ Triều Tiên được cung cấp và mức độ hợp tác chặt chẽ của họ với các đối tác Nga.
Thách thức đối với cả Nga và Ukraine
Nga đã bắt đầu giành lại các vùng lãnh thổ do Ukraine nắm giữ ở khu vực Kursk. Tuần trước, lực quân đội nước này đã phát động một cuộc phản công lớn sau khi tập hợp đông đảo binh sỹ và vũ khí, một quan chức Ukraine và một nhà phân tích quân sự cho biết.
Trung úy Andriy Kovalenko, người đứng đầu Trung tâm Chống thông tin sai lệch tại Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine cho rằng: “Nga đã tập hợp lực lượng cách đây vài tuần. Họ đã huy động các lực lượng dự bị và rất nhiều thiết bị cùng với nhân sự”.
“Họ không chỉ hoàn tất quá trình chuẩn bị mà còn đang bắt đầu triển khai lực lượng”, ông Roman Pohoriliy, người đồng sáng lập DeepState lưu ý.
Đến thời điểm hiện tại, Ukraine đã có khả năng ngăn chặn được phần lớn bước tiến của Nga, nhưng Moscow vẫn đang triển khai bộ binh để tấn công và tìm cách tận dụng lợi thế của họ. Các nhà phân tích dự đoán quân đội Nga có thể tiếp tục tiến lên trong những tháng tới, nhưng sẽ không thể tạo ra bước đột phá đáng kể.
Theo giới phân tích, tốc độ mất binh sỹ của Nga đang nhanh hơn tốc độ tuyển quân. Một nguồn tin tình báo của Mỹ hồi đầu tháng này cho biết, việc tuyển dụng của Nga đã giảm nhẹ hơn so với thời điểm trước đây, xuống còn khoảng 25.000 đến 30.000 binh sỹ mỗi tháng. Tuy vậy, Ukraine đang phải đối mặt với vấn đề thiếu nhân lực thậm chí còn trầm trọng hơn Nga.
Cùng với tình trạng thiếu hụt bộ binh, Ukraine cũng phải đối mặt với khả năng Mỹ sẽ cắt nguồn viện trợ quân sự. Điều này sẽ khiến Ukraine dễ bị tấn công cả ở tuyến đầu và tuyến sau - nơi đạn dược phòng không do Mỹ cung cấp đã trở thành nguồn tài nguyên quý giá để chống chọi các cuộc ném bom của Nga.
Chính quyền Tổng thống Biden cam kết, Mỹ sẽ ủng hộ Ukraine ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Trong một động thái mới nhất, Washington đã gỡ bỏ hạn chế, cho phép các nhà thầu quân sự của nước này làm việc tại Ukraine để giúp bảo dưỡng vũ khí, trang thiết bị cho Kiev. Trong chương trình "Face the Nation" của CBS, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết, Mỹ sẽ chi "đúng hạn và đầy đủ" toàn bộ viện trợ được phân bổ cho Ukraine vào năm 2023 trước khi Tổng thống Biden rời nhiệm sở vào ngày 20/1/2025.
Ông Sullivan nói thêm, Tổng thống Biden cũng sẽ tranh luận trước Quốc hội và thuyết phục chính quyền Tổng thống đắc cử Trump rằng Mỹ "không nên rời xa Ukraine".
Ukraine đã tăng cường sản xuất vũ khí trong nước giải quyết mối lo ngại về việc Mỹ sẽ rút viện trợ. Sự thay đổi này đã trở thành cơn đau đầu đối với Nga vì những loại đạn dược đó có thể tấn công các mục tiêu mà trước đây nằm ngoài tầm với của Kiev. Tuần trước, Ukraine đã lần đầu tấn công các tàu hải quân Nga ở Biển Caspi.
Tổng thống Zelensky cho biết, Ukraine đang tự sản xuất nhiều loại vũ khí như đạn pháo, máy bay không người lái. Kiev cũng sản xuất hơn 100 tên lửa từ đầu năm đến nay. Đây là lần đầu tiên Ukraine đạt được khả năng này. Ông Zelensky tuyên bố: "Chúng tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất vũ khí”.