Tại vị trí vùng biển Đại Tây Dương bao la gần châu Mỹ, có một dải các hòn đảo với hình dáng xinh xắn, hình bán nguyệt nằm rải rác đây đó. Hòn đảo nằm ở đầu mút phía nam chính là quốc đảo Grenada.
Trong tiếng Tây Ban Nha "Grenada" có nghĩa là thạch lựu bởi nó có hình dáng giống quả thạch lựu. Hòn đảo nhỏ này có diện tích 344 km², do đảo lớn Grenada và đảo nhỏ Garriacou, Vincent ở phía bắc hợp thành, dân số khoảng 115.000 người, 80% là người da đen.
Ngày 25 tháng 10 năm 1983, quân đội Mỹ huy động lực lượng phản ứng nhanh tấn công vũ trang vào Grenada. Sau ba ngày chiếm được thủ đô Saint George của Grenada, sau 8 ngày kết thúc cuộc chiến, lật đổ chính phủ non trẻ mới ra đời sau đảo chính tại đây.
"Đảo thạch lựu" gặp nạn
Đảo Grenada là cánh cửa thông từ biển Caribbe ra Đại Tây Dương, khống chế tuyến đường biển từ miền nam Châu Phi, Nam Mỹ tới kênh đào Panama và đến Mỹ, có vị trí chiến lược rất quan trọng. Đây chính là nguyên nhân để Grenada nổi tiếng hơn các quốc gia láng giềng.
Ngày 7 tháng 2 năm 1974, Grenada tuyên bố độc lập, trở thành thành viên của cộng đồng Caribbe.
Tháng 3 năm 1979, cơn bão táp đảo chính nổi lên. Nhà lãnh đạo tổ chức "phong trào New Jewel" Maurice Bishop phát động cuộc đảo chính vũ trang, lật đổ chính quyền thân phương Tây của Eric Gairy.
Tiếp đó, được sự viện trợ kinh tế - quân sự của Liên Xô và Cu Ba, Grenada đã thành lập quân đội cách mạng nhân dân, xây dựng lực lượng dân quân. Cu Ba đã cử lính công binh và công trình sư xây dựng tại mũi Salines của đảo lớn một sân bay quốc tế hiện đại cỡ lớn.
Sau khi lên cầm quyền, Maurice Bishop lúc thì nghiêng hẳn về phía Liên Xô và Cu Ba đồng thời gây ảnh hưởng tới các nước xung quanh, lúc thì lại ôn hoà, cải thiện quan hệ với Mỹ, với ý đồ cùng lúc quan hệ chặt chẽ với Liên Xô và Cu Ba, đồng thời phát triển hợp tác kinh tế với phương Tây.
Chính sách này khiến các nước xung quanh không hài lòng, lại vừa bị Mỹ phản ứng. Thỉnh thoảng phía Grenada lại gây ra một số vụ việc (như hoạt động khủng bố) khiến nước Mỹ rất khó chịu.
Tổng thống Reagan nhiều lần tuyên bố. "Nước Mỹ chuẩn bị mọi biện pháp cần thiết để dạy dỗ Genada."
Ngày 13 tháng 10 năm 1983 tư lệnh quân đội Hudson Austin và người trợ thủ là phó Thủ tướng Bernard Coard cầm đầu cuộc đảo chính, bí mật xử tử Tổng thống Maunice Bishop. Một tuần sau giới quân đội tiếp quản chính quyền, thành lập uỷ ban cách mạng do Hudson Austin đứng đầu đồng thời giảm lỏng tổng đốc Paul Scoon.
Một số nước Caribbe e ngại trước những diễn biến tại Grenada, yêu cầu Mỹ can thiệp quân sự vào Grenada. Thực ra, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã chờ cơ hội này từ lâu. Ngay từ khi Cu Ba cho lính công binh giúp Grenada xây dựng sân bay, Mỹ không ngừng sử dụng vệ tinh trinh sát theo dõi tiến độ thi công sân bay và các công trình quân sự khác.
