Mỗi lần phạt con, kỷ luật con, luôn kết thúc bằng 1 câu nói
Khi con đánh cha mẹ, hay nói lầm bầm đằng sau, cũng có khi giận dỗi cáu kỉnh hoặc cứng đầu bướng bỉnh, cách giải quyết hiệu quả nhất chính là cố gắng kết nối với con.
Đầu tiên, hãy thừa nhận cảm xúc của con bạn: “Mẹ/ bố biết con rất tức giận” rồi chỉ ra lỗi sai của bé: “Nhưng con đánh mẹ rất đau”.
Sau đó, hãy nói cho con biết bé nên phản ứng thế nào cho đúng, ví dụ như: “Con có thể dậm chân và nói con đang tức giận” nhưng phải trong một giới hạn nhất định: “Nhưng con không được đấm đá hay dùng bạo lực”.
Trẻ thường có những biểu hiện quá khích như đấm, đá hay hét lên khi tức giận (Ảnh minh họa).
Và bước cuối cùng quan trọng nhất theo lời khuyên của chuyên gia phát triển tâm lý trẻ em Ashley Soderlund, cũng mẹ của một con nhỏ, chủ nhân của blog nuôi dạy con Nature and thrive, cha mẹ luôn nên kết thúc việc kỷ luật con mình bằng câu: “Con sẽ ghi nhớ điều này cho lần sau chứ?”.
Đó là câu nói ngắn gọn nhưng mang ý nghĩa rất lớn. Chuyên gia Soderlund cho biết: "Đó chỉ là câu nói rất đơn giản nhưng lại có ý nghĩa giao tiếp với con nhiều nhất.
Ý muốn nói với con bạn rằng lỗi lầm hôm nay con gây ra không phải là lỗi lầm mãi mãi, con có thể thay đổi và nó sẽ mang lại cho con một mục tiêu thay đổi tích cực để con hướng đến".
Thay vì dùng những cách quá cứng nhắc, bố mẹ hãy giải quyết mọi việc nhẹ nhàng hơn (Ảnh minh họa).
Khi nói với con câu này là bố mẹ đã trao quyền cho con thay đổi hành vi từ bên trong. Nó cho thấy không phải bạn kiểm soát hành vi của con mà là khích lệ con học cách ứng xử tốt hơn và tiếp thêm sức mạnh cho con bạn về lâu về dài.
Khi nói những điều này, các bậc cha mẹ còn nhắn nhủ thêm với con rằng "Đúng rồi, bố mẹ biết con có thể làm tốt hơn mà", rằng con có thể rút ra bài học qua những lỗi sai của mình và con sẽ (có thể) biểu hiện tốt hơn mỗi khi xảy ra tình trạng cáu giận tương tự.
Chuyên gia Soderlund giải thích: "Khi con bạn nhận ra điều mà bản thân đã làm sai, chúng có cảm giác mình là kẻ thất bại và với chúng đó là sự thật mãi mãi không thể thay đổi.
Chúng ta cần nhắc trẻ rằng, hành vi của chúng luôn có thể thay đổi và các con sẽ trở nên trưởng thành hơn." Đó là tất cả những điều chúng ta cần lưu ý trong quá trình hình thành nhận thức của trẻ bắt đầu từ độ tuổi nhỏ.
Trẻ có nhận thức đủ trưởng thành sẽ nhận thấy thất bại cũng là một phần của học tập, thông qua những cố gắng và quyết tâm để trở thành người tốt hơn, con bạn sẽ phát triển được kĩ năng và càng thông minh hơn, đó là thái độ tích cực mà cả trẻ con và người lớn nên có.
Nhận thức đúng đắn sẽ được phát huy mạnh hơn nữa khi những cố gắng của trẻ được chú ý đến, khi con bạn cư xử đúng mực vào lần sau (Ảnh minh họa).
Khen ngợi những hành vi cụ thể của trẻ
Nhận thức đúng đắn sẽ được phát huy mạnh hơn nữa khi những cố gắng của trẻ được chú ý đến, khi con bạn cư xử đúng mực vào lần sau. Vậy, làm thế nào mới khích lệ con hiệu quả?
Giáo sư tâm lý Carol Dweck của Trường đại học Standford, người đã có những nghiên cứu mang tính bước ngoặt trong phát triển nhận thức con người, nói rằng, hãy tán dương những hành vi cụ thể chứ không phải chỉ là cách cư xử chung chung.
Thay vì nói: "Con đã cư xử rất đúng mực khi người A ở đây" thì hãy nói: "Mẹ rất vui khi con dùng từ ạ hay dạ khi nói chuyện với người lớn". Nếu con kể cho bạn nghe những điều bé đã làm được: “Con đã nhớ và sửa lỗi rồi mẹ ạ!”, hãy hưởng ứng theo mức độ hào hứng của bé.
Cha mẹ hãy giúp con điều chỉnh thái độ chứ đừng vội vàng đánh giá con (Ảnh minh họa).
Chuyên gia Soderlund nhắc nhở các cha mẹ, không phải lúc nào các cách kỷ luật cũng hiệu quả. Sẽ có lúc con bạn lặp lại lỗi sai ngay cả khi bạn đã cố hết sức để dặn con không được lặp lại.
Chuyên gia nhấn mạnh lần nữa: “Trẻ con không ghi nhớ dễ dàng được nên thay đổi hành vi của một đứa trẻ cần nắm bắt cơ hội và thực hành nhiều lần”.
Vì vậy, đừng vội tùy tiện đánh giá con là "hư" hay "cứng đầu". Hãy giữ bình tĩnh và ghi nhớ rằng việc kỷ luật con sẽ mất nhiều thời gian cùng nỗ lực của cả bố mẹ và con. Các bậc cha mẹ hãy tự tin lên, chúng ta sẽ làm được mà!
Nguồn: parenting