Luật an ninh Hồng Kông: Chính phủ Trung Quốc hé mở gợi ý hấp dẫn về tương lai "Một quốc gia, hai chế độ"

Hải Võ |

Phó chủ nhiệm Văn phòng Macau-Hồng Kông (HMO) thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Hiểu Minh nhấn mạnh Bắc Kinh "không nhân nhượng với sự thách thức thẩm quyền trung ương".

Hé mở khả năng gia hạn "Một quốc gia, hai chế độ" sau 2047

Theo ông Trương, đạo luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông sẽ trao cho đặc khu cơ hội để loại bỏ "các thế lực phá hoại" đang đe dọa nền quản trị thành phố - bao gồm các hành động kêu gọi độc lập hay thông đồng với nước ngoài.

Quan chức này nêu, việc xử lý quyết liệt đối với các lực lượng kể trên sẽ bảo vệ và mở rộng không gian để đạt được nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ" tại Hồng Kông, từ đó bảo đảm Quốc hội Trung Quốc (NPC) sẽ ủng hộ tiếp tục duy trì mô hình quản trị này vào sau khi nó hết hạn vào năm 2047, căn cứ theo Tuyên bố chung Anh-Trung Quốc về trao trả Hồng Kông năm 1997.

"Nhiều người ở Hồng Kông đã và đang nghĩ về tương lai của 'Một quốc gia, hai chế độ' sau năm 2047, nhưng chúng ta cũng cần nghĩ về điều này: Hồng Kông sẽ mang lại dấu ấn như thế nào để có được sự ủy thác mới từ Quốc hội cũng như người dân Trung Quốc mà nó đại diện vào thời điểm đó," ông Trương nói ngày 8/6 trong hội thảo trực tuyến kỷ niệm 30 năm ngày ban hành Luật cơ bản của Hồng Kông.

Điều 5 của Luật cơ bản, có hiệu lực từ ngày 1/7/1997, quy định thể chế quản trị hiện hành của Hồng Kông được duy trì trong 50 năm (1997-2047).

Phát ngôn của ông Trương Hiểu Minh đến nay là lý giải toàn diện nhất từ quan chức cấp cao trong chính phủ Trung Quốc về sự cần thiết của đạo luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông. Ông xác định các vấn đề của Hồng Kông tại thời điểm này.

Vấn đề chủ yếu của Hồng Kông không phải là kinh tế, cư trú, công ăn việc làm,... Đó là vấn đề về chính trị, mà biểu hiện then chốt là câu hỏi cơ bản rằng chúng ta muốn xây dựng một Hồng Kông như thế nào.

Ông Trương Hiểu Minh - Phó chủ nhiệm Văn phòng Hồng Kông-Macau, Quốc vụ viện Trung Quốc

Phó chủ nhiệm HMO nói rằng trong khi Bắc Kinh muốn tạo dựng thành phố với thể chế "Một quốc gia, hai chế độ", thì phe đối lập tìm cách biến Hồng Kông thành một thực thể chính trị độc lập hay bán độc lập.

Bắc Kinh nhấn mạnh quyết tâm không nhân nhượng

Phát biểu của Trương Hiểu Minh được quảng bá rộng rãi trên Facebook lẫn website của chính quyền Hồng Kông, là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn phổ biến thông điệp của mình đến người dân Hồng Kông, giữa bối cảnh nước này xúc tiến ban hành đạo luật an ninh quốc gia tại đây.

Hôm 28/5, NPC đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết ủy quyền cho Ban thường vụ của họ soạn thảo chi tiết bộ luật.

Ông Trương nhấn mạnh, kế hoạch ban hành luật an ninh phù hợp với niềm tin của cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, rằng nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ" cho phép chính phủ trung ương can thiệp nếu "các thế lực phá hoại" đe dọa thành phố.

"Vào năm 1987, khi Đặng gặp các đại biểu Hồng Kông, ông nói rằng chính phủ trung ương không can thiệp vào sự vụ của Hồng Kông,... nhưng phải hành động khi có hỗn loạn xảy ra."

Luật an ninh Hồng Kông: Chính phủ Trung Quốc hé mở gợi ý hấp dẫn về tương lai Một quốc gia, hai chế độ - Ảnh 2.

(Ảnh: May Tse/SMCP)

Ông Trương nhấn mạnh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 7/2017 "nói rằng sẽ không nhân nhượng với thách thức nào nhằm vào thẩm quyền của chính phủ trung ương".

Đề cập các cuộc biểu tình và bạo lực lan rộng trong năm ngoái ở Hồng Kông, ông Trương Hiểu Minh nói có nhiều vụ phạm tội mang các yếu tố của chủ nghĩa khủng bố. Ông cũng thừa nhận - ở mức độ nào đó - với ngụ ý rằng phe đối lập ở Hồng Kông đã buộc chính phủ phải ra tay khi có mưu đồ cản trở đạo luật an ninh được thông qua ở cấp địa phương.

Đạo luật an ninh dự kiến sẽ được thông qua vào cuối tháng này, khi Ban thường vụ NPC nhóm họp.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại