World Bank, trong Báo cáo bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam đã đưa ra công thức thành công của đất nước hơn 90 triệu dân.
Tổ chức này nhận xét: "Mô hình tăng trưởng định hướng xuất khẩu trong các ngành sử dụng nhiều nhân công đã được đền đáp. Số công việc được tạo ra và thu nhập từ lương tăng".
Thu nhập từ tiền lương tăng đã góp phần lớn nhất vào việc giảm nghèo và gia tăng số hộ gia đình an toàn về mặt kinh tế. Theo báo cáo của World Bank, mức lương trong khu vực tư nhân đang tăng rất nhanh, vượt qua tăng trưởng tiền lương trong khu vực FDI. Lương tăng nhanh hơn trong ngành công nghiệp (11%), kế tiếp là nông nghiệp (9%) trong khi lĩnh vực dịch vụ tăng 5%.
Báo cáo giải thích tiền lương tăng trưởng là do nhu cầu lao động cao. Khu vực xuất khẩu đang bùng nổ đã thúc đẩy nhu cầu lao động đối với cả những người lao động lành nghề và phổ thông.
Cụ thể, sản lượng sản xuất tăng 13,3% trong giai đoạn 2014 - 2016, và ngành này đã bổ sung 1,4 triệu việc làm. Việc làm trong khu vực sản xuất tăng lên cùng với đó là sản lượng tăng, cho thấy sự gia tăng lao động đã thúc đẩy tăng trưởng chung của khu vực.
Với thu nhập ngày càng tăng, ngành xây dựng, bán lẻ và khách sạn cũng đang bùng nổ, tạo ra một thị trường lao động sôi nổi.
Nhu cầu lao động cũng tăng lên trong lĩnh vực xây dựng, bán lẻ và khách sạn, tăng thêm 700.000 việc làm. Bốn lĩnh vực chiếm 80% tổng số việc làm tạo ra trong giai đoạn này, với lĩnh vực sản xuất chiếm hơn một nửa số việc làm mới.
Một báo cáo sắp tới của World Bank về việc làm tại Việt Nam cũng cho thấy việc thành lập các doanh nghiệp mới và tăng trưởng của các doanh nghiệp hiện có càng năng suất hơn đã thúc đẩy tạo việc làm nhanh chóng ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam bắt đầu thấy sự chuyển dịch ròng từ nông nghiệp sang các lĩnh vực có năng suất cao hơn với mức lương cao hơn.
Tuy nhiên, World Bank cũng cho biết số việc làm được tạo ra nhiều nhưng tổng số người có việc tăng chưa tới 1% trong giai đoạn 2014 – 2016. Điều này có nghĩa là thay vì hút lao động thất nghiệp, các ngành sản xuất, xây dựng, bán lẻ, khách sạn đã hút lao động rời khỏi lĩnh vực nông nghiệp.
Do đó, số việc làm công ăn lương ở khu vực thành thị tăng nhanh hơn. Sự suy giảm nguồn cung lao động không trả lương cho các hộ nông dân ở nông thôn dẫn đến việc tăng việc làm trả lương trong nông nghiệp. Điều đó cũng góp phần làm tăng lương trong nông nghiệp.
"Theo sau sự dịch chuyển lao động ròng ra khỏi nông nghiệp là sự gia tăng tiền gửi về nhà", World Bank cho biết. Lượng tiền này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các hộ gia đình thoát nghèo. Giai đoạn 2014 – 2016, lượng đóng góp lên đến hơn 21%, tương đương đóng góp từ tăng thu nhập nông nghiệp.
Chuyển đổi nông nghiệp cũng đã đóng góp phần giảm nghèo ở nông thôn, phần nào phản ánh thành công của đất nước trong việc phát triển xuất khẩu nông nghiệp phi truyền thống.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp gia đình đã xây dựng được vai trò quan trọng để đạt được an ninh kinh tế trong nước. Cụ thể, khoản đóng góp của các doanh nghiệp này đứng thứ 2 về mức độ quan trọng, sau tăng trưởng tiền lương.