Lý do gì khiến “trùm” phân phối điện thoại Thế giới di động, FPT Retail, Digiworld đi bán thuốc, thực phẩm?

Minh Anh |

Theo VDSC, thị trường bán lẻ thực phẩm và thuốc tại Việt Nam vẫn còn phân tán và bị thống trị bởi mô hình bán lẻ truyền thống, hay còn gọi là các cửa hàng Mom-And-Pop. Với kinh nghiệm quản lý chuỗi, những doanh nghiệp bán lẻ và phân phối điện tử như TGDĐ, FPT Retail hay Digiworld đều đang từng bước mở rộng hoạt động kinh doanh sang các ngành nghề này.

Thế giới đi động (MWG), FPT Retail (FRT), Digiworld (DGW) là 3 nhà phân phối các sản phẩm điện thoại, điện máy hàng đầu Việt Nam. Tuy vậy, trong những năm gần đây, thị trường điện thoại, điện máy không còn quá nhiều dư địa tăng trưởng.

Báo cáo của CTCK Rồng Việt (VDSC) cho biết, đến thời điểm hiện tại, điện thoại thông minh đã đạt độ phủ cao (94% dân số) và động lực tăng trưởng trước kia là xu hướng người dùng chuyển từ feature phone sang smartphone đã không còn mạnh nên thị trường điện thoại không còn sôi động như thời điểm trước năm 2016.

Do đó, bài toán tăng trưởng đối với các nhà bán lẻ sẽ chuyển từ việc mở chuỗi sang cải thiện hiệu suất hoạt động, cùng với đó là áp dụng các các mô hình bán lẻ mới như bán lẻ đa kênh (Omni-channel), cung cấp các hình thức trả góp ưu đãi và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Lý do gì khiến “trùm” phân phối điện thoại Thế giới di động, FPT Retail, Digiworld đi bán thuốc, thực phẩm? - Ảnh 1.

Thị trường điện thoại, điện máy không còn nhiều dư địa tăng trưởng

Mở rộng sang các hoạt động bán lẻ khác và sự trở mình của kênh bán lẻ hiện đại

Trong bối cảnh thị trường điện thoại & điện tử không còn nhiều dư địa phát triển, những nhà bán lẻ lớn trong ngành như TGDĐ, FPT Retail hay Digiworld đều đang đi tìm "miền đất mới". Đó là những thị trường thỏa tiêu chí có tiềm năng tăng trưởng cao và trên hết là chưa có đối thủ cạnh tranh lớn trong ngành.

Trong khi TGDĐ đặt cược vào bán lẻ thực phẩm với Bách Hóa Xanh với mục tiêu mở mới 6.000 – 8.000 cửa hàng tới năm 2022 thì FPT Retail và Digiworld lại tìm đến thị trường ít rủi ro hơn là phân phối và bán lẻ dược phẩm.

Cụ thể, FPT Retail đã mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu, đặt mục tiêu mở 380 hiệu thuốc đến năm 2021; Digiworld hợp tác với Vinamedic phân phối thực phẩm chức năng; mua lại công ty TNHH CL, mở rộng phân phối hàng FMCG.

Theo VDSC, thị trường bán lẻ thực phẩm và thuốc tại Việt Nam vẫn còn phân tán và bị thống trị bởi mô hình bán lẻ truyền thống, hay còn gọi là các cửa hàng Mom-And-Pop.

Với kinh nghiệm quản lý chuỗi, những doanh nghiệp bán lẻ và phân phối điện tử như TGDĐ, FPT Retail hay Digiworld đều đang từng bước mở rộng hoạt động kinh doanh sang các ngành nghề này.

Tuy vậy, mảnh đất mới tuy màu mỡ nhưng chưa hẳn đã "dễ ăn". Bán lẻ thực phẩm có biên lợi nhuận thấp và yêu cầu rất cao về quản lý hàng tồn kho do vòng đời sản phẩm ngắn. Trong khi thị trường dược phẩm tuy có quy mô lớn khoảng 5 tỷ USD nhưng "miếng bánh" dành cho các nhà bán lẻ chỉ có giá trị hơn 1 tỷ USD và mức độ cạnh tranh rất lớn.

VDSC cũng đánh giá cùng với sự mở rộng của các chuỗi bán lẻ lớn, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng đón nhận sự mở rộng của mô hình bán lẻ hiện đại.

Mặc dù mô hình bán lẻ truyền thống gồm chợ và tạp hóa nhỏ vẫn là điểm đến ưu thích của đại bộ phận người dân nhờ độ phủ rộng và giá cả cạnh tranh. Có thể thấy sự chuyển dịch trong thói quen mua sắm sang siêu thị và cửa hàng tiện lợi.

Mô hình bán lẻ hiện đại với những ưu việt về chất lượng hàng hóa cùng tính tiện dụng trong thanh toán là điểm đến ưu thích của bộ phận dân số trẻ đang có xu hướng gia tăng tại Việt Nam.

Thương mại điện tử và bán hàng đa kênh (Omni channel) có nhiều tiềm năng

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự báo sẽ có mức tăng trưởng kép (CAGR) lên tới 33% trong giai đoạn 2017-2022. Hiện tại quy mô thị trường này còn khá nhỏ, chỉ chiếm khoảng 2% tổng doanh thu bán lẻ năm 2017.

Người tiêu dùng vẫn thận trọng khi mua hàng qua mạng do những e ngại về chất lượng sản phẩm cũng như do chưa có kênh thanh toán an toàn và tiện lợi.

Minh chứng là các nhà bán lẻ điện thoại/điện máy như TGDĐ và FPT Retail vẫn đang có vị thế vững chắc trong thị trường thương mại điện tử nhờ tính đồng nhất cao của các dòng sản phẩm này. Trong năm 2017, có tới 35% doanh thu bán lẻ trực tuyến tới từ điện thoại di động và máy tính bảng.

Lý do gì khiến “trùm” phân phối điện thoại Thế giới di động, FPT Retail, Digiworld đi bán thuốc, thực phẩm? - Ảnh 2.

Theo báo cáo về ứng dụng mua sắm tại Việt Nam của Nielsen, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore về tổng thời gian người dùng trực tuyến. Số người dùng điện thoại di động tại Việt Nam chiếm 95%, trong đó có đến 79% người dùng xem sản phẩm trên ứng dụng di động hoặc website trước khi mua.

Qua đó có thể thấy kênh online là kênh chính để quảng bá và giới thiệu sản phẩm tới khách hàng, điều này rất khác với mô hình tiếp thị trực tiếp trong những năm về trước.

Ngoài ra, hệ thống cửa hàng vật lý và trung tâm phân phối phủ rộng sẽ là lợi thế rất lớn cho các nhà bán lẻ vì có thể giảm chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng. Do đó, VDSC tin rằng những nhà bán lẻ như TGDĐ hay FPT Retail nhờ hệ thống cửa hàng rộng khắp sẽ tiếp tục là người đi tiên phong trong bán hàng đa kênh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại