"Ông lớn" đua nhau lấn sân ngành dược phẩm, Masan Group nhập cuộc!

Hiếu Nguyễn |

Masan đang nhắm đến sản phẩm gia dụng chăm sóc cá nhân, thậm chí đang nghiên cứu ngành dược phẩm, phương án M&A sẽ nhắm vào đối tác có công nghệ để nhanh chóng dấn thân vào ngành hàng mới.

Nhớ lại báo cáo thường niên 2017 công bố gần đây, Chủ tịch Masan Group (MNS) cho biết Tập đoàn sẽ không để những áp lực ngắn hạn ảnh hưởng chiến lược dài hạn khi thị trường dấy lên nghi vấn "liệu Masan có đang mất tập trung?" Trên thực tế, 2017 mảng kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn suy giảm đáng kể, mặc dù riêng Masan Resources tăng trưởng nhờ giá vonfram cải thiện không đủ kéo cả Tập đoàn.

Tuy nhiên, trước kết quả quý 1 khả quan với lãi ròng tăng gần 3,4 lần cùng kỳ, đạt 816 tỷ đồng, Masan đã phấn khởi nâng chỉ tiêu 2018, bên cạnh nhiều khó khăn dự đoán còn đó.

Cụ thể trong 3 tháng đầu năm, tại các lĩnh vực kinh doanh, Masan đang ghi nhận sự tăng trưởng từ Masan Consumer, Masan Resources và Techcombank, trong khi đó khủng hoảng giá heo tại Masan Nutri-Science vẫn chưa qua nhưng Công ty cho biết sẽ tung ra sản phẩm thị có thương hiệu vào cuối năm 2018.

Và tại ĐHĐCĐ thường niên sáng nay (24/4), khi được hỏi về kế hoạch mở rộng lĩnh vực đầu tư, đại diện Masan chia sẻ đang nhắm đến sản phẩm gia dụng chăm sóc cá nhân, thậm chí đang nghiên cứu ngành dược phẩm. Chiến lược của "ông lớn" này là M&A, tức nhắm vào đối tác có công nghệ để nhanh chóng dấn thân vào ngành hàng mới.

Như vậy, tính đến nay Masan là doanh nghiệp tiếng tăm thứ 5 nhòm ngó mảng dược, theo sao 3 ông hoàng điện máy là Thế giới Di động (MWG), FPT Retail (FRT), Digiworld (DWG), Vingroup (VIC). Được biết, nhiều chuyên gia đánh giá rất cao về thị trường dược Việt Nam với nhiều dư địa tăng trưởng, định giá đến 5 tỷ USD.

Chưa kể, đời sống người dân được nâng cao cùng kinh tế vĩ mô tăng trưởng sẽ là động lực thúc đẩy hơn nữa đà tăng thời gian tới. Song, màu mỡ là vậy nhưng ngành dược còn rất nhiều bất cập, từ kênh phân phối, chất lượng thuốc, giá cả đến yếu tố độc quyền từ kênh bệnh viện.

Phải là những doanh nghiệp có tiềm lực, đặc biệt về công tác quản trị cũng như hệ thống phân phối tốt mới có khả năng thử và thành công, Masan bước đầu đã đáp ứng được những yêu cầu trên?

Masan bán Techcombank trong bối cảnh giá tăng bởi tuân theo luật chứng khoán

Về những mảng hiện tại, trước hết phải nhắc về tài chính với nhiều hỗ trợ mạnh mẽ từ Techcombank thời gian gần đây.

Khi mà, kết thúc quý đầu năm Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế 2,569 tỷ đồng trong quý 1, tăng mạnh so mức 1,325 tỷ đồng của cùng kỳ, trong đó chủ yếu nhờ mức tăng trưởng 26.8% của tổng thu nhập hoạt động tăng từ 3,675 tỷ đồng của cùng kỳ lên 4,660 tỷ đồng.

Tỷ lệ an toàn vốn cũng tăng lên 14.5% so mức 12.7% trong quý 1/2017. Kết quả là, Techcombank đóng góp hơn 517 tỷ lợi nhuận gộp cho MSN. Riêng năm 2017, lợi nhuận từ nhà băng này cũng là động lực chính kéo kết quả kinh doanh toàn Tập đoàn tăng trưởng mạnh.