Gián điệp của CIA, quân đội đã sử dụng nhiều biện pháp thu thập tin tức về địa hình và tình hình chính trị tại đây. Ngay sau khi đảo chính xảy ra, Mỹ bắt đầu nghiên cứu đối sách, từ đó đến khi đề ra kế hoạch cụ thể, ra mệnh lệnh chỉ trong vòng chưa đầy 5 ngày.
Ngoài ưu thế lực lượng quân sự áp đảo, nhằm bảo đảm thông tin giữa lực lượng tham chiến và giới quân sự chóp bu, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, các trung tâm chỉ huy tác chiến trên toàn quốc, Mỹ đã sử dụng 10 quả vệ tinh thông tin và trạm thông tin chuyển tiếp tại Puerto Rico.
Trong hầm ngầm tác chiến tại Bộ Quốc phòng, nhân viên tham mưu cao cấp Bộ Quốc phòng đang giới thiệu về tình hình quân sự của Grenada cho các quan chức cao cấp nghe:
"Tổng quân số của Grenada hơn 1.000 người, biên chế thành hai tiểu đoàn bộ binh và một đại đội sơn pháo, một đại đội pháo cao xạ. Quân đội Grenada không có không quân, hải quân, không có xe tăng, chỉ có một số ít xe bọc thép, trang bị chủ yếu là vũ khí hạng nhẹ của Liên Xô, sức chiến đấu khá tồi".
"Grenada tuy địa hình phắc tạp nhưng lại thiếu sự chuẩn bị chiến đấu, phòng thủ mỏng. Lực lượng quân sự chủ yếu tổ chức theo biên chế trong đại đội, đóng quân tại một số khu vực quan trọng. Quân chủ lực được bố trí xung quanh thủ đô St. George’s và khu vực bờ biển phía tây nam đảo lớn Grenada. Sở chỉ huy đặt tại Fredricz gần kề thủ đô".
"Grenada có 7 kho vũ khí đạn dược, số vũ khí dự trữ chỉ đủ để trang bị cho vài ngàn người. Ngoài ra Grenada có khoảng 2.000 dân quân. Bố trí phân tán ở vùng bờ biển phía bắc".
Sân bay quốc tế Point Salines, Grenada. Ảnh: Wiki
"Để xây dựng sân bay, phía Cu Ba đã cử đến đây một tiểu đoàn công binh khoảng 700 người, bao gồm hơn 100 chuyên gia, cố vấn. Người chỉ huy là thượng tá Thelo. Lực lượng này chủ yếu được bố trí tại sân bay Salines và doanh trại gần đó cùng với một số cứ điểm dọc theo tuyến đường từ sân bay tới thủ đô".
Grenada có hai sân bay. Sân bay Pearl ở phía đông bắc là sân bay dân dụng phục vụ nhu cầu thương mại buôn bán; sân bay quân sự lớn Salines tập trung tại đây. Quân Mỹ chọn hai sân bay này làm điểm đột kích đầu tiên, lấy Salines làm trọng điểm. Những binh sĩ Cu Ba này được huấn luyện chính quy, trang bị pháo cao xạ tầm thấp và các vũ khí hạng nhẹ.
Sau khi nghiên cứu tình hình, trong đầu bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ hiện lên đối tượng được chọn – đó chính là đội đặc nhiệm "Báo biển" của hải quân và lực lượng đặc nhiệm lục quân và không quân. Đây là những lực lượng đặc biệt tinh nhuệ là lưỡi kiếm sắc và quả đấm thép của quân đội Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lập tức gọi điện cho trung tướng Metcalv tư lệnh hạm đội 2 hải quân. Theo lệnh của bộ trưởng, trung tướng Metcalv lệnh cho thiếu tá John Gurdin, giáo viên của tiểu đoàn 8 thủy quân lục chiến, phải lập tức cùng đội đặc nhiệm "Báo biển" cơ động đến khu vực Caribbe, thực hiện kế hoạch do chính tổng thống ký lệnh mang tên "Nổi giận."
Cơn giận của báo biển
Sau khi nhận được mệnh lệnh, thiếu tá Gurdin cảm thấy khá phấn chấn, giờ đây anh ta đã có thể đi khỏi doanh trại của tiểu đoàn 8 thủy quân lục chiến vừa bị bọn khủng bố tập kích khi đang làm nhiệm vụ giữ gìn hoà bình tại Libăng.
Khi được biết nơi sẽ đến là Grenada, một đất nước quân đội yếu, vũ khí trang bị kém, anh ta cảm thấy dường như chú Sam hùng mạnh lại đang muốn đi ăn hiếp một thiếu nữ vị thành niên.
Trong khi họ được trang bị những loại vũ khí hiện đại, tinh vi, có khả năng phản ứng nhanh và hiệu quả, có khả năng cơ động lực lượng tấn công vào bất cứ mục tiêu nào – trên phạm vi toàn cầu. Vậy mà đối thủ của họ là những ai chứ? Thiếu tá Gurdin thở dài. Một đối thủ được huấn luyện kém, trang bị vũ khí lạc hậu, tình hình chính trị xã hội rối ren, hỗn loạn…
Một đội "Báo biển" nổi danh lại đi tấn công một quốc gia nhỏ yếu đến vậy, Gurdin cảm thấy như phải tham dự vào một hành động lén lút vụng trộm nào đó.
Dưới danh nghĩa tham dự vào cuộc "diễn tập phối hợp" của lực lượng cảnh sát đa quốc gia vùng Caribe lực lượng "Báo biển" được đưa đến căn cứ tại Bacbados.
Trong chiến dịch này, mũi chủ công 1.500 quân gồm lực lượng đặc nhiệm "Báo biển" và lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đi trên 5 chiến tàu chiến lưỡng thê, trong đó có chiếc tàu tấn công "Quan Đảo" có lượng giãn nước 18.300 tấn kèm theo 30 chiếc trực thăng trên tàu.
Lực lượng đổ bộ không quân là 5000 quân của sư đoàn 28 đổ bộ đường không, 700 lính biệt kích của hai tiểu đoàn của trung đoàn biệt động số 75 của lực lượng đặc nhiệm lục quân. Máy bay làm nhiệm vụ yểm trợ phi đội 22 của tàu sân bay USS Independence.
Tổng cộng lực lượng tham gia gồm tàu sân bay USS Independence, 5 tàu chiến và 15 tàu các loại khác, tổng cộng lượng giãn nước là hơn 120.000 tấn. Nếu ghép những chiếc tàu này với nhau diện tích mặt bằng sẽ tương đương với diện tích thủ đô St.George của Grenada.
Máy bay VA-87 A-7E cất cánh từ tàu USS Independence, bay qua sân bay Salines. Ảnh: U.S. Navy
Ngày 25 tháng 10, tại Grenada đang là lúc sáng sớm, tất cả vẫn như ngày thường. Đỉnh núi Saint Cathrine đang phơi mình trong ánh nắng ban mai, tất cả như đang chìm vào trong bầu không khí yên bình, tĩnh lặng. Nhưng chính sự tĩnh lặng đó đang âm ỉ một hiểm hoạ trực bùng nổ. Lực lượng tác chiến Mỹ được chia làm hai thê đội.
Thê đội đột kích, ngoài lực lượng của "Báo biển" còn có lực lượng thủy quân lục chiến và một số tàu chiến. Nhiệm vụ của lực lượng này là phong tỏa mặt biển, tấn công chiến lĩnh hai sân bay trên đảo lớn, cắt đứt mối liên lạc của đảo Grenada với bên ngoài.
Thê đội hai là một lữ của sư đoàn dù 82, có nhiệm vụ hợp đồng tác chiến trên đảo, đánh chiếm các cứ điểm quan trọng và thủ đô St.George, hoàn thành đánh chiếm kiểm soát toàn bộ đảo.
Lúc 5 giờ sáng ngày 25, 400 lính hải quân lên máy bay trực thăng UI-74 nhanh chóng xuất phát nhằm hướng đảo "Pearl."
Gurdin luôn ghi nhớ câu nói của tổng thống Eisenhower "Khởi nguồn của thể chất là huấn luyện thể chất, lòng tin, ý chí, phân phối và chỉ huy điêu luyện." Trên nguyên tắc này, Gurdin căn cứ vào phương thức tác chiến đã định, sử dụng các cuộc tấn công chớp nhoáng "phẫu thuật ngoại khoa", thực hiện đổ bộ chớp nhoáng nhằm đạt được ý đồ chiến lược.
Binh lính Grenada bàng hoàng trước cuộc tấn công bất ngờ của quân đội Mỹ, họ không kịp phản ứng thậm chí không xác định được kẻ thù là ai. Lính cảnh giới thì nổ súng lên trời, số lính đang ngủ bị đánh thức thì vội vã tháo chạy.
Gurdin dẫn đầu đám lính họ quét sạch lực lượng phòng ngự và vật cản trên đường dẫn tới đài chỉ huy của sân bay, tiếp đó chiếm lấy địa điểm này. Họ tiếp tục đánh chiếm một cứ điểm tại đường ra của sân bay, bố trí lực lượng tại đó nhằm ngăn chặn quân cứu viện.
Thực ra hành động này của Gurdin là thừa. Trận địa phòng thủ của quân Grenada không có chiều sâu cần thiết, lại không có binh lực cơ động, cơ bản không có khả năng chi viện ứng cứu. Đợi đến khi nhận được ra điều này, quân của Gurdin cũng đã mệt nhoài. Gurdin bực bội nổi nóng: "Mất cả hứng! Kiểu lấy thịt đè người này thật chán ngắt, cứ như là đi tập trận vậy!"
Cùng với các cuộc không kích vào sân bay "Pearl", lực lượng không quân tăng cường chi viện đường không, hai tiểu đoàn đầu tiên với đầy đủ trang bị đi trên 28 chiếc C-130 và 6 chiếc C-5A cất cánh từ một sân bay tập kết tại Baebados, nhằm hướng sân bay Salines đang xây dựng tại mũi tây bắc của đảo Grenada bắt đầu đổ bộ.
Thế nhưng, tại Salines lực lượng lính dù vẫn vấp phải sự chống trả ngoan cường của binh lính người Cu Ba. Những chiến sĩ của chủ nghĩa quốc tế Castro hoàn toàn không phải là đạo quân ô hợp hễ đánh là tan.
Bọn họ tuy là lính công binh nhưng khá thiện chiến, không những vậy rõ ràng họ đã được nghiên cứu về chiến thuật của Mỹ, hoả lực mặt đất nhằm bắn mãnh liệt vào máy bay, chiếc C-130 thực hành, đổ bộ xong, những chiếc khác bắt buộc phải chuyển hướng bay tản ra.
Dựa vào hỏa lực mãnh liệt của chiếc máy bay C-130, những chiếc sau tránh khỏi được lưới lửa phòng không, chúng vội vã quay vòng trở lại vị trí đổ bộ trong khoảng không.
Chiếc C-130 sau khi bay một vòng quanh khu vực sân bay, bỗng nhiên nhằm thẳng vào lưới lửa phòng không lao xuống. Lúc đầu người Cu Ba tưởng máy bay đã trúng đạn nhưng khi nhìn lại thì những nòng súng dưới bụng máy bay bắn toé lên những chùm hoa cà hoa cải, lửa khói ngùn ngụt.
Người Cu Ba tự hỏi, có lẽ nào người Mỹ lại có thể liều lĩnh như vậy, dám tiến hành những đường bay liều mạng không khác gì tự sát? Cùng lúc này, chiếc C-130 từ độ cao 2.000 mét rất nhanh hạ xuống độ cao 1.000, 800, 500, 200 mét…
Đến lúc này lực lượng bảo vệ sân bay dường như mới chợt tỉnh, thì ra quân Mỹ đang thực hiện nhảy dù khẩn cấp. Khi còn xuống đến độ cao 150 mét, lực lượng dù lao xuống. Lúc này họ không phải là đang "nhảy dù" nữa mà là "nhảy lầu", đây là kỷ lục nhảy dù từ độ cao thấp nhất của quân đội Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới lần hai.
Lính dù đang lơ lửng trên không đã vấp phải làn hoả lực bắn từ dưới lên, không ít cánh dù bị đạn bắn thủng nhưng tất cả không có ai bị thương, toàn bộ tiếp đất an toàn. Lúc này lực lượng hai bên trở nện chênh lệch. Binh lính Cu Ba vội vã rút lui.
Sau khi sân bay "Pearl" bị lực lượng "Báo biển" chiếm lĩnh, lực lượng tiếp ứng 800 người cũng tiếp đất, chiếm lĩnh những khu vực quan trọng quanh sân bay. Nhằm phối hợp với cánh quân tấn công từ hướng nam, đội "Báo biển" trên tàu từ phía bắc Grenada vòng sang bờ biển phía tây đến vùng biển gần vịnh Grand Mai. Vị trí này chỉ cách thủ đô St.George khoảng 1 km.
Lúc 7 giờ 30, từ trên tàu đổ bộ 250 lính thủy quân lục chiến, 5 chiếc xe tăng M – 60, 13 xe bọc thép lội nước và một số xe hậu cần bắt đầu tấn công đổ bộ, rất nhanh họ đã chiếm được trận địa xuất phát xung phong, tiếp đó dốc toàn lực tiến vào phủ tổng đốc cách Salines 1,5 km về phía bắc.
Cùng lúc này, sau khi quay về từ sân bay "Pearl" các lính thuộc "Báo biển" dưới sự chỉ huy của thiếu tá Gurdin nhằm thẳng hướng thủ đô St.George tiến tới.
Sau khi đổ bộ, lực lượng "Báo biển" được chia thành 11 tổ theo hai mũi tiến công. Vào lúc giữa trưa. họ đã đến được cánh rừng ngoại ô thủ đô. Lúc này một sai sót khó tránh đã xảy ra.
Khi chuẩn bị tấn công, do khâu chuẩn bị gấp gáp, họ không có bản đồ toạ độ của Grenada. Thẳng tay của Gurdin lúc này chỉ có tấm bản đồ du lịch, đành phải dựa vào đó để xác định phương hướng.
"Đi qua đài phát thanh 1.800m, tìm thấy toà nhà tầng ở phía nam. Đúng rồi, chính là toà nhà đó." Trước mặt họ xuất hiện toà nhà màu trắng đục, trên tầng thượng lô xô những dàn ăng ten. "Tấn công!" người đội trưởng ra lệnh.
Khi thấy đám lính trong sắc phục rằn ri, mặt bôi vẽ loang lổ ào đến, binh lính và dân thường chạy tán loạn.
Đội "Báo biển" gần như không gặp bất cứ sự chống trả nào hết và nhanh chóng chiếm được toà nhà. Nhưng sau đó họ đã té ngửa thất vọng – không có dấu hiệu nào cho thấy đây là một đài phát thanh mà chỉ đơn thuần là một khu chung cư. Lính đặc nhiệm lại vội vàng rút ra.
Khi ra tới bên ngoài, họ bất ngờ vấp phải làn hỏa lực của một tốp lính bắn tới, hai lính đặc nhiệm dính đạn bị thương nặng. Cũng lúc này, lực lượng Mỹ thực hiện đợt đổ bộ đường không tiếp theo, điều này làm phân tán bớt hoả lực nhằm vào đội "Báo biển." Tranh thủ cơ hội này, lực lượng đặc nhiệm nhanh chóng chiếm lĩnh được đài phát thanh.
(Còn tiếp)
(Trích cuốn "Những lực lượng đặc nhiệm thế giới" - Nhà xuất bản Công an Nhân dân năm 2003)