Lương tối thiểu ở Việt Nam tăng quá cao?

Mạnh Nguyễn |

Trong khi nhiều quốc gia có xu hướng giảm lương tối thiểu thì Việt Nam cùng với Indonesia và Trung Quốc là 3 nước có mức lương tối thiểu tăng. Đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia có mức lương tối thiểu tăng cao nhất.

Tại Hội thảo khoa học “Phát triển các loại thị trường trong nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế” do Ban kinh tế Trung ương vừa tổ chức tại TP.HCM, Ths. Hoàng Thị Phương Lan (Học viện Tài Chính) đã có bài tham luận phân tích về thị trường lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

Đáng chú ý, bài tham luận đã đưa ra đánh giá tác động của việc tăng lương tối thiểu đến thị trường lao động thời gian qua.

Theo vị chuyên gia này, việc tăng lương tối thiểu thời gian qua bên cạnh việc góp phần cải thiện đời sống của người lao động, mặt khác, đang tạo ra thách thức lớn khi lợi thế về chi phí nhân công thấp giảm.

Dẫn bảng số liệu so sánh về mức lương tối thiểu của Việt Nam so với các nước trong khu vực của World Bank, tác giả cho rằng: Lương tối thiểu Việt Nam đang có mức tăng cao nhất.

Lương tối thiểu ở Việt Nam tăng quá cao? - Ảnh 1.

Đơn vị: USD/tháng

Lương tối thiểu ở Việt Nam tăng quá cao? - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo Doing Business của World Bank .

Nhìn biểu đồ trên cho thấy, trong 7 quốc gia được so sánh về mức lương tối thiểu trong bảng trên có 4/7 nước có xu hướng giảm, Việt Nam cùng với Indonesia và Trung Quốc là 3 nước có mức lương tối tiểu tăng.

Trong đó, Việt Nam có mức tăng cao nhất, gần 14%, Indonesia tăng 7% và Trung Quốc tăng 10%. Điều này sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh lớn cho lao động Việt Nam khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Đáng chú ý, theo vị chuyên gia này, năng suất lao động Việt Nam - yếu tố quan trọng quyết định đến vấn đề tăng lương tối thiểu - dù có tăng, song chưa có sự cải thiện tích cực.

“Năng suất lao động của lao động Việt Nam vẫn bị xếp vào mức thấp trong khu vực. Mặc dù năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2015 tính theo giá hiện hành đạt 79,3 triệu VND, tương đương 3.657 USD/lao động, tăng 6,42% so với năm 2014, đưa bình quân giai đoạn 2005 - 2015 tăng 3,9%/năm.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 1992 - 2014, tốc độ tăng năng suất của Việt Nam ở mức khá cao là 4,64%/năm, thì tốc độ này ở Trung Quốc là 9,07%/năm”, Ths. Hoàng Thị Phương Lan dẫn chứng.

Theo Ths. Hoàng Thị Phương Lan: Mức độ nâng cao năng suất lao động chậm hơn các nước khác cũng tạo ra sức ép cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Đáng chú ý, theo vị chuyên gia này, việc quy định lương tối thiểu có sự cải thiện lại không có ảnh hưởng nhiều đến việc tăng năng suất lao động.

“Nhận định này có thể gây ra nhiều tranh cãi, tuy nhiên có thể lý giải rằng, năng suất lao động được tính chung cho các ngành trong nền kinh tế (bằng GDP chia cho số lao động làm việc trong nền kinh tế), nhưng việc áp dụng quy định lương tối thiểu không được tuân thủ chặt chẽ tại mọi khu vực kinh tế.

8% lao động toàn thời gian và 11% lao động trong doanh nghiệp tư nhân trong nước không có hợp đồng bị trả mức lương thấp hơn lương tối thiểu.

Đó là về khách quan đối với người lao động, trên thực tế, năng suất lao động thấp còn do chủ quan là những hạn chế về kỷ luật của người lao động”, Ths. Hoàng Thị Phương Lan cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
ĐANG HOT

TIN NỔI BẬT SOHA

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại

Top