Thỏa thuận trên, ký tháng 11/2019 tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, kêu gọi thành lập một chính phủ chung sau khi các biện pháp an ninh và quân sự được triển khai nhằm tái cơ cấu nhà nước. Tuy nhiên, STC yêu cầu thành lập chính phủ trước khi hoàn thành nội dung an ninh theo thỏa thuận.
Một phái đoàn của STC ngày 19/5 đã tới Saudi Arabia để tham gia đàm phán. Một quan chức Yemen giấu tên cho hay động thái trên diễn ra sau khi "Saudi Arabia không hài lòng với các hành động của STC và coi các tuyên bố của STC, trong đó có quyết định tự trị, là sự thách thức rõ ràng đối với Saudi Arabia".
STC cho biết sẵn sàng hủy bỏ quyết định "tự trị" được tuyên bố hồi tháng 4/2020 để đổi lấy việc "thay đổi thứ tự nội dung trong Thỏa thuận Riyadh".
Trước đó, STC cáo buộc chính phủ không thực hiện các nghĩa vụ, đồng thời tuyên bố tự trị ở miền Nam bắt đầu từ nửa đêm 26/4. Tình hình càng trở nên căng thẳng sau khi STC triển khai lực lượng tới thành phố cảng Aden và tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại thành phố này cũng như các địa phương khác, kiểm soát cảng và sân bay cùng các cơ quan của chính phủ.
Yemen rơi vào nội chiến kể từ khi phiến quân Houthi đánh chiếm thủ đô Sanaa cuối năm 2014 và chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi phải lưu vong.
Năm 2015, một liên minh quân sự Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp vào Yemen để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Hadi khôi phục quyền lực. Trong 6 năm qua, xung đột tại Yemen đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường, và châm ngòi cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới.