Theo luật quốc phòng 2019 vừa được quốc hội Mỹ thông qua cho biết, việc đại tu tàu sân bay Washington nhằm "nhanh chóng triển khai tác chiến UAV MQ-25", trong đó nhấn mạnh "ngay sau khi hoàn thành hải quân cần ưu tiên triển khai MQ-25 ở khu vực Thái Bình Dương".
Một thư ký nghị sĩ Mỹ nói với báo giới: "Đối với tàu sân bay duy nhất triển khai ở tiền duyên, việc có sự phục vụ của UAV tiếp dầu đầu tiên này là hết sức cần thiết".
Năm 2008 tàu sân bay USS George Washington được biên chế cho Hạm đội 7 của hải quân Mỹ. Đây cũng là tàu sân bay duy nhất của Mỹ có cảng ở nước ngoài. Đến năm 2015 con tàu này mới được đưa về Mỹ từ căn cứ quân sự ở Yokosuka, Nhật Bản nhằm chuẩn bị cho kế hoạch nâng cấp kéo dài 4 năm.
Theo các chuyên gia quân sự Trung Quốc, sau khi nâng cấp rất có thể tàu sân bay USS George Washington sẽ tiếp tục được đưa đến Yokosuka.
Việc có MQ-25 sẽ giúp các máy bay chiến đấu trên tàu sân bay Mỹ tăng gấp đôi phạm vi hoạt động.
Chiếc UAV tiếp dầu này có thể vận chuyển 15.000 pound nhiên liệu, phạm vi hoạt động tới 500 hải lý.
Các chuyên gia cho rằng Mỹ gấp rút triển khai MQ-25 tới Thái Bình Dương vì lo ngại sức mạnh tấn công tầm xa của quân đội Trung Quốc. Đặc biệt là khi tầm bắn của tên lửa chống hạm "Đông Phong 21D" và "Đông Phong 26" của Trung Quốc xa hơn nhiều so với phạm vi tác chiến của các máy bay chiến đấu trên tàu sân bay Mỹ như F35C hay F/A 18 E/F.
Nhiều trung tâm nghiên cứu của Mỹ cũng cho rằng nếu xảy ra chiến tranh, tàu sân bay USS George Washington sẽ không an toàn nếu ở cách đất liền trong vòng 1000 km. Có UAV tiếp dầu MQ-25, tàu sân bay có thể hoạt động ở ngoài phạm vi tác chiến của các máy bay chiến đấu Trung Quốc.
Ngoài ra, nhờ công nghệ tàng hình hiện đại, MQ-25 cũng có thể được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ trinh sát, thậm chí là tấn công. John Clark, phó giám đốc kinh doanh công ty Lockheed Martin, từng tuyên bố rằng các mẫu máy bay của công ty trong tương lai có thể "giúp Hải quân Mỹ đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ hơn".