Lực lượng nào sẽ chiến thắng nếu Nga - Trung - Mỹ cùng xuất quân?

Tuệ Minh |

Với nhiều “điểm nóng” trên thế giới hiện nay như bán đảo Triều Tiên, cuộc nội chiến Syria, cuộc chiến chống khủng bố IS và phiến quân Taliban, nhiều chuyên gia đã nghĩ đến viễn cảnh về Thế chiến thứ III có thể nổ ra bất kỳ lúc nào.

Và nếu như các cường quốc quân sự thế giới như Nga, Hoa Kỳ và Trung Quốc "nhúng tay" vào một cuộc chiến tranh ngay bây giờ thì quốc gia nào có khả năng giành chiến thắng cao nhất? Business Insider đã có bài viết tổng hợp và phân tích những vũ khí quân sự mạnh nhất của ba nước trên theo bốn hạng mục dưới đây:

Máy bay tàng hình

Trong khi Hoa Kỳ hiện dẫn đầu thế giới về công nghệ máy bay tàng hình với chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm duy nhất trên toàn cầu, Nga và Trung Quốc mới chỉ khởi động.

Hiện chỉ có 187 máy bay F-22 và chiến đấu cơ F-35 dự kiến sẽ sớm gia nhập đội hình nhưng lại gặp trục trặc trong giai đoạn thử nghiệm, bao gồm cả vấn đề về mũ bảo hiểm công nghệ cao có khả năng cung cấp thông tin trong tầm mắt của phi công song lại không hoạt động.

Trong khi đó, Trung Quốc đang phát triển chiến đấu cơ tàng hình thứ tư. J-31 ra mắt lần đầu trong triển lãm không quân năm 2014 và là đối thủ hiện đại nhất của Mỹ, và J-20, có thể sẽ đi vào sản xuất hàng loạt trong thời gian tới, được các chuyên gia so sánh là tương đương với F-35 hoặc F-22 của quân đội Mỹ.

Hai thiết kế mới nhất, J-23 và J-25, gần như mới chỉ là sản phẩm của các tin đồn và truyền thông Trung Quốc.

Về phía Nga, Moscow đang nghiên cứu sản xuất một máy bay tàng hình duy nhất nhưng chưa thể so được với F-22. Máy bay T-50 được cho là sẽ đi vào phục vụ trong năm nay.

Còn gọi là PAK FA, mức độ tàng hình của chiến đấu cơ Nga này không bằng F-22 Raptor song lại có phần linh động hơn. F-22 có thể sẽ đột nhập dễ dàng vào Nga trong một cuộc chiến nhưng chiến đấu cơ Mỹ sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng nếu bị phát hiện trước.

Vì vậy, khi các máy bay khác vẫn đang trong quá trình sản xuất và có phần viễn tưởng nhiều hơn thực tế thì rõ ràng F-22 vẫn giành phần thắng. Tuy nhiên, những phi công Raptor chưa thể yên tâm tận hưởng khi biết được rằng nhiều máy bay khác đang trong quá trình sản xuất với nhiệm vụ đầu tiên là tiêu diệt F-22.

Xe tăng

Quân đội Mỹ đã đưa vào chiến trường những chiếc xe tăng M-1 Abrams đầu tiên từ năm 1980. Nhưng từ đó đến nay, loại xe tăng này đã trải qua rất nhiều quá trình cải tiến, bao gồm hệ thống vỏ bọc, hệ thống truyền động và hệ thống vũ khí.

M-1 được trang bị pháo 120 mm, hệ thống điện tử hiện đại, bệ vũ khí điều khiển từ xa và phần vỏ bọc thép được kết hợp thêm uranium, Kevlar và lớp giáp Chobham.

Trong khi đó, Nga đang phát triển xe tăng chủ lực T-14 Armata nhưng ngay tại thời điểm này thì quân đội Nga vẫn phải dựa chủ yếu vào T-90A, được đánh giá là một loại xe tăng tuyệt vời. Loại xe tăng này thậm chí còn "sống sót" sau khi nhận trực tiếp một tên lửa TOW ở chiến trường Syria.

Được đưa vào phục vụ năm 2004, T-90A được trang bị loại pháo 125 mm L/56 2A82-1M, súng máy điều khiển từ xa, hệ thống Phòng thủ Chủ động Afganit gồm hai cơ chế phòng thủ cứng và mềm nhờ radar mảng pha chủ động (AESA) sóng mm tiên tiến. Nhóm tác chiến của T-90A còn có thể khai hỏa các tên lửa chống tăng từ pháo chính.

Giống như Nga, Trung Quốc cũng không có nhiều mẫu xe tăng và đang phát triển một phiên bản mới. Nổi bật nhất là Type 99, được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao dù chưa từng xuất khẩu.

Type 99 sử dụng pháo nòng trơn 125 mm, tương tự như T-90 Nga, và có khả năng phóng tên lửa chống tăng. Song mẫu pháo này không mạnh mẽ so với phiên bản gắn trên chiếc Abrams.

Chiến thắng ở hạng mục này tương đối khó dự đoán, trừ phi cả ba vũ khí chủ lực nói trên cùng xung trận một lúc.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, Hoa Kỳ sở hữu xe tăng có khả năng chiến đấu gần như tốt nhất và cũng có lịch sử huấn luyện binh lính dày dặn hơn, thêm vào đó các lực lượng Mỹ cũng có nhiều kinh nghiệm chiến trường gần đây hơn các đối thủ.

Tàu mặt nước

Với lực lượng Hải quân lớn nhất thế giới, Washington sở hữu tất cả các loại phương tiện nổi mà thế giới có hiện nay.

Dẫn đầu lực lượng này là 10 hàng không mẫu hạm cỡ lớn và 9 tàu đổ bộ trực thăng. Tuy nhiên, các lợi thế công nghệ cùng quy mô của Hải quân Mỹ có thể chưa đủ để vượt qua được các tên lửa của Trung Quốc hay tàu ngầm diesel của Nga nếu như phải chiến đầu trên mặt nước.

Mặc dù Nga vẫn đang phát triển các tên lửa của mình nhưng việc phóng tên lửa hành trình Kalibr vào các mục tiêu mặt đất ở Syria chứng tỏ rằng Moscow đã tìm được cách giúp hạm đội tàu chiến nhỏ bé của mình có thêm vũ khí lợi hại.

Một phiên bản chống hạm khác của tên lửa Nga được cho là có thể vượt qua các hệ thống phòng thủ Phalanx của Mỹ. Nga cũng đã "trình làng" hệ thống tên lửa Club-K, hệ thống tên lửa hành trình chống hạm và tấn công mặt đất có thể được giấu trong các thùng container trên tàu.

Trong khi đó, Trung Quốc đang nỗ lực tạo ra một cuộc cách mạng hải quân ở cả Lực lượng phòng vệ bờ biển và lực lượng Hải quân quân đội nhân dân Trung Quốc với tham vọng sở hữu hạm đội tàu chiến vũ trang hạng nặng và lớn nhất thế giới.

Hải quân Trung Quốc hiện có hàng trăm tàu chiến nổi cùng nhiều tên lửa hiện đại và các loại vũ khí khác cũng như hệ thống cảm biến tiên tiến.

Ở đây, có thể nói, Hải quân Mỹ vẫn chiếm ưu thế trên toàn thế giới nhưng lực lượng này sẽ phải chịu tổn thất lớn nếu như chiến đấu với Trung Quốc hay Nga ở sân nhà của các nước này. Một cuộc xâm chiếm quy mô lớn sẽ thất bại nếu như không có một kế hoạch cẩn trọng.

Tàu ngầm

Hải quân Mỹ hiện có 14 tàu ngầm tên lửa đạn đạo kết hợp với 280 tên lửa hạt nhân, có thể xóa sổ cả một thành phố; 4 tàu ngầm tên lửa dẫn đường trang bị 154 tên lửa hành trình Tomahawk trên mỗi tàu; và 54 tàu ngầm tấn công hạt nhân. Tất cả các tàu ngầm này đều được trang bị công nghệ tiên tiến, vũ khí hạng nặng và tàng hình.

Nga mới chỉ có 60 tàu ngầm nhưng tất cả đều có năng lực và được đánh giá rất cao. Các tàu ngầm hạt nhân của Nga đều ngang tầm với những người "đồng cấp" phương Tây về khả năng tàng hình, trong khi các tàu chạy bằng diesel là một trong những tàu ngầm "yên lặng" nhất thế giới.

Ngoài ra, Moscow cũng đang nghiên cứu các loại vũ khí mới trang bị cho tàu ngầm, bao gồm ngư lôi hạt nhân 100 megaton có khả năng san phẳng một thành phố. Các thủy thủ của Nga không chỉ có năng lực cực kỳ tốt mà còn ngày càng thiện nghệ hơn.

Trong khi đó, Trung Quốc chỉ có 5 tàu ngầm tấn công hạt nhân, 53 tàu ngầm tấn công diesel và 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân, nhưng Bắc Kinh đang sản xuất thêm nhiều hơn nữa. Các tàu ngầm Trung Quốc rất dễ bị phát hiện song Hoa Kỳ và các đồng minh Thái Bình Dương vẫn triển khai các thiết bị thẩm âm phức tạp để theo dấu lực lượng này.

Theo kết luận của các chuyên gia, hạm đội tàu ngầm của Mỹ sẽ giành chiến thắng về cả năng lực phóng tên lửa cũng như chiến đấu "mặt đối mặt", song khoảng cách này không quá lớn. Các sáng tạo của Nga và Trung Quốc cũng như tốc độ phát triển nhanh chóng về lĩnh vực đóng tàu của hai quốc gia này sẽ biến đại dương thành một chiến trường nguy hiểm cho các tàu ngầm của Hoa Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại