Lý do Mỹ chưa quay lại Hiệp ước Bầu trời Mở với Nga

Bảo Hà |

Trong khi đảng Dân chủ gọi hành động của cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp ước Bầu trở Mở là “bất hợp pháp”, song cho đến nay chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn chưa có động thái nào để đảo ngược quyết định của người tiền nhiệm.

Không quân Mỹ đã quyết định cho “nghỉ hưu” chiếc máy bay OC-135 Open Skies - trước đó thực hiện các chuyến bay giám sát trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời Mở. Ảnh: US Air Force

Không quân Mỹ đã quyết định cho “nghỉ hưu” chiếc máy bay OC-135 Open Skies - trước đó thực hiện các chuyến bay giám sát trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời Mở. Ảnh: US Air Force

Theo bản ghi nhớ ngày 31/3 gửi tới các “đối tác quốc tế” bị rò rỉ, chính quyền Tổng thống Biden thẳng thắn bày tỏ “lo ngại việc nhất trí tái tham gia một hiệp ước mà Nga tiếp tục vi phạm sẽ gửi thông điệp sai lầm đến Nga và làm suy yếu quan điểm của chúng tôi trong chương trình nghị sự kiểm soát vũ khí”.

“Mặc dù chúng tôi nhận ra các vi phạm Hiệp ước Bầu trời Mở của Nga không cùng mức độ với việc vi phạm nghiêm trọng trong Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), nhưng nó cũng phản ánh việc Nga coi thường các cam kết quốc tế về kiểm soát vũ khí. Hơn thế nữa, điều đó đặt ra nghi vấn về mức độ sẵn sàng của Nga tham gia hợp tác xây dựng lòng tin”, đài Sputnik trích dẫn bản ghi nhớ bị rò rỉ.

INF và Hiệp ước Bầu trời Mở là hai thỏa thuận mà Mỹ ký kết cùng Nga nhằm giảm căng thẳng giữa hai quốc gia, đặc biệt là tại vùng Đông Âu.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump đã lần lượt rút Mỹ ra khỏi hai hiệp ước này vào năm 2019 và 2020 sau khi cáo buộc Nga vi phạm điều kiện thỏa thuận. Về phần mình, Moskva luôn phủ nhận các vi phạm này.

Khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở vào tháng 5/2020, các nhà lập pháp đảng Dân chủ đã gọi động thái này là "bất hợp pháp" vì chính quyền của Tổng thống Trump không thông báo trước cho họ 120 ngày theo quy định Đạo luật Cấp phép Quốc phòng.

Trong một bức thư gửi cho Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ là Mark Esper và Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo, một nhóm thượng nghị sĩ đã gọi đó là “động thái chính trị rõ ràng nhằm tìm cách ràng buộc chính quyền mới trong tương lai”.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn chấm dứt tham gia hiệp ước trên vào tháng 11. Đến tháng 1/2021, Moskva tuyên bố ngừng tham gia, cho rằng trách nhiệm dẫn tới kết quả này phụ thuộc hoàn toàn vào hành động của Mỹ và các đồng minh NATO.

Tuy nhiên, Nga cũng phát đi tín hiệu sẵn sàng tái khởi động thỏa thuận nếu Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Biden quan tâm.

Sau khi Mỹ tuyên bố chấm dứt Hiệp ước Bầu trời Mở, ông Sergei Ryzhkov - người đứng đầu Trung tâm Quốc gia về Giảm Nguy cơ Hạt nhân của Bộ Quốc phòng Nga - gọi những lý do của Mỹ là “cái cớ” để từ chối Nga tiếp cận không phận Mỹ và vì “mong muốn của Mỹ nhằm kiểm soát tất cả không gian từ hệ thống thông tin liên lạc, điều hướng, kiểm soát mảnh vỡ không gian, viễn thám Trái Đất...

Ngày 6/3, Không quân Mỹ đã công bố quyết định cho “về hưu” chiếc máy bay OC-135 Open Skies trước đó được chế tạo đặc biệt để thực hiện các chuyến bay giám sát trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời Mở.

Trong khi đó, máy bay chuyên dụng Tu-214ON của Nga cũng được điều động làm các nhiệm vụ trinh sát khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại