Để xây dựng một gia đình viên mãn, hạnh phúc, mối quan hệ giữa các thành viên, chức trách, bổn phận của mỗi người cần phải được thực hiện tới nơi tới chốn.
Bài viết dưới đây chia sẻ một vài điều cần thiết để mỗi người trong chúng ta tham khảo, qua đó có thể xây dựng gia đình kiện toàn, hạnh phúc hơn.
Luân thường đạo lý chung đối với mỗi gia đình
Người già là sao thiên đức, lấy đức làm gốc.
Bố mẹ là sao thiên phúc, lấy chí làm gốc.
Vợ chồng là sao thiên cát, lấy yêu làm gốc.
Con cái là sao thiên quý, lấy hiếu làm gốc.
Người già không có đức, gia đình khó tránh được tai ương. Con cái không có hiếu, gia đình bất hạnh. Đàn ông không có chí, gia đạo bất hưng. Đàn bà không hiền thục nhu mì, sẽ xua đuổi tài vận trong nhà.
Với mỗi gia đình, người già cần đề ra gia phong, bố mẹ cần thực hành, thị phạm gia phong, con cái cần kế tục gia phong, cháu chắt đời sau cần thừa hưởng và đối xử với nhau theo nếp nhà đã được ông bà tổ tiên để lại.
Đạo đức là quy luật của trời đất, bổn phận là quy luật của mỗi người. Chúng ta làm trái lại quy luật, ắt sẽ không tránh được những điều bất hạnh.
Tranh minh họa.
Đạo người già
Người già là sao thiên đức trong mỗi gia đình, lấy đức làm gốc. "Đức" ở đây thể hiện ở việc chèo lái, giúp cả gia đình sinh sống một cuộc đời yên bình, hòa thuận. Đã là người một nhà, người già không cần suy xét quá kỹ việc ai đúng ai sai, dù có xảy ra chuyện gì đi nữa, cũng không được rêu rao ra bên ngoài.
Người già cũng cần tự nhắc bản thân, không giáo dục tốt được các thành viên trong gia đình, để xảy ra việc không như ý, lỗi đầu tiên là ở mình.
Người già cũng không nên ỷ vào vị trí của mình trong nhà mà can thiệp vào mọi chuyện của con cháu. Hãy tích âm đức để dành phúc cho các thế hệ hậu sinh.
Đạo cha mẹ
Cha mẹ là sao thiên phúc trong nhà, lấy chí làm gốc. Người làm cha mẹ cần phải trên kính dưới nhường, yêu thương con cái, dùng thái độ cảm ơn để hoàn thiện bản thân, xây dựng gia đình hòa thuận ấm êm.
Phận làm cha mẹ trong gia đình cũng cần giảng giải cho con cái công đức của ông bà tổ tiên, là tấm gương hiếu thuận cho chính con cái mình noi theo.
Tranh minh họa.
Đạo vợ chồng
Vợ chồng là sao thiên cát trong nhà, lấy yêu làm gốc.
Để xây dựng lên một gia đình, nền tảng căn bản chính là tình yêu. Không có tình yêu, chẳng ai có thể tạo nên được một gia đình mỹ mãn. Thế nên, yêu thương chính là điều kiện tiên quyết cho việc gây dựng, hình thành và vun đắp lên một gia đình hạnh phúc.
Có duyên yêu một người, đầu tiên cần phải hiểu được bổn phận của đối phương, giúp đối phương phát huy tốt nhất bổn phận của họ.
Chồng có bổn phận của chồng, vợ có bổn phận của vợ. Chồng lấy cương chính làm gốc, vợ lấy nhu làm gốc. Vợ chồng là âm dương kết hợp, là sự bổ trợ cho nhau.
Không nên quản thúc quyền tự do của bạn đời, thay vì mang đến phiền muộn, hãy tạo cho nửa kia niềm vui. Cùng nhau thấu hiểu và hoàn thiện bản thân, đó là điều kiện rất quan trọng để thực hiện đạo vợ chồng.
Đạo làm chồng
Nam giới đại trượng phu nói lời phải giữ lời, nói một là một, hai là hai, nói được làm được. Nếu biết không làm được, tốt nhất là không nên nói. Lời nói không có trọng lượng sẽ không được bất cứ ai tôn trọng.
Làm chồng cũng cần vô tư, bởi nó thể hiện tình yêu của người đàn ông đối với gia đình.
Có ba mẫu chồng, đó là nhược phu (người đàn ông nhu nhược), bạo phu (người đàn ông thô bạo) và trượng phu.
Người đàn ông đứng chữ trượng phu luôn đứng ra gánh vác trách nhiệm của cả gia đình, dùng cái lý để thu phục lòng người, nhìn thấy sai lầm của gia đình sẽ tự thấy hổ thẹn.
Tranh minh họa.
Là bậc trượng phu, phải định vị được vị trí của mình trong "Tam cương" (tính cương, tâm cương và thân cương). Không tức giận là tính cương, không mang dục vọng cá nhân là tâm cương, không có những thói quen xấu là thân cương.
Đàn ông là trụ cột trong gia đình, phải hiểu đạo lý, phải có chí khí, biết dẫn dắt các thành viên trong gia đình mà không cần gò ép, quản thúc.
Nếu làm tròn bổn phận và trách nhiệm của người chồng trong nhà, gia đình sẽ hạn chế được tai ương. Và ngược lại, nếu người chồng không làm đúng, đủ chức trách của mình, thật khó trách gia đình không nề nếp, bất hạnh.
Đạo làm vợ
Với phụ nữ, nhu mì, hiền hậu, dịu dàng là đức tính cần thiết. Một khi người phụ nữ trong gia đình không nhu thuận, sẽ thật khó để chiêu tài vận về nhà, khó điều hòa cho gia đình êm ấm.
Là vợ, phụ nữ không nên cứng nhắc thô bạo, không được nóng nảy, hạn chế than vãn, càng không nên quản việc của đàn ông.
Hãy đặt mình ở vị trí thấp nhất để hội tụ tinh hoa của cả gia đình, đó mới là mẫu phụ nữ khôn ngoan, trí tuệ.
Đạo mẹ chồng – nàng dâu
Mẹ chồng nàng dâu trong một gia đình đều là những người ngoại tộc, có duyên mà trở thành mẹ - con, sống chung dưới một mái nhà.
Đạo mẹ chồng nàng dâu nằm ở chữ "ân" và chữ "nghĩa".
Mỗi người hãy làm tốt bổn phận và trách nhiệm của mình để gia đình luôn được thuận hòa êm ấm, nếu không, gia đạo có thể sẽ dễ dàng bị phá vỡ.
Đạo làm con
Con cái là sao thiên quý trong nhà, lấy chữ hiếu làm gốc.
Là phận con cái, hãy luôn nghĩ đến ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ để hạn chế khiến cha mẹ lo lắng, đau lòng. Đó chính là cách báo ơn thiết thực nhất mà người làm con cần phải biết và áp dụng.
Ngoài ra, con cái phải coi việc tận hiếu là nhiệm vụ trung thân của mình. Kế thừa tổ nghiệp, phát huy gia phong, xây dựng đời sau mạnh hơn đời trước, đó là những điều mà các bậc tiền bối luôn trông đợi.
Đạo giữa anh chị em trong nhà
Đã là anh chị em trong nhà, cần đồng lòng hợp sức giúp đỡ nhau, đó là yêu cầu và cũng là bổn phận trách nhiệm chung của mỗi người.
Anh chị em trong nhà lấy chữ "nghĩa" làm gốc. Hãy giúp nhau vô điều kiện, đừng màng đến sự báo đáp, trả ơn.
Đó cũng là cách mà những người làm con báo đáp đến ơn huệ lớn lao mà cha mẹ đã dành cho mình.