Avdiivka lâm nguy, tàu chiến Nga bị tấn công gần Crimea
Ukraine hôm 14/2 tuyên bố đánh chìm một tàu lớn của hải quân Nga ở ngoài khơi bán đảo Crimea - đây có thể là đòn mạnh mới giáng vào lực lượng Nga trên biển. Trong lúc ấy, lính bộ của Ukraine chật vật chống đỡ những đòn tiến công mãnh liệt của Nga tại thị trấn Avdiivka nằm ở miền Đông.
Quân đội Ukraine công bố video ghi cảnh tấn công và làm đắm tàu đổ bộ Caesar Kunikov của Nga. Nếu thông tin này chính xác thì nỗ lực hậu cần của Nga ở miền Nam Ukraine sẽ gặp thêm khó khăn.
Khi được hỏi về cuộc tấn công trên, Tổng thư ký khối quân sự NATO Jens Stoltenberg gọi chiến dịch của Ukraine trên Biển Đen là “thành tựu lớn”. Ông phát biểu tại họp báo ở Brussels: “Người Ukraine đã có thể gây tổn thất lớn cho Hạm đội Biển Đen của Nga”.
Trái lại, lực lượng lục quân Ukraine tại Avdiivka đang rơi vào thế nguy cấp có lẽ là lớn nhất kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine.
Tâm chấn giao tranh hiện nằm quanh thị trấn Avdiivka - cứ điểm của Ukraine trong thời gian rất dài. Quân Nga hiện đã chọc thủng phòng tuyến của Ukraine tại đây và xâm nhập vào thị trấn từ nhiều hướng, đe dọa cắt đứt tuyến hậu cần tiếp tế chính cho lực lượng phòng ngự tại đây.
Kiev đã gửi quân tăng viện nhưng lực lượng Ukraine chiến đấu tại Avdiivka nói rằng họ không rõ mình sẽ giữ được nơi này bao lâu. Tình trạng thiếu đạn dược buộc các chỉ huy Ukraine tại đây phải sử dụng đạn pháo một cách dè sẻn, khiến họ khó lòng đẩy lui quân Nga.
Binh sĩ Ukraine trong khu vực này cho biết, họ đang đối diện một vấn đề lớn là không quân Nga ném bom dữ dội hàng ngày, phá hủy cả những công sự kiên cố nhất.
Serhii, một viên trung đội trưởng Ukraine, cho biết, bom đạn Nga phá hủy rất nhiều thứ ở đây. Theo anh này, sóng nổ của bom đạn Nga cũng gây thương vong cho nhiều lính Ukraine.
Dmytro Lykhoviy - phát ngôn viên lực lượng Ukraine bố trí quanh Avdiivka, cho biết phía Nga đã triển khai khoảng 50.000 binh sĩ cùng xe bọc thép tới chiến đấu bên trong thị trấn này.
Ông Lykhoviy nói: “Tình hình trên tiền tuyến rất động, có thể thay đổi từng giờ. Binh sĩ chúng tôi đang nỗ lực để giữ vững vị trí. Bộ chỉ huy của chúng tôi đã chuẩn bị các tuyến tiếp tế dự phòng trong tình huống tuyến hậu cần chính bị đối phương cắt đứt”.
Giới chỉ huy Ukraine đã phải chật vật tính toán thời gian cầm cự cũng như thời điểm rút lui - đây là điều rất phức tạp đối với họ trong suốt cuộc xung đột vũ trang với Nga.
Trong một số trường hợp, việc cố cầm cự (như tại nhà máy thép ở Mariupol) đem lại lợi ích đáng kể cho quân đội Ukraine. Ukraine ghi nhận trận chiến giằng co tại Mariupol trong giai đoạn đầu xung đột đã giúp họ làm chậm đà tiến của quân đội Nga tại những vùng khác của Ukraine.
Tuy nhiên, một số trận chiến khác của Ukraine thì vẫn gây tranh cãi, như trận Bakhmut (Artemovsk). Một số quan chức cấp cao Mỹ cho rằng, việc cố chiến đấu tại đây đã làm cạn kiệt các nguồn lực quan trọng của Ukraine trước khi bước vào chiến dịch phản công.
Chủ lực Ukraine thừa nhận tình hình nguy cấp thực sự
Lữ đoàn tấn công số 3 của Ukraine xác nhận đã tái triển khai tới Avdiivka. Lữ đoàn này khẳng định tình hình của Ukraine tại đây “cực kỳ nguy cấp”.
Trước đó, có nhiều tin tức nói rằng Ukraine đang gửi một trong các lữ đoàn đông nhất và được trang bị tốt nhất của mình - Lữ đoàn tấn công số 3, tới tăng cường cho lực lượng binh sĩ Ukraine đã bị kiệt sức sau nhiều tháng kịch chiến với quân Nga đang tìm cách vây chặt Avdiivka.
Lữ đoàn số 3 do nhân vật dân tộc chủ nghĩa Andrii Biletskyi lãnh đạo và được xem là một trong các lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất của quân đội Ukraine. Lữ đoàn đóng vai trò trọng yếu trong việc bảo vệ ngoại ô Bakhmut (Artemovsk) trong năm 2023 trước khi rút về phía sau để hồi phục.
Trên mạng xã hội Telegram, lữ đoàn Ukraine này cho biết, sau khi tới Avdiivka, một số tiểu đoàn của họ đã tấn công vào một số khu vực do Nga kiểm soát, gây “tổn thất nghiêm trọng” cho 2 lữ đoàn Nga.
Thông tin cho hay, có 7 lữ đoàn Nga tham chiến ở khu vực này. Ông Biletskyi nói: “Chúng tôi buộc phải chiến đấu trên tất cả các hướng chống lại liên tiếp các lữ đoàn mới do đối phương mang tới”.
Ukraine hy vọng giảm áp lực nhờ vào phản đòn trên biển
Tình báo quân sự Ukraine cho hay, họ đã sử dụng USV để đánh đắm con tàu Caesar Kunikov của Nga ở gần bán đảo Crimea.
Theo video ghi lại cuộc tấn công trong đêm này, các USV lao về phía chiến hạm Nga và sau đó xuất hiện một đám khói lớn bốc lên từ tàu. Giới chức Ukraine cho biết, USV đã khoan một lỗ thủng ở mạn trái của tàu Nga, khiến nước tràn vào và làm đắm tàu.
Bộ Quốc phòng Nga chưa đưa ra bình luận về vụ tấn công được Ukraine tuyên bố này. Phía Nga cũng chưa phản ứng lại đề nghị của tờ Business Insider muốn Nga bình luận về vụ việc.
Những đòn đánh này của Ukraine rất đáng chú ý vì lực lượng hải quân Ukraine gần như không còn tồn tại sau khi bị Nga tấn công.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho hay, ít nhất 14.000 vũ khí khí tài của Nga đã bị các thiết bị không người lái của Ukraine đánh trúng trong 6 tháng qua. Các mục tiêu ở đây bao gồm từ các công sự nhỏ cho tới chiến hạm lớn.
Chiến sự trên Biển Đen tiếp tục là điểm nổi bật của quân đội Ukraine trong bối cảnh họ gặp khó khăn trên bộ.
Thủ tướng Shmyhal nói: “Các xuồng không người lái (USV) đã làm tê liệt hạm đội đối phương tại Biển Đen và bảo đảm an ninh cho hành lang hậu cần trên biển”.
Không còn tàu chiến, Ukraine dựa vào tên lửa hành trình và USV để đối phó với hạm đội Nga.
Ukraine đã chất đầy thuốc nổ lên USV và điều khiển từ xa để đánh vào các mục tiêu Nga. Ukraine trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử triển khai hiệu quả USV cho tác chiến biển.
USV rẻ và không có người ngồi trên đó nên chúng có thể gây tổn thất lớn cho đối phương với chi phí nhỏ.
USV còn có một lợi thế so với tên lửa hành trình, đó là tầm tấn công. Các tên lửa hành trình như Storm Shadow do Anh và Pháp cung cấp cho Ukraine cũng được nước này sử dụng để đánh tàu Nga nhưng chúng chỉ bắn xa được khoảng 305km, trong khi USV có thể vượt chặng đường xa hơn.
Hiện nay Ukraine đang thử nghiệm trang bị bệ phóng tên lửa cho USV.
Tất nhiên, cách tiếp cận này không nhất thiết có nghĩa là Ukraine sẽ giành chiến thắng trước hải quân Nga, nhưng nó vẫn giúp Ukraine quấy nhiễu lực lượng Nga, buộc Nga phải phân tán nguồn lực để đối phó, đồng thời giúp giải tỏa thế phong tỏa của Nga đối với hoạt động hàng hải của Ukraine.
Trong vụ tấn công tàu Caesar Kunikov của Nga, quân đội Ukraine đã sử dụng USV được sản xuất nội địa. Tuy nhiên, nỗ lực của Ukraine tự sản xuất vũ khí cũng như sử dụng vũ khí một cách sáng tạo chưa chắc sẽ bù đắp được khoảng trống tạo ra từ việc Quốc hội Mỹ không phê chuẩn gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine. Dự luật viện trợ 60 tỷ USD cho Ukraine đã được thông qua tại Thượng viện Mỹ nhưng vấp phải sự phản đối tại Hạ viện Mỹ.