Mỹ bí mật mua vũ khí Nga ở Libya như thế nào?

Anh Minh |

Pantsir S-1 là một trong những hệ thống phòng không tầm thấp đầu tiên của Nga thời hậu Chiến tranh Lạnh. Hiệu quả của loại vũ khí này đã được chứng minh trên nhiều chiến trường.

Có được một số hệ thống vũ khí Nga để nghiên cứu, nhằm tìm ra cách khắc chế là mong mỏi của các nhà chiến lược ở Lầu Năm Góc.

Và với sự tham gia của vũ khí Nga trên các chiến trường ở Trung Đông và Bắc Phi như Syria, Libya, người Mỹ đã có một số cơ hội.

Mùa hè năm ngoái, một chuyến bay quân sự bí mật của Mỹ đến Libya đã làm “bốc hơi” một trong những hệ thống vũ khí phòng không hiện đại nhất của Nga. Không quân Mỹ đã đưa hệ thống tên lửa đất đối không Pantsir S-1 mà lực lượng chính phủ Libya thu giữ được, ra khỏi đất nước trên một chuyến bay vận tải quân sự để mang về nghiên cứu những thứ họ chưa biết.

Việc mua được một tổ hợp Pantsir, được thiết kế để chống lại máy bay của Mỹ và NATO, là một thứ “của trời cho” đối với cộng đồng tình báo Mỹ.

Theo tờ The Times, nhiệm vụ bí mật bay tới Libya diễn ra vào tháng 6 năm 2020. Hệ thống Pantsir, mà Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) mua từ Nga và trao cho chính phủ Libya, đã bị bỏ rơi và sau đó bị dân quân địa phương bắt giữ. Các lực lượng chính phủ cuối cùng đã lấy lại được hệ thống vũ khí này và chuyển nó đến một căn cứ có các lực lượng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ trú đóng.

Từ đó, hệ thống Pantsir đã được chuyển đến căn cứ không quân Zuwara. Sau đó, một chiếc vận tải cơ C-17 Globemaster III của Không quân Mỹ đã hạ cánh xuống sân bay, tiếp nhận hệ thống phòng không gắn trên xe tải và bay về phía bắc, đến Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức.

Pantsir S-1 là một trong những hệ thống phòng không tầm thấp đầu tiên của Nga thời hậu Chiến tranh Lạnh. Hệ thống này bao gồm 12 tên lửa đất đối không tầm ngắn 57E6, dẫn bắn bằng radar quang-điện với tầm bắn tối đa gần 18km. Ngoài ra, hệ thống còn được trang bị một cặp pháo tự động 30mm chỉ thị bắn bằng radar. Toàn bộ hệ thống nằm trên khung gầm xe tải 8x8.

Hệ thống Pantsir có nhiệm vụ cung cấp năng lực phòng không cho các sở chỉ huy, đơn vị tiếp tế, căn cứ không quân và các địa điểm quan trọng khác trước các mối đe dọa bao gồm máy bay cánh cố định tầm thấp, trực thăng, máy bay không người lái và thậm chí cả tên lửa hành trình.

Trong khi Pantsir đã được xuất khẩu rộng rãi, các lực lượng quân sự Nga vẫn sử dụng, khiến nó trở thành một hệ thống mà lực lượng Mỹ và NATO có thể phải đối mặt trong thời chiến. Các lực lượng Mỹ được cho là đã tiếp cận các tổ hợp Pantsir của UAE trong các cuộc tập trận chung, nhưng hệ thống của Libya là hệ thống đầu tiên mà cộng đồng tình báo và quân đội Mỹ có được.

Vũ khí này có thể sẽ được đặt tại Căn cứ Không quân Wright Patterson, trụ sở của Trung tâm Tình báo Hàng không và Vũ trụ Quốc gia của Không quân Mỹ, nơi duy trì một trung tâm “khai thác vật liệu nước ngoài” với mục đích rõ ràng là nghiên cứu các hệ thống vũ khí nước ngoài bị thu giữ, bị đánh cắp hoặc mua lại.

Hệ thống này có thể sẽ được tháo dỡ và lắp lại, và kiến thức về cách Pantsir giao chiến với máy bay địch sẽ giúp bảo vệ máy bay của Mỹ và đồng minh trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại