Báo ứng bi thảm của hai nhà tiên tri nổi danh Trung Hoa dám cả gan "tiết lộ thiên cơ"

Trần Quỳnh |

Mặc dù đều là những nhà tiên tri nổi danh với nhiều lời tiên đoán ứng nghiệm trong lịch sử Trung Hoa, thế nhưng cả hai nhân vật này đều phải nhận về những kết cục chẳng hề yên ổn.

Cổ nhân Trung Hoa có câu "thiên cơ bất khả lộ". Mặc dù nếu đứng trên góc độ khoa học để nhận xét, khái niệm "thiên cơ" vẫn bị cho là có phần mơ hồ. Thế nhưng có đôi khi, báo ứng của những người từng tiết lộ điềm trời lại khiến cho hậu thế không khỏi rùng mình và thêm phần tin tưởng về điều này.

Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, từng có hai nhân vật nổi danh phải gánh chịu kết cục đáng sợ vì tiết lộ thiên cơ. Đó chính là Viên Thiên Cang thời nhà Đường và Lưu Bá Ôn thời nhà Minh.

"Thần cơ diệu toán" Lưu Bá Ôn và kết cục không được chết yên lành trong tay quyền thần

Báo ứng bi thảm của hai nhà tiên tri nổi danh Trung Hoa dám cả gan tiết lộ thiên cơ - Ảnh 1.

Tranh chân dung Lưu Bá Ôn. (Ảnh: Nguồn Baidu).

Lưu Bá Ôn (1310 – 1375), tên thật Lưu Cơ, tự Bá Ôn, là nhà văn, nhà thơ, nhà chính trị và đồng thời là khai quốc công thần của Minh triều trong lịch sử Trung Hoa.

Năm xưa, ông được biết tới với vai trò là quân sự cốt cán cho Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Sinh thời, tài năng của Lưu Bá Ôn thậm chí còn được người đời ca tụng là sánh ngang với Gia Cát Lượng thời Tam Quốc.

Cũng bởi vậy mà đã từng có giai đoạn, trong thiên hạ không ngừng lưu truyền câu nói: "Tam phân thiên hạ Gia Cát Lượng, nhất thống giang sơn Lưu Bá Ôn".

Trong khoảng thời gian giúp Chu Nguyên Chương gây dựng sự nghiệp, Lưu Bá Ôn đã từng dâng lên không ít sách lược. Trong số này, có rất nhiều lời tiên đoán mà ông đưa ra đã thực sự ứng nghiệm.

Trong số những tiên đoán của vị đại thần họ Lưu ấy, nổi tiếng hơn cả phải kể tới "Thiêu Bính Ca" – quyển sách tập hợp những lời tiên tri của ông về các sự kiện được tin là sẽ xảy ra trong vòng 800 năm kể từ khi nhà Minh thành lập.

Có giai thoại truyền lại rằng, năm xưa Chu Nguyên Chương từng hạ lệnh cho Lưu Bá Ôn bói một quẻ  về giang sơn Đại Minh, hỏi rằng bá nghiệp của Minh triều có thể vĩnh viễn hưng thịnh được hay không.

Bấy giờ, Lưu Bá Ôn liền xin nhà vua ban cho kim bài miễn tử rồi viết ra "Thiêu Bính Ca". Chu Nguyên Chương xem xong những lời tiên đoán này thì một lời cũng không nói.

Báo ứng bi thảm của hai nhà tiên tri nổi danh Trung Hoa dám cả gan tiết lộ thiên cơ - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Và thực tế lịch sử đã chứng minh, chỉ vẻn vẹn vài thập kỷ sau đó, lời tiên đoán năm nào của Lưu Bá Ôn đã thực sự ứng nghiệm lên cục diện chính trị của Minh triều khi ấy, bằng chứng là một loạt sự kiện đã xảy ra như chiến dịch Tĩnh Nan, sự biến Thổ Mộc Bảo, Minh Anh Tông phục vị, hoạn quan hoành hành, Lý Tự Thành khởi nghĩa…

Có lẽ chính bởi những lần tiết lộ thiên cơ liều lĩnh như vậy, hoặc cũng có thể vì phải phục vụ cho một vị quân chủ quá mức đa nghi và lạm sát như Chu Nguyên Chương, Lưu Bá Ôn đã phải nhận về kết cục chẳng hề tốt đẹp.

Về cuối đời, khi tận mắt chứng kiến nhà vua liên tiếp tàn sát công thần, Lưu Bá Ôn đã liên tục dâng sớ từ quan nhưng tới năm 1371 mới được phê chuẩn.

Tuy nhiên sau đó, ông vẫn liên tục bị quyền thần Hồ Duy Dung chèn ép. Quá phẫn uất trước cảnh gian thần lộng hành, bệnh tình của Lưu Cơ càng lúc càng trở nên nguy kịch.

Kết quả là tới năm 1375, Lưu Bá Ôn đã qua đời ở tuổi 64. Người đời khi ấy đều tin rằng ông bị Hồ Duy Dung hạ độc mà chết, bởi trước lúc qua đời, Lưu Bá Ôn đã uống thuốc của quyền thần này đưa tới.

Nhiều lần tiết lộ thiên cơ, Viên Thiên Cang tới sau khi tạ thế vẫn không được yên nghỉ vì mộ tặc

Báo ứng bi thảm của hai nhà tiên tri nổi danh Trung Hoa dám cả gan tiết lộ thiên cơ - Ảnh 5.

Bức tượng thờ Viên Thiên Cang tại ngôi đền ở Tứ Xuyên - Trung Quốc. (Ảnh: Nguồn Baidu).

Viên Thiên Cang (có tài liệu dịch là Viên Thiên Cương) là bậc thầy tướng số và nhà tiên tri nổi danh bậc nhất Đường triều.

Tương truyền rằng, Viên Thiên Cang từ thuở niên thiếu đã phải sống trong cảnh bơ vơ, bần hàn. Thế nhưng vì say mê nghiên cứu tướng thuật, chẳng bao lâu sau khi tới Lạc Dương, ông đã nổi danh một cách nhanh chóng.

Năm xưa, ba người Đỗ Yêm, Vương Khuê và Vi Đỉnh đều tìm đến nhà tướng số họ Viên để xem tướng. Sau khi nhìn xong, Viên Thiên Cang liền phán rằng:

Đỗ Yêm sau này sẽ nhờ văn chương bút sách mà vang danh thiên hạ, Vương Khuê không tới 10 năm sẽ làm quan tới hàng ngũ phẩm, Vi Đỉnh thì sẽ trở thành một võ tướng. Và thực tế lịch sử cũng đã chứng minh, lời tiên đoán của ông năm đó quả thực đã ứng nghiệm.

Sau này, Đường Thái Tông cũng đích thân mời Viên Thiên Cang vào triều làm cố vấn. Vì muốn biết được vận mệnh của Đường triều, nhà vua đặc biệt để Viên Thiên Cang và Lý Thuần Phong tiên tri về vận nước.

Tác phẩm "Thôi Bối đồ" của hai nhân vật này cho tới ngày nay vẫn được hậu thế không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu.

Báo ứng bi thảm của hai nhà tiên tri nổi danh Trung Hoa dám cả gan tiết lộ thiên cơ - Ảnh 7.

Võ Tắc Thiên chính là một trong số những nhân vật nổi danh từng được Viên Thiên Cang xem tướng. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).

Một trong những lời tiên đoán nổi tiếng nhất của Viên Thiên Cang phải tới lần ông xem tướng cho Võ Tắc Thiên.

Tương truyền rằng, khi Võ Tắc Thiên còn nhỏ, thầy tướng số họ Viên ấy đã có cơ duyên gặp bà. Bấy giờ, Viên Thiên Cang đã nhầm tưởng Võ thị là một bé trai, vì vậy liền nói:

"Mắt rồng cổ phượng, cực kỳ quý hiển, nhưng đáng tiếc lại là nam, nếu là nữ ắt sẽ làm Thiên tử".

Từ những minh chứng trên đây, có thể thấy Viên Thiên Cang cả đời đã không ít lần mạo hiểm tiết lộ thiên cơ. Mặc dù không phải gánh chịu kết cục không được chết yên lành như Lưu Bá Ôn, thế nhưng nhà tiên tri họ Viên ấy cũng không có được hậu vận an ổn.

Năm Trinh Quán thứ 19, Viên Thiên Cang qua đời và được mai táng ở Cùng Lai thuộc núi Bạch Hạc. Sau này, phần mộ của ông không may bị mộ tặc xâm phạm. Không ít người vẫn cho rằng đây chính là hậu quả của những lần cả gan tiết lộ thiên cơ mà ông từng làm khi còn tại thế.

*Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc)


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại