Minh Thành Tổ Chu Đệ (1360 – 1424) là vị Hoàng đế thứ ba của vương triều nhà Minh trong lịch sử Trung Hoa. Với nhiều thành tựu nổi bật như tiến hành cải cách, giữ yên bờ cõi, tăng cường giao hảo cùng các nước lân bang…, ông được đánh giá là một trong số ít những vị vua có thực tài và để lại nhiều đóng góp.
Dù vậy, Vĩnh Lạc đế Chu Đệ đồng thời cũng bị hậu thế nhìn nhận như một bạo quân với tính cách đa nghi, hám sát. Một trong số những sự kiện đẫm máu gắn liền với tên tuổi của vị vua này phải kể tới đại án thảm khốc nổi tiếng đã đoạt mạng gần 3000 cung nhân xảy ra vào năm 1421.
Cái chết bất thường của vị phi tần ngoại quốc khởi đầu cho chuỗi bi kịch chốn thâm cung
Vụ đại án Chu Đệ đoạt mạng gần 3000 cung nữ và thái giám bắt nguồn từ cái chết bất thường của một vị sủng phi trong hậu cung vị vua này. (Hình minh họa).
Công nguyên năm 1421, hậu cung của Vĩnh Lạc đế Chu Đệ xảy ra một đại án kinh thiên động địa. Sự việc tước đoạt mạng sống của hàng ngàn cung nữ và thái giám khi ấy đã biến vương cung của Đại Minh trở thành địa ngục đẫm máu chốn nhân gian.
Điều đáng nói nằm ở chỗ, nguồn cơn của đại án này lại bắt nguồn từ cái chết của một sủng phi ngoại quốc. Đó chính là Quyền phi.
Theo ghi chép của "Minh sử - Hậu phi truyện", vị phi tử họ Quyền này vốn là người gốc Triều Tiên và được cố quốc dâng nạp cho Chu Đệ. Sinh thời, nàng vốn sở hữu dung nhan vô cùng diễm lệ, lại giỏi thổi tiêu ngọc, vì thế mà chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi nhập cung, vị phi tần ngoại tộc này đã được tấn lên hàng Phi.
Tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 8 (1420), Chu Đệ đem quân viễn chinh Mông Cổ. Sủng phi họ Quyền cũng được Hoàng đế đem theo. Điều này cũng đủ cho thấy Vĩnh Lạc đế rất mực quyến luyến và sủng ái vị phi tần này.
Không ngờ rằng trên đường khải hoàn hồi kinh, Quyền phi đột ngột lâm bệnh nặng và qua đời chỉ vài ngày sau đó. Sự ra đi của vị phi tần ấy khiến Hoàng đế vô cùng đau khổ.
Thế nhưng chung quy Quyền phi vẫn chỉ là một phi tử đơn thuần. Hậu cung bấy giờ không hề thiếu giai lệ, vì sao một Hoàng đế nổi tiếng tàn bạo như Chu Đệ lại nặng lòng với nàng đến như vậy?
Sự sủng ái đặc biệt mà Chu Đệ dành cho Quyền phi không chỉ trở thành lý do khiến vị phi tần này bỏ mạng mà còn là nguyên nhân sâu xa khiến hàng ngàn cung nhân bị giết hại. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).
Theo lý giải của các sử gia, một phi tần ngoại quốc như Quyền phi sở dĩ có được sự sủng ái đặc biệt vốn là bởi nàng có tướng mạo rất giống người tình trong mộng của Hoàng đế - mỹ nhân Từ Diệu Cẩm, con gái của trọng thần Từ Đạt.
Năm xưa, Từ Đạt có tổng cộng 4 người con gái. Trong đó trưởng nữ của ông chính là Từ Hoàng hậu – chính thê của Chu Đệ.
Thế nhưng Vĩnh Lạc đế trước sau chỉ đem lòng ngưỡng mộ người em vợ Từ Diệu Cẩm. Cũng bởi vậy mà sau khi Hoàng hậu qua đời, ông liền nhanh chóng cầu hôn vị tiểu thư này nhưng bị nàng cự tuyệt.
Điểm mấu chốt nằm ở chỗ, Từ Diệu Cẩm không chỉ là em vợ của Chu Đệ mà còn là chính thê của An vương Chu Doanh – một hoàng thân quốc thích khác.
Một lòng muốn cưới mỹ nhân vừa là em vợ, vừa là em dâu như nàng làm Hoàng hậu nhưng lại bị cự tuyệt, Chu Đệ sau đó đã phái An vương đến Bình Lương làm phiên.
Không lâu sau, An vương lâm bệnh qua đời. Từ Diệu Cẩm cũng không cho nhà vua lấy một cơ hội, lập tức xuống tóc để xuất gia làm ni cô.
Sau khi An vương cùng Từ Diệu Cẩm rời xa hoàng cung, vào năm Vĩnh Lạc thứ sáu, Chu Đệ lại vừa vặn gặp được Quyền phi với dáng dấp giống tình nhân trong mộng năm xưa của ông tới bảy phần.
Đó cũng là nguyên nhân khiến vị Hoàng đế bạo tàn và đa nghi ấy phá lệ cưng chiều nàng, thậm chí còn từng có ý định lập Quyền phi trở thành Hoàng hậu kế tiếp.
Mặc dù có được sự sủng ái của Hoàng đế, vị phi tử ngoại quốc này lại trở thành cái gai trong mắt không ít mỹ nhân chốn hậu cung. Chính điều này đã trở thành nguyên nhân khiến nàng phải bỏ mạng trong tức tưởi, cũng là lý do sâu xa dẫn đến thảm án đoạt mạng cả ngàn cung nhân.
Chân tướng thực sự của thảm án oan khốc khiến ngàn cung nhân đầu rơi máu chảy
Khi nghi ngờ có người hạ độc ái phi của mình, Chu Đệ đã hạ lệnh tàn sát không ít cung nữ và thái giám, cũng cho dùng cực hình với nghi phạm để thỏa cơn giận của mình. (Ảnh minh họa).
Khi còn đang đau lòng trước cái chết của Quyền phi, Vĩnh Lạc đế bất ngờ nghe được tin có cung nữ tố giác kẻ đã hại chết sủng phi của mình. Người bị tố cáo là Lã phi, nguyên danh là Lã Tiệp dư, con gái của hộ quân Lã Quý Chân ở Triều Tiên.
Có giai thoại truyền lại rằng, mặc dù đều là người gốc Triều Tiên, nhưng Lã phi năm xưa từng buông lời châm chọc Quyền phi. Mối quan hệ của hai người vì vậy mà chẳng có lấy nửa điểm tốt đẹp.
Chu Đệ nghe được tin này vô cùng tức giận, lập tức hạ lệnh dùng cực hình với Lã phi để tìm ra chân tướng.
Ban đầu, vị phi tần họ Lã ấy cương quyết không chịu thừa nhận. Thế nhưng sau khi chịu đủ mọi cực hình, nàng đã cắn răng khai ra việc mình phái thuộc hạ đi xin thạch tín ở chỗ thợ thủ công rồi lén đem thuốc độc bỏ vào trà để hại chết Quyền phi.
Lời khai này đã khiến Vĩnh Lạc đế vô cùng giận dữ, lập tức hạ sát toàn bộ cung nữ và thái giám trong cung Lã phi. Những thợ thủ công ở nơi đã cung cấp thạch tín cũng không thoát khỏi thảm án đoạt mạng. Số người bị giết lên tới xấp xỉ 100 người.
Về phần Lã phi, nàng bị tra tấn bằng cực hình tới hơn 1 tháng rồi mới qua đời trong đau đớn. Thế nhưng đại án về cái chết của vị sủng phi ngoại quốc vẫn chưa dừng lại ở đó.
Cái chết oan ức của Lã phi và gần trăm mạng cung nữ thái giám vẫn chỉ là khúc nhạc dạo đầu cho thảm án đẫm máu phía sau. (Hình minh họa: Nguồn Baidu).
Sau đó không lâu, trong cung có một phi tần khác thông gian với hoạn quan và bị phát hiện. Ngay khi sự việc bị phát giác, những kẻ này đã lập tức tự sát.
Tuy nhiên vị vua nổi tiếng đa nghi như Chu Đệ linh cảm được trong đó có ẩn tình, liền tiếp tục cho người điều tra kỹ càng. Tới lúc này, chân tướng sự việc mới thực sự được tiết lộ.
Hóa ra người hại chết Quyền phi năm xưa vốn không phải Lã phi mà là phi tần cùng tư thông với thái giám kia. Không chỉ bày kế hại chết hai vị phi tần, nhóm người này còn ngấm ngầm cùng tình nhân ủ mưu để ám sát cả Hoàng đế.
Ngay lập tức, Chu Đệ đã đem toàn bộ cung nhân trong cung của Lã thị đã bị khép tội mưu phản và xử tử bằng lăng trì. Màn thảm sát đẫm máu này kéo dài trong 3 ngày liên tiếp trước sự chứng kiến của Hoàng đế.
Theo ghi chép của "Lý triều thực lục", khi các cung nữ bị hành hình, từng có sấm sét giáng xuống tòa Tam Đại Điện trong Tử Cấm Thành, người bấy giờ đều tin rằng đó là điềm báo Chu Đệ sẽ bị báo ứng vì hành động mất nhân tính của mình.
Chỉ tiếc rằng điềm trời cũng không ngăn được sự bạo tàn của vị Hoàng đế ấy. Số người bị giết trong thảm án của Lã thị lên tới 2800 cung nữ và thái giám, đó là chưa kể 100 cung nhân chết oan cùng Lã phi trước đó.
Tới năm 1424, Chu Đệ đột ngột băng hà trên đường hồi kinh. Bấy giờ cũng có không ít cung nữ trở thành vật hy sinh khi buộc phải tuẫn táng theo vị Hoàng đế này.
Mặc dù không tàn sát các công thần có công tranh thiên hạ giúp mình như Minh Thái Tổ năm xưa, nhưng thảm án sát hại cung nhân đẫm máu nói trên đã trở thành vết đen ngàn năm khó gột rửa trong cuộc đời của Minh Thành Tổ Chu Đệ.
*Tổng hợp (Qulishi, báo Phượng Hoàng…)