Lưu Bá Ôn (1311 – 1375), tên thật Lưu Cơ, tự Bá Ôn, là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng và cũng là khai quốc công thần của vương triều nhà Minh trong lịch sử Trung Hoa.
Sinh thời, nhân vật này là một trong số ít những nhân tài sở hữu tài năng được cho là có thể sánh ngang cùng Gia Cát Khổng Minh thời Tam Quốc. Cũng bởi nhiều lời tiên tri của Lưu Bá Ôn thường chuẩn xác tới mức khiến người đời tin phục, nên ông còn được ca ngợi là bậc thầy "thần cơ diệu toán".
Biết được khả năng đoán trước vận mệnh của vị công thần họ Lưu, năm xưa Hoàng đế Chu Nguyên Chương từng có lần hỏi ông về tương lai Minh triều. Khi ấy, Lưu Bá Ôn chỉ đưa ra một lời tiên tri vẻn vẹn 4 chữ và đã ứng nghiệm vào hậu vận của vương triều này vào 2 thế kỷ sau đó.
Tài năng tiên đoán khiến Hoàng đế cũng phải nể phục của "thần cơ diệu toán" Lưu Bá Ôn
Tranh chân dung của Lưu Bá Ôn. (Hình: Nguồn Baidu).
Cho tới ngày nay, hậu thế vẫn còn truyền lưu không ít giai thoại về tài tiên đoán của Lưu Bá Ôn. Bản thân Hoàng đế Chu Nguyên Chương năm xưa cũng từng nhiều lần tìm cách thử tài của vị quan họ Lưu này. Và câu chuyện dưới đây là một trong số đó.
Tương truyền rằng có một ngày, Chu Nguyên Chương đang dùng điểm tâm thì Lưu Bá Ôn tới cửa cung cầu kiến.
Nhà vua khi ấy chỉ vừa mới kịp cắn một miếng bánh nướng, liền nghĩ ra cách dùng món ăn này làm "đề bài" để thử tài của Lưu Bá Ôn, vì vậy sai người đậy kín đĩa bánh lại.
Tới lúc vị quan họ Lưu vào điện cầu kiến, Chu Nguyên Chương liền đưa ra chiếc đĩa đã được đậy kín, hỏi ông bên trong chứa thứ gì.
Lưu Bá Ôn bấm ngón tay tính toán một hồi, liền đáp:
"Nửa như mặt trời, nửa tựa trăng, vừa được kim long cắn một miếng, đó chính là bánh nướng".
Chu Nguyên Chương nghe xong vừa mừng rỡ, vừa bội phục, từ đó càng thêm tin vào năng lực tiên tri của vị công thần họ Lưu này.
Bên cạnh đó, Lưu Bá Ôn còn được cho là bậc thầy về phong thủy. Các giai thoại dân gian thời xưa từng lưu truyền rất nhiều câu chuyện về việc ông chọn đất tốt xây cung điện hay giai thoại ông cùng các thầy phong thủy bàn luận về long mạch ở Trung Hoa.
Cũng bởi sở hữu những tài năng hiếm có nói trên mà các học giả hiện đại đã từng nhận định rằng nhân vật này chính là "bậc thầy về thần cơ diệu toán".
Lời tiên tri của Lưu Bá Ôn về hậu vận Minh triều: Ứng nghiệm không sai một chữ!
Tranh chân dung Hoàng đế khai quốc Minh triều Chu Nguyên Chương (bên trái) và hình tượng của ông trên một tác phẩm phim ảnh.
Kể từ sau khi Minh triều từng bước đi vào ổn định, Chu Nguyên Chương càng lúc càng phải đối mặt với nhiều vấn đề mới.
Cũng bởi công cuộc gây dựng và vun đắp cho cơ nghiệp này đã lấy đi của ông không ít tâm sức, cho nên hơn ai hết, vị Hoàng đế khai quốc ấy luôn muốn biết rằng vương triều của gia tộc mình liệu có thể kéo dài bao lâu.
Vì vậy, Chu Nguyên Chương đã chủ động tìm Lưu Bá Ôn đến và hỏi:
"Giang sơn họ Chu ta có thể truyền mấy đời, vương triều Đại Minh ta có thể kéo dài bao nhiêu năm?".
Lưu Bá Ôn nghe xong câu hỏi ấy, trong lòng không khỏi lo sợ. Bởi lẽ vấn đề này vốn chẳng hề dễ trả lời, chỉ cần đối đáp không cẩn thận là có thể bị đẩy vào cảnh đầu rơi máu chảy.
Sau một hồi đắn đo cân nhắc, vị đại thần họ Lưu liền e dè mà đáp:
"Bẩm Hoàng thượng, đây vốn là chuyện nhà của bệ hạ, vi thần không thích hợp nhiều lời".
Chu Nguyên Chương đoán nỗi lo trong lòng Lưu Bá Ôn, liền trấn an:
"Gia sự của trẫm chính là quốc sự. Khanh cứ việc nói, không phải e dè, trẫm miễn tội cho khanh".
Lưu Bá Ôn không còn cách nào thoái thác, liền nói ra một lời tiên tri 4 chữ:
"Vạn tử vạn tôn".
Nghe được đáp án này, Chu Nguyên Chương vô cùng đắc ý, mừng ra mặt. Ông tin rằng lời tiên đoán của Lưu Bá Ôn là minh chứng cho thấy giang sơn họ Chu có thể lưu truyền ngàn đời cho con cháu.
Thế nhưng vị Hoàng đế ấy không thể ngờ rằng, lời tiên tri của Lưu Bá Ôn còn ẩn chứa một hàm ý khác. Bởi lẽ chữ "Vạn" trong câu nói ấy vốn là chỉ Hoàng đế "Vạn Lịch", còn 4 chữ "Vạn tử vạn tôn" nhằm ám chỉ cơ nghiệp nhà Minh chỉ có thể truyền đến đời con cháu Vạn Lịch mà thôi.
Tranh minh họa: Nguồn Internet.
Thực tế lịch sử cũng đã chứng minh, lời tiên tri này của Lưu Bá Ôn quả thực đã ứng nghiệm sau 2 thế kỷ. Hơn 200 năm sau, cơ ngơi Minh triều trải qua nhiều đời lưu truyền, đến sau khi Vạn Lịch lên ngôi thì dần trượt dài trên đà diệt vong.
Sử cũ ghi lại, Vạn Lịch đế (Minh Thần Tông) là vị Hoàng đế thứ 14 của nhà Minh. Lối sống của ông được đánh giá là giống với Gia Tĩnh đế - người đã lựa chọn từ bỏ trách nhiệm với giang sơn để chìm đắm vào công cuộc luyện đan dược trường sinh.
Chính lối sống ấy đã khiến Minh triều mục ruỗng từ bên trong, tạo ra nhiều gánh nặng cho triều đình, bách tính, khiến cho nông dân nhiều nơi phất cờ khởi nghĩa. Cũng bởi vậy mà triều đại của ông được cho là giai đoạn chứng kiến sự suy tàn dần dần của vương triều Đại Minh.
Từ sự hỗn loạn bắt nguồn từ thời kỳ của Vạn Lịch, tới thời kỳ hai người cháu của ông là Hy Tông và Sùng Trinh tại vị, cơ nghiệp hoàng tộc họ Chu dường như đã rơi vào tình cảnh chẳng thể cứu vãn khi hoạn quan làm loạn bên trong, các thế lực chống phá liên tiếp công kích từ bên ngoài.
Tới năm 1644, khi quân của Lý Tự Thành chiếm được kinh đô, Sùng Trinh đế đã buộc phải bỏ chạy lên núi Vạn Thọ và treo cổ tự vẫn, cơ nghiệp nhà Minh cũng theo đó mà diệt vong.
Mặc dù sau biến cố năm ấy, những người còn sống sót trong hoàng tộc họ Chu tiếp tục thiết lập nên chính quyền Nam Minh và Minh Trịnh nhưng cũng chỉ trụ được trong mấy thập niên rồi kết thúc.
Từ đó, không khó có thể nhận thấy lời tiên tri 4 chữ của Lưu Bá Ôn về hậu vận cơ nghiệp Minh triều quả thực đã ứng nghiệm. Chỉ tiếc rằng, sự thật ứng nghiệm lại khác xa một trời một vực so với tưởng tượng của Hoàng đế Chu Nguyên Chương năm nào…
*Dịch từ báo nước ngoài.