Và chia sẻ sâu hơn về việc bán bớt cổ phiếu Techcombank năm 2017 ghi nhận khoảng 1,000 tỷ đồng tiền lời, Masan cho biết: "Tập đoàn đã đầu tư khoảng 9,000 tỷ đồng, tương ứng 31% vốn tại Techcombank. Tuy nhiên năm ngoái kiếm Masan đã ghi nhận 3,600 tỷ tiền mặt từ việc bán cổ phiếu Techcombank, và giảm sở hữu xuống còn 20%.

Việc Masan bán ra cổ phiếu Techcombank nhằm đáp ứng quy định của luật chứng khoán. Và Masan cũng bán được cao hơn giá giao dịch trên sàn lúc đó, kiếm được khoảng 1,000 tỷ tiền lời từ giao dịch này. Chính khoản tiền lời này Công ty đã dùng để mua cổ phiếu quỹ MSN ở thời điểm giá khá thấp để bây giờ bán ra giá cao hơn".

Chưa hết, Techcombank với hai câu chuyện IPO đợt 2 cùng kế hoạch niêm yết còn thổi vào cổ phiếu MSN một làn gió mát, theo giới phân tích. Mới đây, Techcombank đã nộp đơn niêm yết lên HoSE và giá dự kiến IPO sắp tới vừa được công bố khá cao là khoảng 120,000 đồng/cp, dự kiến tiếp tục là yếu tố dẫn dắt tăng trưởng cổ phiếu MSN trong năm 2018.

 Ông lớn đua nhau lấn sân ngành dược phẩm, Masan Group nhập cuộc!  - Ảnh 1.

Biến động cổ phiếu MSN 1 năm qua.

2018 đang để lộ dần bức tranh cho năm 2020

Với chiến lược chuyển dần sang danh mục sản phẩm cao cấp, đại diện Masan khẳng định năm 2018 là bản lề và đang để lộ dần bức tranh đến năm 2020. Cụ thể, mục tiêu cho 3 năm tới, Tập đoàn cho biết:

(1) Ngành gia vị, thực phẩm tiện lợi nhắm đến mức tăng trưởng trung hạn 15-20%/năm, nước uống khoảng 12% thị phần trong 3 năm tới bởi ngoài 247 sẽ có thêm sản phẩm mới ở lĩnh vực này.

(2) Đối với thịt chế biến, Masan tin rằng có cơ hội lớn, bởi hiện ngành này có giá trị khoảng 100 triệu USD, dự kiến phát triển mạnh trong tương lai. Theo đó, Masan đang làm việc với đối tác Hàn Quốc về công nghệ để làm sản phẩm chế biến từ thịt.

Sản phẩm thịt mát trước mắt sẽ tập trung vào các thành phố lớn, Masan cũng phát triển chuỗi cửa hàng thịt mát, kết hợp với hệ thống bán lẻ theo tiêu chuẩn của Masan.

MSN không thu mua thịt heo hơi mà phát triển chuỗi khép kín, để có nguồn heo đạt chuẩn thì Công ty phát triển nhà máy tại Nghệ An với 10,000 con heo nái, đồng thời phối hợp với các hộ chăn nuôi lớn phát triển theo tiêu chuẩn của Masan, đáp ứng đủ nhu cầu trong 3 năm tới.

(3) Riêng về thị trường bia đang bị cạnh tranh khốc liệt, Masan khẳng định: "Với khả năng của mình cũng cũng như hợp tác với đối tác Thái Lan, Masan muốn xây dựng thành công thương hiệu bia hàng đầu Việt Nam trong vòng 3 năm tới và chiếm lĩnh thị phần cao".

 Ông lớn đua nhau lấn sân ngành dược phẩm, Masan Group nhập cuộc!  - Ảnh 2.

Nguồn: Masan.

Năm 2017, Masan sẽ không chia cổ tức mà giữ lại, đồng thời phát hành cổ phiếu ESOP. Phát biểu khai mạc đại hội, Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang nói: "Cổ phiếu ESOP tôi biết khó được chấp nhận, tuy nhiên bản thân tôi cho rằng đây là một trong những phương pháp thúc đẩy tăng trưởng doanh nghiệp, tạo ra nguồn vốn hỗ trợ kinh doanh".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại