Lý do khiến Nga muốn Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân với Iran

Hà Linh |

Nga chủ trương muốn Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran năm 2015. Các chuyên gia cho rằng điều này sẽ giúp đảm bảo ổn định khu vực Trung Đông, tránh để nơi này rơi vào hỗn loạn.

Tổng thống Joe Biden vẫn chưa có quyết định chính thức về việc đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: AFP

Tổng thống Joe Biden vẫn chưa có quyết định chính thức về việc đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: AFP

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Mikhail Ulyanov ngày 3/2 đăng trên mạng xã hội Twitter: “Đây là lúc cao điểm để Mỹ và Iran có những bước đi phối hợp nhằm khôi phục Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA)”.

Nòng cốt của JCPOA - thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nước trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) - là Tehran hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lại việc được nới lỏng các lệnh trừng phạt. Theo điều khoản của thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015, Iran đồng ý sở hữu không quá 300kg urani làm giàu ở mức 3,67% tinh khiết.

Tờ Newsweek cho biết vào năm 2018, Tổng thống Donald Trump khi đó đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này. Tổng thống Joe Biden cam kết đưa Mỹ quay trở lại JCPOA. Tuy nhiên, trong những tuần đầu tiên ông Biden bước vào Nhà Trắng, lệnh trừng phạt từ thời ông Trump với Iran vẫn tồn tại. Chính quyền Tổng thống Biden khẳng định rằng cần có điều kiện tiên quyết là Iran đảm bảo tuân thủ các cam kết thì Mỹ mới cân nhắc về việc tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã đề xuất “đồng bộ hóa” cùng quay trở lại thỏa thuận hạt nhân với Mỹ dưới sự giám sát của đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price lại không mặn mà với điều này: “Nếu Iran thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của nước này theo JCPOA thì Mỹ cũng làm điều tương tự và chúng ta sẽ coi đó là nền tảng để xây dựng thỏa thuận lâu dài và có thể xử lý cả nhiều vấn đề lo ngại khác. Nhưng vẫn còn một chặng đường rất dài”.

Về diễn biến này, Đại sứ Ulyanov đăng mạng xã hội Twitter: “Tôi cho rằng đây là một đánh giá sai lầm. Chúng ta có thể phải chứng kiến ngọn lửa hư danh và tham vọng vô ích: các bên phải có động thái đầu tiên. Hiện tại là ngõ cụt”.

Điều phối viên chương trình Hội đồng Đối ngoại Quốc tế Nga Pyotr Kortunov đánh giá với tờ Newsweek: “Nga vẫn kỳ vọng Mỹ chủ động tiếp xúc với Iran để sửa chữa lại những điều chính quyền trước đã cố gắng hủy hoại. Tuy nhiên, cả Iran và Nga nên chào đón một phương pháp thỏa hiệp với Tehran và Washington sẽ thực hiện nghĩa vụ của họ theo JCPOA”.

Chính quyền Tổng thống Biden có sẵn sàng đi theo con đường này hay không vẫn là một ẩn số. Cả ông Price và Ngoại trưởng Antony Blinken đều ngỏ ý rằng hiện chưa có câu trả lời ngay tức khắc. Đối với Iran, việc Mỹ quay trở lại JCPOA đồng nghĩa với việc nới lỏng những lệnh trừng phạt đang khiến nền kinh tế quốc gia Hồi giáo này lao đao. Việc mở cửa và phát triển kinh tế quốc gia là yếu tố then chốt khi Iran ra quyết định hạn chế chương trình hạt nhân mà nước này luôn khẳng định vì mục đích dân sự.

Lý do khiến Nga muốn Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân với Iran - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (trái) và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov bắt tay sau khi ký một thỏa thuận ngày 27/1. Ảnh: Newsweek.

Về phần Nga, việc Mỹ quay trở lại JCPOA cũng là một ưu tiên. Ông Kortunov nhận xét: “Đó là điều quan trọng đối với chiến thuật cân bằng của Moskva tại Trung Đông”.

“Tình trạng bất định và leo thang căng thẳng tạo ra bầu không khí nguy hiểm với việc chỉ một hành động bất cẩn từ một phía cũng có thể bùng phát hiệu ứng phản ứng chuỗi dẫn đến trả thù và xung đột vũ trang giữa Iran và đối thủ trong khu vực”, ông Kortunov bổ sung.

Theo ông, viễn cảnh này tác động nghiêm trọng đến ổn định Trung Đông và giảm ảnh hưởng của Moskva tại khu vực này. Không giống Mỹ, Nga vẫn duy trì quan hệ với gần như tất cả các phe đối đầu ở Trung Đông. Nhưng Moskva khó duy trì điều này dưới thời cựu Tổng thống Trump khi ông áp dụng chiến thuật “áp lực tối đa” ở Trung Đông, gây chia rẽ sâu sắc hơn giữa các bên đối địch tại khu vực này. Israel và Saudi Arabia, vốn đều là đồng minh thân cận của Mỹ, đã phản đối mạnh mẽ JCPOA. Theo Newsweek, áp lực từ thời Tổng thống Trump đã gây gia tăng bất ổn ở Trung Đông, đặc biệt là Iraq và Vịnh Ba Tư, một trong những tuyến đường vận tải dầu qua biển quan trọng nhất thế giới.

Trong một cuộc gặp với người đồng cấp Iran vào tháng 1 ở Moskva, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã ký thỏa thuận thông tin an ninh. Tại sự kiện này, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng tôi tương đồng”. Ông khuyến khích Mỹ quay lại và tuân thủ thỏa thuận hạt nhân.

Ông Baklitskiy đánh giá: “Nga sẵn sàng đặt niềm tin vào Tổng thống Biden về JCPOA. Dù sao nhà lãnh đạo Mỹ đã thực hiện đúng cam kết về gia hạn thêm Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START)”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại