Trong tháng 1, tổng giá trị trái phiếu vỡ nợ của Unigroup đã lên tới 2 tỷ USD, chiếm phần lớn trong tổng số 2,7 tỷ USD từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, công ty năng lượng mặt trời New Energy Holdings Ltd. không thể thanh toán 500 triệu USD trái phiếu đáo hạn vào ngày 30/1. Macrolink Global Development Ltd. cũng vỡ nợ 208 triệu USD trái phiếu đáo hạn ngày 4/1.
Một công ty con của GCL-Poly Energy Holdings Ltd. vỡ nợ lượng trái phiếu trị giá 500 triệu USD sau khi kết thúc đề nghị trao đổi với các trái chủ. Công ty này đã tuyên bố vỡ nợ hôm thứ Hai. Công ty vận hành các nhà máy năng lượng mặt trời này là một trong những nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời hàng đầu thế giới. Cổ phiếu của công ty này đã tăng 700% kể từ khi Trung Quốc công bố kế hoạch cân bằng lượng carbon vào năm 2060.
Trong một tuyên bố trên thị trường chứng khoán Hồng Kông hôm thứ Hai, GCL New Energy cho biết khoản vỡ nợ trái phiếu 3 năm với lãi suất 7,1% đáo hạn ngày 10/1 sẽ kích hoạt đợt vỡ nợ chéo, sau khi đề nghị với các trái chủ bị buộc phải chấm dứt. Trong khi đó, tình trạng vỡ nợ chéo sẽ ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh và tài chính của công ty.
Tổng số trái phiếu vỡ nợ tại thị trường nước ngoài của Trung Quốc từ đầu năm đến nay đạt gần 33% con số của năm 2020.
GCL New Energy thông báo về đề nghị trao đổi về khoản trái phiếu này vào tháng 12, cho biết tình trạng tiền mặt và thanh khoản của họ đang xấu đi do việc thanh toán nợ bị trì hoãn. Tính đến ngày 30/6, nợ ròng của công ty này đã ở mức 6,5 tỷ CNY (1 tỷ USD), gây nghi ngại về khả năng tiếp tục hoạt động của họ.
GCL New Energy nằm trong số các nhà phát triển năng lượng tái tạo chịu ảnh hưởng lớn khi chính phủ Trung Quốc trì hoãn việc trợ cấp, với tổng số nợ tăng lên hơn 42 tỷ USD vào năm ngoái. Các khoản phải thu và trái phiếu của công ty đã tăng lên hơn 4,5 tỷ CNY vào ngày 30/6, tăng từ mức 1,9 tỷ CNY vào 4 năm trước.
Dan Wang – nhà phân tích tín dụng của Bloomberg Intelligence, cho biết GCL New Energy đã bán các nhà máy tài tạo để trả nợ, nhưng nỗ lực này vẫn chưa phát huy hiệu quả.
Năm 2020, 13 công ty Trung Quốc đã vỡ nợ trái phiếu tại thị trường nước ngoài, với tổng giá trị là 8,2 tỷ USD. Trong đó bao gồm Unigroup – một nhà sản xuất chip được Đại học Thanh Hoa hậu thuẫn, đã không thể thanh toán khoản trái phiếu định danh bằng USD lần đầu vào năm 12.
Theo Cecilia Chan – nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, các vụ vỡ nợ của những doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ tăng lên trong năm nay. Bà nói: "Dù chính phủ đã thắt chặt động thái nới lỏng chính sách, các công ty vẫn có khả năng tiếp cận hạn chế với việc tái cấp vốn. Điều này có thể trở nên tồi tệ hơn nếu chính phủ muốn thắt chặt chính sách tiền tệ sau khi tăng trưởng kinh tế hồi phục."
Trong khi đó, thị trường trái phiếu trong nước cũng không "khá khẩm" hơn. Theo phân tích của Bloomberg về tất cả trái phiếu doanh nghiệp phát hành ở Trung Quốc, các công ty ở tỉnh Liêu Ninh, Thanh Hải và Hà Nam đang đối mặt với những khó khăn trong việc huy động vốn vào thời điểm hiện tại. Các công ty ở các tỉnh khác như An Huy và Chiết Giang ở tình trạng khả quan hơn nhiều, lần lượt phát hành trái phiếu nhiều hơn 251% và 171% so với lượng nợ đáo hạn.
Dữ liệu cho thấy công ty ở 3 địa phương này đã phát hành lượng trái phiếu mới bằng gần 30% số trái phiếu đáo hạn trong 3 tháng qua. Trên toàn quốc, số trái phiếu mới phát hành là khoảng 116% so với lượng trái phiếu đáo hạn vào tháng 1.
Sự chênh lệch lớn giữa các tỉnh làm nổi bật một khía cạnh khác tình trạng thiếu cân bằng trong quá trình phục hồi của Trung Quốc, khi các tỉnh phía đông giàu có hơn đang bùng nổ nhưng các khu vực khác như "vành đai gỉ sét" phía đông bắc lại kém hơn. Hỗ trợ từ chính phủ của các tỉnh này có xu hướng thấp hơn, điều này có thể hạn chế khả năng giúp đỡ các công ty đang gặp khó khăn và các doanh nghiệp được nhà nước cứu trợ.