Dưới đây là phần chia sẻ của một người dùng giấu tên, bài viết được đăng tải trên trang Sina, Trung Quốc.
Người ta nói tình bạn thời niên thiếu sẽ đi theo chúng ta suốt đời, kể cả sau khi tốt nghiệp, không ai có thể thay thế được những người đã ngồi chung giảng đường. Đó có thể là lý do khiến những buổi họp lớp đặc biệt quan trọng. Khi mọi người gặp lại nhau, họ có thể kết nối và hồi tưởng về những năm tháng đã qua.
Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, các cuộc gặp gỡ đã dần mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu. Một số người đến gặp bạn cũ nhưng thực chất là để khoe khoang giàu có.
Tưởng tượng và thực tế…
Sau khi ra trường 20 năm, lớp chúng tôi vẫn định kỳ tổ chức gặp mặt mỗi năm một lần. Mọi người thường chọn ngày cuối năm để các thành viên có thể thu xếp thời gian tham gia. Lớp trưởng của chúng tôi nghĩ ra cách in áo lớp để mọi người cùng mặc. Như vậy, khi nhìn vào, ai cũng giống ai, không có sự phân biệt.
Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của đa số bạn bè. Cảnh tượng mọi người cùng mặc "đồng phục" lúc đầu khá cảm động. Nó khiến tôi nhớ lại thời đi học.
Nhưng khi chúng tôi vừa ăn vừa trò chuyện thì không khí không ổn chút nào! Tôi quan sát các bạn của mình kỹ hơn, quần áo tuy giống nhau nhưng mỗi người lại mang rất nhiều phụ kiện: Đồng hồ đắt tiền, trang sức hàng hiệu, túi xách sang trọng, thậm chí có người còn để chìa khóa xe lên bàn cho mọi người "nhìn ngắm"...
Thì ra dù đã khoác lên người bộ đồng phục, con người ta vẫn có thể khoe khoang.
Thêm vào đó, cho dù quần áo và phụ kiện có thống nhất thì nội dung trò chuyện của mọi người cũng không thể đồng điệu. Một số người quen tỏ ra kiêu ngạo, giỏi coi thường và chế nhạo người khác, khi trò chuyện sẽ chuyển chủ đề và hãy thể hiện mình tài cán ra sao. Tôi xin hỏi, buổi họp lớp như vậy có còn ý nghĩa không?
Khi những bữa tiệc họp lớp trở thành nơi để khoe của, nơi chứng minh đẳng cấp, vị thế của mình, ở đó chỉ còn lại sự sáo rỗng. Khi những câu hỏi không còn là "bạn có khỏe không", "công việc ổn chứ" mà thành "lương tháng bao nhiêu", "được thăng chức chưa", mọi thứ cũng sẽ thành vô nghĩa.
Tiền không phải thước đo giá trị con người
Những người thông minh và chín chắn sẽ hiểu được giá trị của bản thân mình. Họ không lấy tiền làm thước đo giá trị con người mà chỉ coi nó như 1 công cụ trong cuộc sống. Chúng ta không thể làm gì nếu như thiếu tiền, nhưng không phải cứ có nhiều tiền ta mới hạnh phúc.
Trong cuộc sống, bên cạnh những người thành công là nhiều người vấp ngã trên con đường họ chọn. Tuy nhiên, chúng ta phải học cách nhìn ra những điều tốt đẹp trong chính mình thay vì đắm chìm trong những điều tồi tệ trong cuộc sống.
Mỗi người cần tự nhận thức được điểm mạnh, điểm yếu của mình và đưa ra đường hướng phát triển đúng đắn. Khi phát hiện ra những thiếu sót, chúng ta mới có thể hoàn thiện bản thân mình.
Bỏ qua sự ghen tị với những thành tích người khác đạt được cũng là điều cần thiết để tăng giá trị bản thân. Bất cứ ai cũng nên nhìn vào những mục tiêu tương lai và cố gắng đạt được mới là giá trị lớn nhất. Học cách nỗ lực, biết thế nào là đủ mới giúp chúng ta hạnh phúc và thảnh thơi, thoải mái tận hưởng cuộc sống.
Thời đi học chính là những năm tháng tươi đẹp nhất của mỗi người. Bởi thế dù trưởng thành, người ta vẫn tìm cách để quay lại quãng thời gian tươi đẹp ấy nên mới có những buổi họp mặt lớp cũ.
Suy cho cùng, bạn có quyền đến hoặc không khi nhận được những tin nhắn mời tham gia họp lớp. Một giáo sư tại Harvard đã nhắc nhở các sinh viên của mình rằng cho dù cuộc sống có như thế nào đi chăng nữa thì bạn cũng phải đi họp lớp sau khi tốt nghiệp. Bởi vì bạn sẽ thấy sự khác biệt trong cuộc sống giữa những người luôn kiên định với ước mơ và làm theo đam mê của mình và những người chạy theo xu hướng. Đây có lẽ là ý nghĩa lớn nhất của họp lớp đối với chúng ta.
Theo Sina, Sohu