Là vị quân sư khai quốc của nhà Minh, cũng là vị kỳ nhân để lại lời tiên tri chính xác cho hàng trăm năm sau, Lưu Bá Ôn chắc chắn đã biết rõ vận mệnh của triều đại mà Chu Nguyên Chương khai sáng. Khi Chu Nguyên Chương hỏi về vận mệnh nhà Minh, Lưu Bá Ôn đã đáp: “Vạn tử vạn tôn” (“Số trời mênh mông, ta là chủ vạn con vạn cháu, hà tất phải hỏi”). Mặc dù trong lòng Chu Nguyên Chương hiểu đạo lý rằng không một triều đại nào có thể tồn tại mãi mãi, nhưng khi nghe được câu trả lời của Lưu Bá Ôn, Hoàng đế cũng không hỏi thêm nữa. Kỳ thực Lưu Bá Ôn ẩn ý rằng giang sơn triều Minh sẽ truyền tới Hoàng đế Sùng Trinh, tức Vạn Lịch Hoàng đế.
Lưu Bá Ôn.
Theo một số ghi chép, Lưu Bá Ôn đã để lại một căn phòng bí mật cho vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Minh. Ông cũng căn dặn Hoàng đế các đời sau không được mở khi không phải là trường hợp vạn bất đắc dĩ, nếu không sẽ mang đến tai họa.
Các Hoàng đế của nhà Minh thực sự tôn kính Lưu Bá Ôn và nghe theo ông, không ai động đến căn phòng bí mật này, cho đến khi đại quân của Lý Tự Thành đã tiến đến chân Tử Cấm Thành và Hoàng đế Sùng Trinh cảm thấy vô cùng bất lực…
Tham chiếu tập 23 cuốn “Minh Quý Bắc Lược” (của Kế Lục Kỳ, người Vô Tích, đầu triều Thanh, cuối triều Minh) và tập 1 cuốn “Tam Cương Thức Lược” (bút ký của Đổng Hàm thời nhà Thanh), câu chuyện ít người biết năm đó như sau.
Bấy giờ, trong Tử Cấm Thành xuất hiện chuyện lạ. Khi bầu trời đang hừng sáng vào ngày mới, một người phụ nữ mặc áo trắng đột nhiên xuất hiện trong cung điện. Người trong cung lập tức đuổi theo, nhưng người phụ nữ này lập tức biến mất. Kể từ đó, đôi khi, người phụ nữ mặc đồ trắng này sẽ xuất hiện vào buổi tối, chạy quanh hoàng cung, và biến mất ngay khi có người đuổi theo. Việc này đã khiến mọi người trong cung vô cùng khiếp sợ.
Trong những ngày này, quân đội của Lý Tự Thành liên tiếp công phá các thành trì, sắp tiến đến tận chân Tử Cấm Thành. Dân chúng khắp kinh thành cũng vô cùng hoảng loạn.
Một thời gian qua, không chỉ triều đình nhà Minh gặp mối họa lớn từ quân Mãn Thanh và từ quân Lý Tự Thành, mà người dân khắp nơi đều phải đối mặt với hạn hán, lũ lụt, nạn châu chấu và động đất.
Áp lực bên trong, áp lực bên ngoài đều đã đến đỉnh điểm, Sùng Trinh Đế bất chợt nhớ tới Lưu Bá Ôn, vị quốc sư “hô mưa gọi gió” của triều Minh, chỉ tiếc rằng xung quanh mình không có người có khả năng như vậy. Kỳ thực Sùng Trinh Đế không nhớ ra rằng chỉ một thời gian ngắn trước thôi, tự tay ông đã hại chết vị tướng kiệt xuất của nhà Minh mạt là Viên Sùng Hoán (Xem lại bài: Đại dịch hạch Bắc Kinh khiến nhà Minh sụp đổ: Tình cờ hay nhân quả?).
Sùng Trinh Đế biết rằng Lưu Bá Ôn để lại một căn phòng bí mật, dặn dò các vị quân vương đời sau chỉ khi không còn lựa chọn mới mở ra. Bấy giờ binh lính Lý Tự Thành đã tiến đến chân thành, mọi người khắp nơi trong và ngoài hoàng cung đều hoảng loạn, không thể an định. Vậy nên Sùng Trinh Đế quyết định khai mở căn mật thất.
Bấy giờ Sùng Trinh chỉ muốn xem cẩm nang diệu kế mà Lưu Bá Ôn lưu lại trong căn mật thất này, liệu có thể giúp Đại Minh vượt qua kiếp nạn không. Tuy nhiên trong căn mật thất này Lưu Bá Ôn chỉ lưu lại cho Sùng Trinh Đế ba cuộn tranh.
Trong bức tranh đầu tiên, hàng chục văn võ bá quan đều xõa tóc đi lại tứ tung. Khi xem bức tranh này, Sùng Trinh Đế quay người lại và hỏi điều đó có nghĩa là gì. Người xung quanh đáp rằng: “Lẽ nào nói rằng quan chức quá nhiều, pháp luật hỗn loạn?”
Hoàng đế Sùng Trinh lại mở bức tranh thứ 2, thấy binh tướng vứt bỏ vũ khí, áo giáp, dân chúng dẫn theo người nhà chạy trốn tứ bề. Hoàng đế lại hỏi và mọi người đáp: “Phải chăng là quân binh tạo phản, dân chúng tháo chạy?”
Khi bức tranh thứ 3 được mở ra, Hoàng đế Sùng Trinh không hỏi lại thái giám bên cạnh mình nữa, mà đứng ngây người cầm bức tranh một hồi lâu… Trong bức tranh thứ 3, một người được vẽ xõa tóc, chân để trần, treo cổ dưới gốc cây. Hơn nữa người đàn ông này quá giống với Sùng Trinh Đế.
Hoàng đế Sùng Trinh chết lặng, dường như đã hiểu rằng ý Trời là vậy.
Bởi thế khi các cận thần xung quanh thuyết phục Sùng Trinh Đế cắt đất cho Lý Tự Thành, Hoàng đế đã dứt khoát cự tuyệt. Nhà Minh đã đến hồi diệt vong, không thể cứu vãn.
Khi Lý Tự Thành công phá Tử Cấm Thành, Sùng Trinh Đế trốn lên núi Môi Sơn, treo cổ tự tận, cảnh tượng rất giống trong bức tranh thứ 3.