*Dưới đây là bài chia sẻ của tác giả Vương Lực Nghiên, được đăng trên trang Toutiao (Trung Quốc).
Vợ chồng tôi có 2 người con, cả hai đều đã lập gia đình và sống ở thành phố Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc. Tuy nhiên vì không muốn sống phụ thuộc và mong các con có cuộc sống riêng tư, vợ chồng tôi vẫn quyết định ở lại quê nhà để dưỡng già. Ở tuổi ngoài 80 với mức lương hưu 10.000 NDT (hơn 34 triệu đồng), chúng tôi có một cuộc sống khá đầy đủ.
7 năm trước, vợ tôi không may bị nhồi máu não nên việc di chuyển gặp khó khăn, phải dùng nạng hoặc xe đẩy mới có thể đi xa được. Dù tuổi già có nhiều bất tiện, con cái chẳng ở bên, thế nhưng chúng tôi vẫn luôn giữ thái độ sống vui vẻ và chủ động trong mọi việc. Cho đến năm 2022, dịch Covid ập đến khiến sức khỏe chúng tôi yếu dần. Lúc này, vợ chồng tôi mới bàn bạc và quyết định thuê một người giúp việc sống tại nhà để lo cơm nước và phụ việc nhà. Không ngờ việc này lại trở thành vấn đề khiến 2 vợ chồng tôi “mất ăn mất ngủ” suốt nửa năm sau đó.
Có người phụ giúp, tưởng an nhàn mà hóa lo âu
Được họ hàng giới thiệu, vợ chồng tôi thuê một người phụ nữ ở làng bên làm người giúp việc. Thấy người này lười biếng, chểnh mảng, chúng tôi liền cho cô ấy nghỉ việc sau 2 tháng.
Người giúp việc thứ 2 cũng được chúng tôi tìm và thuê ngay sau đó. Đó là một cô gái trẻ khoảng 22 tuổi, rất chăm chỉ và thật thà ở ngay trong làng. Thế nhưng vì cô ấy không được việc, thường xuyên làm hỏng đồ trong nhà, nấu ăn khá tệ nên chúng tôi cũng chẳng thể giữ lại lâu.
Người giúp việc thứ 3 lại càng tệ hơn, cô ấy không những không chăm chỉ làm việc lại còn suốt ngày không chịu rời xa chiếc điện thoại. Dẫu được tôi nhắc nhở rất nhiều lần, cô ấy vẫn lặp lại việc này thường xuyên. Cuối cùng, vợ chồng tôi cũng đành phải cho cô ấy nghỉ việc.
Người giúp việc thứ 4 được tôi tìm về qua môi giới. Người này vừa hoạt bát lại rất chăm chỉ và được việc. Cứ ngỡ đã tìm được “chân ái”, vợ chồng tôi lại thất vọng khi những bí mật trong gia đình bị cô ấy đem đi kể hết cho người ngoài. Sau sự việc này, tôi hiểu ra rằng, việc sống chung với người lạ đòi hỏi vợ chồng tôi phải có sự điều chỉnh và thích nghi. Tuy nhiên điều này không hề dễ dàng đối với những người ở độ tuổi chúng tôi. Cuối cùng vì để tránh rắc rối mà kể từ đó, vợ chồng tôi không còn muốn thuê thêm người giúp việc nữa mà cố gắng tự giải quyết mọi việc trong nhà.
Tìm ra chốn bình yên khi về già
Năm ngoái, tôi bị ho nặng, được hàng xóm đưa đến bệnh viện khám. Bác sĩ bảo tôi bị nhiễm trùng phổi, cần nhập viện và theo dõi trong 1 tháng. Hay tin tôi nằm viện, 2 đứa con ở thành phố tức tốc về quê ngay trong ngày. Đứa lớn ở viện chăm sóc tôi, đứa nhỏ thì ở nhà lo cơm nước cho mẹ.
Vì lo lắng cha mẹ tuổi cao sức yếu, ngày tôi được về nhà, 2 đứa con đã cùng ngồi lại để bàn chuyện dưỡng già của 2 vợ chồng tôi. Sau khi thảo luận, cả hai cho chúng tôi 2 sự lựa chọn: một là lên phố sống cùng con trưởng, hai là đến việc dưỡng lão. Sau khi suy nghĩ kỹ, vợ chồng tôi cùng quyết định chọn đến viện dưỡng lão để sống những năm tháng cuối đời. Không phải vì chúng tôi không lưu luyến con cái mà do chúng tôi đều muốn bản thân và các con có cuộc sống riêng tư. Do đó, đây là sự sắp xếp tốt nhất.
Ngay hôm sau, các con đã chọn cho chúng tôi một viện dưỡng lão ngay gần nhà để thuận tiện cho việc thăm nom hàng tháng. Ở đó phong cảnh rất đẹp, không khí trong lành nên vợ chồng tôi rất thích. Lương hưu hàng tháng của chúng tôi là hơn 10.000 NDT, sau khi trừ các loại chi phí sẽ vẫn còn 5.000 NDT (hơn 17 triệu đồng). Số tiền này chúng tôi không giữ mà chia đều cho các con, dặn dò chúng mỗi lần đến thăm đều mua thêm quà tặng cho nhân viên, bác sĩ và những người già khác trong việc dưỡng lão. Ở tuổi 80, tiền bạc với vợ chồng tôi đã không còn ý nghĩa, vì thế, chúng tôi muốn biến chúng thành niềm vui cho mình.
Quả thực, mỗi lần các con đến viện dưỡng lão, không chỉ vợ chồng tôi mà cả những người khác cũng đều rất vui mừng. Ai nấy đều khen ngợi các con tôi hiếu thảo và tâm lý. Cuộc sống của vợ chồng tôi ở đây vì thế cũng trở nên vui vẻ hơn rất nhiều. Với nhiều người, viện dưỡng lão có thể không phải là nơi trú ẩn tốt nhất lúc về già, thế nhưng với vợ chồng tôi, cuộc sống tuổi xế chiều như vậy là đã viên mãn, hạnh phúc rồi.