Hán Cao Tổ Lưu Bang sinh vào năm 256 TCN trong một gia đình nông dân ở huyện Phong (Giang Tô – Trung Quốc).
Mặc dù là Hoàng đế khai quốc của Hán triều, nhưng Lưu Bang sinh thời vốn không thích đọc sách, chữ nghĩa cũng ít, nên sau khi đăng cơ thường bị giới trí sĩ đương thời coi nhẹ.
Phàm là người có học ắt sẽ biết đạo nghĩa, đạo hiếu, nhưng Lưu Bang lại nổi danh là Hoàng đế "bất nghĩa", "bất hiếu" khét tiếng Trung Hoa. Thậm chí, vị vua này còn đem lòng thống hận cha ruột của mình vì những nhiều lý do.
"Cha nào... con nấy"?
Phụ thân của Lưu Bang là Lưu Thái Công – trụ cột của một gia đình thuần nông lấy việc làm ruộng để mưu sinh qua ngày. Trong nhà, Lưu Bang đứng hàng thứ ba, trên có hai ca ca, dưới có một tiểu đệ.
"Cao Tổ bản kỷ" chép: "Đối với tất cả các quan lại trong quận, Cao Tổ đều coi thường và đùa bỡn, thích rượu và gái", ông thường xưng là "nãi công", một cách xưng của đám du côn thời trước, "bằng vai phải vế" với từ "ông mày" thời nay."
Kỳ thực, ngoài thói lười biếng "chẳng giống ai", Lưu Bang thừa hưởng khá nhiều "tính xấu" từ cha của mình.
Đánh giá về phụ thân của Hoàng đế khai quốc Hán triều, "Lịch Sinh truyện" có bàn: "Bái Công không thích nhà Nho, thấy khách đội mũ nhà Nho đến, bèn giật lấy, đái đầy mũ. Nói chuyện với người thường hay chửi bới, văng tục".
Phụ thân của Lưu Bang được sử sách miêu tả là một nông dân chăm chỉ nhưng không hề hiền lành! (Ảnh minh họa).
Trước thái độ lười nhác, hư hỏng của con trai, Lưu Thái Công bất bình ra mặt. "Chính sử Trung Quốc qua các triều đại" cũng ghi: "Thái Công (tức bố Lưu Bang) tức giận mắng con là đồ vô lại".
Cũng kể từ đó, tiếng xấu "vô lại" ấy vẫn theo Lưu Bang cho tới lúc ông làm nên đại nghiệp, khiến ông trở thành Hoàng đế "tiểu nhân" khét tiếng trong lịch sử Trung Quốc.
Suốt những năm tháng thanh niên, Lưu Bang bị cha ruột coi thường ra mặt, thậm chí thường xuyên chỉ trích, nhiếc mắng, coi ông là kẻ không có tiền đồ. Nhưng Lưu Bang lúc ấy quả thật không quyền không thế, cũng không có cách nào phản bác lại.
Bất chấp tình thân
Trong một lần giao du, Lưu Bang gặp gỡ và kết giao với Tiêu Hà, Phàn Khoái. Lưu Thái Công chắc chắn không ngờ rằng: đám bạn bè mà ông cho là "du thủ du thực" của con trai đều là những nhân tài không ngại bán mạng để giúp Lưu gia gây dựng cơ đồ sau này.
Người phụ thân ấy lại càng không mơ đến việc đứa con trai bị mình mắng là "vô lại" năm nào, sau này lại trở thành Hoàng đế khai quốc của một triều đại hoàng kim trong lịch sử Trung Hoa.
Trên thực tế, sự bất mãn với cha năm nào vẫn theo Lưu Bang trong suốt những năm chinh chiến. (Ảnh minh họa).
Trong thời kỳ Hán Sở tranh hùng, có lần Tây Sở Bá vương bắt được Lưu Thái Công. Khi ấy, Hạng Võ đẩy cha Lưu Bang lên trước đoàn quân và nói: "Nếu ngươi không rút binh, ta liền đem cha ngươi phanh thây!"
Tướng lĩnh quân Hán vô cùng khó xử,ai cũng cho rằng Lưu Bang sẽ vì bảo toàn tính mạng cho phụ thân mà hạ lệnh rút binh. Không ngờ họ Lưu này chẳng do dự mà đáp:
"Hai chúng ta từng kết nghĩa huynh đệ, cha ta cũng chính là cha ngươi, nếu ngươi nhất định muốn nấu thịt cha mình, thì nhớ phần ta một bát canh!"
Ngay cả khi đây là chỉ lời cứng miệng trước kẻ thù, nhưng việc bất chấp an nguy của phụ thân, lấy tính mạng cha mình ra cá cược vẫn không phải đạo hiếu của người làm con.
Trước những lời lẽ tiểu nhân, bất hiếu của ấy, Hạng Võ không còn cách nào khác, phải hạ lệnh thả Lưu Thái Công.
Tính kế với cha ruột
Sau khi dựng nên đế nghiệp, Lưu Bang đưa phụ thân Lưu Thái Công vào trong cung, còn tặng cha một tòa cung điện. Người đời lúc bấy giờ đều xem đó là hành động tận hiếu của Hán Cao Tổ.
Lúc đầu, Lưu Bang đối với phụ thân Lưu Thái Công theo lễ "ngũ nhật nhất triều" (5 ngày đến thăm 1 lần) và phải bái kiến "giống như lễ cha con của thường dân".
Để thỏa mãn lòng cao ngạo và bù đắp cho sự uất ức của mình năm xưa, Lưu Bang không ngại tính kế với cả cha ruột. (Ảnh minh họa).
Sau này, tổng quản của Thái Công cảm thấy không hợp nên đã tâu với chủ nhân:
"Hoàng đế tuy là con ngài, nhưng lại là chủ của bàn dân thiên hạ; ngài tuy là phụ thân của Hoàng đế, nhưng lại là một bề tôi, sao có thể để Hoàng đế bái kiến bề tôi? Làm như thế sẽ mất đi quyền uy".
Thái Công cho là đúng, đợi khi Lưu Bang đến thăm liền cầm chổi cung kính đứng bên cửa rồi đi giật lùi, hệt như nô bộc nghênh đón chủ nhân.
Lưu Bang thấy vậy, lúc đầu vờ tỏ ra kinh hãi, tức giận với thái giám tổng quản, nhưng sau lại vui vẻ ban thưởng cho tên hoạn quan kia năm trăm cân vàng.
Hành động này cho thấy rất có thể những lời khuyên khiến Thái Công thay đổi chỉ là một sự an bài của vị Hoàng đế "lưu manh" này mà thôi!
Không quên thù cũ
Khi Lưu Thái Công ở trong cung, Lưu Bang thường xuyên mượn cớ uống sau để nhắc lại những lời nhục mạ của cha mình năm nào.
Tương truyền rằng, trong buổi yến tiệc khánh thành Vị Ương cung, khi rượu đã quá tam tuần, Lưu Bang bước tới chỗ phụ thân rồi hỏi:
"Năm đó, ngài thường xuyên quở mắng trẫm là một kẻ vô lại, còn nói nếu ta không làm việc đồng áng, sẽ không làm nên nghiệp lớn như các huynh đệ. Hiện tại, ngài thấy mấy huynh đệ chúng ta ai mới là người làm ra đại nghiệp, ai có tiền đồ hơn ai?"
Ngay cả khi đã ở ngôi "cửu ngũ chí tôn", Lưu Bang vẫn không quên được những lời lẽ phụ thân từng nhiếc mắng trong những năm tuổi trẻ. (Tranh minh họa).
Thái Công khi ấy chỉ biết im lặng, các đại thần đồng loạt quỳ xuống hô to "vạn tuế", Lưu Bang mới cười bỏ qua việc này.
Như từ đó, có thể thấy rằng trong lòng vị Hoàng đế này rất ít sự cảm kích đối với phụ thân, mà thay vào đó chính là sự oán trách, thậm chí thống hận.