Luật gây tranh cãi
Sau khi nhận hàng loạt đơn khiếu nại về việc chó cắn trẻ em, các quan chức ở huyện Weixin, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cho hay họ sẽ cấm việc dắt chó đi dạo và sẽ quản lí theo hệ thống 3 lần phạt.
Theo đó, những người vi phạm luật cấm dắt chó đi dạo lần đầu sẽ bị cảnh cáo. Nếu bị bắt lần thứ 2, họ sẽ bị phạt tiền. Tới lần thứ 3, chó sẽ bị tịch thu và tiêu hủy dù có gây ra mối nguy hiểm với người xung quanh hay không. Luật này sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 20/11.
Theo thông báo từ ngày 13/11 bởi hội đồng huyện Weixin, hình phạt này là một phần trong nỗ lực "kiểm soát việc sở hữu chó thiếu văn minh ở khu đô thị".
"Người dân phải giữ chó trong chuồng hoặc xích chó lại. Chó không nên gây rối trật tự xã hội hoặc cản trở cuộc sống hàng ngày của người khác".
Khi thông tin này được đăng tải trên các mạng xã hội Trung Quốc, hàng loạt cuộc tranh cãi đã nổ ra, khiến những người yêu động vật nổi giận, thu hút hàng nghìn bình luận và hơn 100 triệu lượt xem trên trang Weibo.
Nhiều người cho rằng luật mới là tàn nhẫn và quá hà khắc.
"Tại sao họ lại tiêu hủy chó? Chó làm gì sai cơ chứ?" - một người dùng có tên Xuanji Yuheng Abilene viết. Cô cho biết mình ủng hộ phạt nghiêm khắc những người chủ vô trách nhiệm, nhưng phản đối việc không cho chó đi dạo ở ngoài trời.
Một số người khác cho rằng việc đề ra luật như luôn giữ dây xích hoặc dắt thú cưng đi theo có hiệu quả và hợp lí hơn.
"Còn đây là cách không khoa học và lười nhác để xử lí vấn đề," một người khác viết.
Một số ít người ủng hộ luật mới, họ cho rằng xã hội nhiều khi đặt quyền động vật lên trên quyền con người.
Các hạn chế trước đây
Hiện tại, Trung Quốc có khoảng 5,5 triệu chó được nuôi làm thú cưng. Những nhà vận động cho quyền động vật cho rằng việc sợ và bài trừ chó có thể xuất phát từ những người chủ thờ ơ với việc quản lí thú cưng của mình. Nhiều người đã bị thương và thậm chí tử vong do chó cắn và cào. Hàng năm có hàng trăm người Trung Quốc thiệt mạng do bệnh dại từ chó.
Các hạn chế về nuôi chó đã xuất hiện ở Trung Quốc từ nhiều năm trước.
Hồi những năm 1940, tiếng chó sủa đã làm lộ hoạt động của một số lính Trung Quốc trong giai đoạn kháng chiến chống phát xít Nhật vào giai đoạn Thế Chiến 2. Trong nhiều thập kỉ, chó bị coi là dư thừa và gây lãng phí tài nguyên.
Chó đã bị cấm ở Bắc Kinh trong những năm 1980. Lệnh cấm đã được dần nới lỏng sau cải cách kinh tế của Trung Quốc, và việc sở hữu thú cưng dần trở nên phổ biến trong tầng lớp trung lưu khi kinh tế phát triển hơn.
Nhiều người bắt đầu có sở thích nuôi các giống chó quý hiếm và đưa chúng ra nơi công cộng.
Chính quyền địa phương đã đặt ra nhiều luật định để quản lí việc nuôi thú cưng. Nhiều thành phố lớn đã hạn chế việc sở hữu chó, bao gồm luật về kích thước, chủng loại và thời gian có thể đi dạo bên ngoài. Tại Bắc Kinh, chó cao hơn 35cm bị cấm.
Hồi năm 2014, tờ Nhân dân Nhật báo còn cho rằng chó là một "thú vui phóng túng" được nhập khẩu từ phương Tây và gây hại cho "bình yên xã hội" trong khi chất thải từ chó giống như "mìn" ở trên đường phố.
Weixin không phải là huyện duy nhất cấm dắt chó đi dạo hoặc có hạn chế đối với việc sở hữu chó. Thành phố Hàng Châu của Trung Quốc cũng đặt ra luật cấm dắt chó đi dạo vào ban ngày. Chó kích thước lớn đều bị cấm ở Bắc Kinh và Thượng Hải.
Mặc cho sự phản đối từ mạng xã hội, đại diện chính quyền của Weixin vẫn xác nhận luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 20/11. Hiện tại, họ đã bắt đầu đếm chó ở các hộ gia đình.