Đó là: Gần như chắc chắn chúng được trang bị vũ khí hạt nhân.
"Át chủ bài"
Ông Mizokiami cho hay, 5 chiếc tàu ngầm lớp Dolphin là quân "át chủ bài" của Israel, giúp đảm bảo rằng nếu bị tấn công bằng hạt nhân, quốc gia này có thể đáp trả.
Vũ khí hạt nhân đầu tiên của Israel được hoàn thành vào đầu những năm 1970 và được triển khai dưới 2 hình thức: bom thả tự do từ máy bay và tên lửa đạn đạo Jericho.
Trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Iraq đã trút tên lửa đạn đạo Scud và Al Hussein xuống nhiều thành phố của Israel, khiến Tel Aviv thấy rằng họ cần có một bộ ba hạt nhân trên bộ/không/biển để mang lại sự linh hoạt tối đa cho năng lực răn đe hạt nhân và nâng cao khả năng sống sót nếu bị tấn công.
Có khả năng sống sót cao nhất trong bộ ba hạt nhân là lực lượng trên biển, với các tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân.
Những con tàu này có thể biến mất trong nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng, tiến hành những đợt tuần tra bí mật trong lúc chờ nhận lệnh phóng tên lửa.
Đó gọi là "năng lực tấn công trả đũa", xây dựng trên nguyên tắc răn đe hạt nhân, khiến lực lượng đối địch với Israel phải suy nghĩ thật kỹ trước khi tấn công.
Tàu ngầm Dolphin của Hải quân Israel. Ảnh: Wiki
Kế hoạch đóng 3 chiếc tàu ngầm đầu tiên được thông qua vào năm 1988, trước Chiến tranh vùng Vịnh. Sau nhiều năm trì hoãn, quá trình thi công được tiến hành tại Đức, thay vì Mỹ như kế hoạch ban đầu. Các hệ thống chiến đấu của Đức cũng được sử dụng thay vì các hệ thống của Mỹ. Quan trọng hơn cả, dự án này được xúc tiến dưới sự hỗ trợ tài chính từ Đức.
Ba chiếc tàu ngầm đầu tiên, Dolphin, Leviathan và Tekuma được đặt ky vào đầu những năm 1990 nhưng tới năm 1999-2000 mới được đưa vào biên chế.
Chúng dài 57m, có lượng giãn nước khi lặn 1.720 tấn và có khả năng lặn sâu tới 350m. Mỗi tàu có 10 ống phóng ngư lôi (6 ống 533mm và 4 ống 650mm).
Tàu được trang bị nhiều loại vũ khí của Đức, Mỹ và Israel, trong đó có ngư lôi hạng nặng Seahake và tên lửa chống tàu Harpoon.
Theo tài liệu Combat Fleets of the World, các tàu ngầm Dolphin có thể được trang bị hệ thống vũ khí dẫn đường quang-điện tử Triton, có thể tấn công trực tăng, tàu mặt nước hoặc các mục tiêu ven biển.
4 ống phóng ngư lôi cỡ lớn là chìa khóa cho năng lực răn đe trên biển của Israel. Chúng không chỉ được sử dụng để rải thủy lôi mà còn có thể phóng tên lửa hành trình.
Tên lửa bí ẩn
Năm 2000, Hải quân Mỹ đã quan sát thấy một vụ phóng tên lửa của Israel từ ngoài khơi Sri Lanka, tên lửa đã di chuyển quãng đường ước tính 1.500km. Không biết đích xác đó là tên lửa nào nhưng khả năng cao là một biến thể tiên tiến của tên lửa Popeye.
Tên lửa Popeye của Israel. Nguồn: Wiki
Popeye vốn là tên lửa phóng từ trên không để tấn công mặt đất. Được phát triển vào cuối những năm 1980, Popeye sử dụng đầu dò hồng ngoại hoặc camera vô tuyến, nó mang theo đầu đạn nặng 340kg và có tầm bắn lên tới 78km.
Không quân Mỹ đã mua 154 tên lửa Popeye để trang bị cho máy bay ném bom B-52, đặt tên gọi mới cho chúng là AGM-142 Raptor.
Năng lực răn đe hạt nhân của Israel phụ thuộc vào phiên bản tên lửa hành trình của Popeye – Popeye Turbo – được trang bị động cơ turbofan để có thể di chuyển khoảng cách xa.
Ngoài ra, còn có khả năng Israel triển khai vũ khí hạt nhân trên tên lửa chống tàu Gabriel. Cũng có một số nguồn tin cho rằng tên lửa Harpoon đã được Israel cải tiến để mang vũ khí hạt nhân.
Tên lửa Harpoon của Hải quân Israel tiêu diệt mục tiêu
Sức công phá của đầu đạn hạt nhân trên những tên lửa này vẫn là một bí ẩn nhưng theo nhà phân tích Mizokami, ước tính sẽ vào khoảng 200kt, mạnh hơn gần 14 lần so với bom hạt nhân Mỹ trút xuống Hiroshima.
Dù là tên lửa nào thì tầm bắn 1.500km cũng cho phép nó tấn công được thủ đô Tehran, cũng như thành phố Qom và Tabriz của Iran từ vị trí ngoài khơi Syria. Tuy nhiên đây chưa hẳn là vị trí lý tưởng.
Sau 17 năm kể từ thử nghiệm phóng đầu tiên, tầm bắn của loại tên lửa bí ẩn đã được mở rộng để có thể tấn công Tehran và nhiều thành phố của Iran từ một vị trí an toàn hơn.
Ông Mizokami nhận định, với 3 tàu ngầm đang hoạt động, Israel sẽ luôn có 1 tàu ngầm được triển khai trên biển vào bất cứ thời điểm nào – đây là điều cần thiết đối với năng lực răn đe hạt nhân.
Nếu nhiệm vụ chính của tàu ngầm ngày là răn đe hạt nhân thì một nửa không gian chứa vũ khí trên tàu sẽ được phân bổ để mang theo vũ khí hạt nhân. Như vậy, vào bất cứ thời điểm nào, Tehran cũng nằm trong tầm tấn công của tàu ngầm Israel.
Phiên bản thứ hai của tàu ngầm Dolphin, gọi là Dolphin II, đã được đặt hàng giữa những năm 2000. Phiên bản này về cơ bản giống với phiên bản trước, ngoại trừ được sửa đổi để tích hợp hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP), cho phép hoạt động dưới nước lâu hơn các tàu ngầm diesel-điện thông thường.
Theo tờ Der Spiegel (Đức), Dolphin II có thể hoạt động dưới nước 18 ngày. Chúng, cùng với 3 con tàu hiện nay, sẽ giúp Israel đảm bảo có hạm đội 6 tàu ngầm trong tương lai gần.