Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vẫn chưa ấn nút thử nghiệm vũ khí hạt nhân, dù giới tình báo Mỹ và Hàn Quốc nhiều lần đưa ra lời cảnh báo về việc Triều Tiên đã hoàn thành công tác chuẩn bị và có thể thử nghiệm vũ khí hạt nhân bất cứ lúc nào.
Giới quan sát ngoại giao đồng tình rằng Triều Tiên vẫn sẽ thử hạt nhân. Nhưng việc Triều Tiên chần chừ chưa tiến hành có thể là do sức ép từ phía Trung Quốc, hoặc do chính quyền Bình Nhưỡng đang cân nhắc về những hệ lụy chính trị nếu thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 7.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vẫn chưa cho tiến hành vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ 7. (Ảnh: Yonhap)
Sau tuyên bố của ông Kim trong đại hội đảng Lao động lần thứ 8 vào tháng 1/2021 về việc Triều Tiên sẽ tăng cường năng lực hạt nhân và tên lửa, cùng 31 tên lửa được phóng thử trong năm nay và hoạt động tái xây dựng tại bãi thử hạt nhân, ông Joseph DeTrani, cựu đặc phái viên Mỹ phụ trách đàm phán với Triều Tiên, nhận định chính quyền Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 7.
Song theo ông DeTrani, sức ép từ chính quyền Bắc Kinh có thể là nguyên nhân khiến Triều Tiên trì hoãn tiến hành vụ thử hạt nhân, do gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc không có lợi cho Trung Quốc.
“Trung Quốc có thể đang khuyến khích Triều Tiên dừng thử hạt nhân, bởi họ lo ngại về phản ứng của Mỹ và Hàn Quốc có thể làm trầm trọng thêm các mối quan hệ với Triều Tiên, đẩy căng thẳng tăng cao ở bán đảo Triều Tiên, cũng như có thể dẫn tới xung đột tiềm tàng”, Korea Times dẫn lời ông DeTrani.
Ông Ramon Pacheco Pardo, Giáo sư nghiên cứu các mối quan hệ quốc tế tại King's College London, cũng đồng tình với nhận định của ông DeTrani về vai trò của Trung Quốc trong việc kiềm chế Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 7.
“Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang gia tăng sức ép với Triều Tiên để không tiến hành vụ thử hạt nhân, vì nó sẽ kéo thêm bất ổn ở khu vực”, ông Pacheco Pardo nói.
“Do đó có thể ông Kim phải cân nhắc về khả năng khiến Trung Quốc tức giận liên quan tới vụ thử hạt nhân mới. Trong khi cả Trung Quốc và Nga sẽ không để Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt thêm lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên, và Trung Quốc vẫn đang là phao cứu sinh kinh tế chính cho Triều Tiên, nên ông Kim tiếp tục muốn duy trì các mối quan hệ tốt đẹp”, ông Pacheco Pardo nói thêm.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng cho biết, lo ngại gia tăng về khả năng Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân, chính phủ Mỹ gần đây đã thảo luận vấn đề này với phía Trung Quốc.
Ngoài tác động từ Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng ông Kim cũng đang đánh giá những tác động chính trị nếu tiến hành vụ thử hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017.
“Tôi nghĩ ông Kim vẫn chưa đưa ra quyết định vì còn cân nhắc những lợi ích của vụ thử hạt nhân mới với cái giá phải trả”, ông Pacheco Pardo cho hay.
Cũng theo các chuyên gia, lợi ích chính mà Triều Tiên nhận lại được nếu tiến hành thử hạt nhân lần thứ 7 là tiếp tục cải tiến công nghệ.
“Nhưng cái giá phải trả sẽ bao gồm lệnh trừng phạt mới từ Mỹ và Hàn Quốc, kéo theo sự trì trệ của hoạt động ngoại giao, Nga và Trung Quốc cũng không hài lòng vì sự bất ổn mà vụ thử nghiệm hạt nhân mang tới”, ông Pacheco Pardo chia sẻ.
Cũng theo ông Pacheco Pardo, Chủ tịch Kim còn không muốn làm trái với tuyên bố đưa ra vào năm 2017 về việc Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân có trách nhiệm.
“Nếu ông Kim thực sự muốn thực hiện vụ thử hạt nhân mà không do dự gì, ông ấy đã cho thử nghiệm. Nhưng ông ấy tới nay vẫn chưa đưa ra quyết định”, ông Pacheco Pardo kết luận.
Nhưng ông Bruce Bennett, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại RAND Corporation, lại nghi ngờ các nhà khoa học Triều Tiên vẫn chưa hoàn thiện loại vũ khí hạt nhân mà ông Kim muốn đưa ra thử nghiệm.
Ông Bennett cho rằng ông Kim còn đang chờ đợi thời gian thích hợp để có thêm hành động khiêu khích.
“Ông Kim có thể đang chờ tới dịp lễ kỷ niệm hoặc sự kiện cụ thể như ngày 4/7, thời điểm từng diễn ra các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo vào năm 2006 và 2009, hoặc đáp trả trước động thái từ phía Mỹ”, ông Bennett cho hay.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cũng được cho tin rằng Trung Quốc đang đóng vai trò ép Triều Tiên lùi thời gian thử nghiệm hạt nhân.
Ngoài ra, giới chức Hàn Quốc nhận định khả năng Triều Tiên đang muốn phát triển loại vũ khí hạt nhân chiến thuật trang bị đầu đạn có sức công phá 20 kiloton. Đầu đạn này có thể được tích hợp trên các tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Do đó, khả năng vụ thử thứ 7 của Triều Tiên là thử nghiệm vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Song ông Bennett lại không đồng tình với nhận định trên. Bởi vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên đã có sức công phá 25 kiloton và vụ thử nghiệm thứ 6 lên tới 100 kiloton.
“Hoàn toàn có khả năng ông Kim sẽ cho thử nghiệm loại vũ khí hạt nhân quy mô lớn hơn so với vụ thử nghiệm thứ 6, chuyện này sẽ làm náo động tin tức thế giới”, ông Bennett kết luận, động thái này sẽ chứng minh được sức mạnh của ông Kim, dù có thể khiến Trung Quốc nổi giận.