Ukraine đã chuẩn bị khoảng 10 lữ đoàn lục quân, tấn công đường không, thủy quân lục chiến và vệ binh quốc gia đặc biệt cho cuộc phản công mùa hè . Trong số này, ít nhất 9 lữ đoàn được các nước NATO hỗ trợ, trang bị phương tiện bọc thép do phương Tây sản xuất và huấn luyện theo tiêu chuẩn NATO tại các cơ sở của liên minh.
10 tuần sau khi phát động cuộc phản công, các bộ tư lệnh khu vực của Ukraine đã bàn giao gần như tất cả các lữ đoàn. Việc Ukraine duy trì được bước tiến chậm chạp trong bao lâu có thể phụ thuộc vào việc Kiev còn có bao nhiêu lữ đoàn chưa tung vào trận.
Binh sỹ Ukraine khai hỏa vào vị trí của Nga bên ngoài Bakhmut. Ảnh: AFP
5 lữ đoàn vẫn chưa tham chiến
Có vẻ như Kiev còn 5 lữ đoàn và một số tiểu đoàn độc lập chưa tham chiến trong cuộc phản công mà Ukraine phát động từ đầu tháng 6. 2 trong số 5 lữ đoàn này là các đơn vị bảo vệ quốc gia hoặc lãnh thổ.
Lữ đoàn cơ giới hóa 44 hiện đang huấn luyện ở Ba Lan về các phương tiện chiến đấu Wolverine do Warsaw sản xuất và có thể đã triển khai ít nhất một tiểu đoàn tới Đông Bắc Ukraine.
Trong số 3 lữ đoàn khác hiện chưa vào cuộc, Lữ đoàn 61 có thể là lực lượng sẵn sàng nhất. Lữ đoàn 61 được thành lập năm 2015 sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga và xung đột bùng phát ở khu vực Donbass. Ukraine khi đó đã gấp rút thành lập các lữ đoàn mới và trang bị cho họ các loại vũ khí Liên Xô.
Lữ đoàn ban đầu là một đội hình bộ binh hạng nhẹ dự bị nhưng sau đó dần dần được trang bị hạng nặng hơn. Gần đây nhất, lữ đoàn này được trang bị các bệ phóng tên lửa mạnh mẽ do CH Séc sản xuất. Kiev chắc chắn sẽ không để một lữ đoàn được trang bị những vũ khí như vậy đứng ngoài cuộc.
Để thành lập Lữ đoàn 61, Bộ tổng tham mưu Ukraine đã điều chuyển lại 3 tiểu đoàn bộ binh thuộc lực lượng phòng thủ lãnh thổ, gần tương đương với Lực lượng Vệ binh Quốc gia của Lục quân Mỹ. Lữ đoàn này ban đầu thuộc lực lượng dự bị và đóng quân ở Chernihiv, ngay phía Bắc Kiev.
Khi đó, điều này không có gì đáng chú ý. Nhưng về sau, Lữ đoàn 61 đã được trang bị hạng nặng hơn và đến năm 2019 chuyển từ lực lượng dự bị sang quân đội tại ngũ và chuyển trụ sở chính đến Zhytomyr ở miền Bắc Ukraine, đồng thời đổi tên thành Lữ đoàn Jaeger 61.
Lữ đoàn 61 được trang bị pháo phản lực RM-70. Ảnh: Lữ đoàn 61
Lữ đoàn Jaeger sau này được biết đến là đội hình sơn cước với các phương tiện hạng nhẹ và được huấn luyện đặc biệt cho các hoạt động trên địa hình gồ ghề. Lữ đoàn được trang bị xe trinh sát BRM-1 của Liên Xô - một phiên bản của xe chiến đấu bộ binh BMP-1 nặng 15 tấn nhưng có thêm thiết bị liên lạc cho 11 người bao gồm cả kíp lái.
Sẵn sàng chờ lệnh tham chiến
Lữ đoàn Jaeger 61 đã chiến đấu ở mặt trận phía Nam trong cuộc phản công mùa thu năm 2022 của Ukraine. Trong khi các lữ đoàn cơ giới hạng nặng hơn đã khiến Nga phải rút khỏi vùng Kharkiv ở Đông Bắc Ukraine, các lữ đoàn hạng nhẹ trong đó có Lữ đoàn 61 đã tiến về phía khu vực Kherson do Nga kiểm soát ở cửa sông Dnipro phía Nam Ukraine.
Sau khi Kherson được giải phóng, Lữ đoàn 61 tái triển khai về phía Đông, tới Donbass. Khi triển khai về khu vực này, Lữ đoàn 61 có vẻ như đã được chuyển đổi thành một lữ đoàn cơ giới. Trong khi vẫn giữ những chiếc BRM-1 hạng nhẹ, lữ đoàn này cũng đã nhận được các hệ thống pháo phản lực RM-70 từ Cộng hòa Séc.
Hệ thống RM-70 gồm một xe tải hạng nặng 37 tấn với bệ phóng 40 ống phóng rocket 122mm có tầm bắn tới 50km. Ưu điểm chính của RM-70 so với pháo phản lực phóng loạt BM-21 nhỏ hơn là nó mang theo một pallet thứ hai gồm 40 tên lửa để nạp đạn nhanh.
Lữ đoàn 61 là một đơn vị có kinh nghiệm với trang bị đáng tin cậy và hỏa lực tầm xa dồi dào. Tuy nhiên, hiện không rõ lữ đoàn này đang được triển khai ở đâu. Hai bản thông cáo gần đây nhất của lữ đoàn đã mô tả cuộc huấn luyện bắn đạn thật ở một địa điểm không được tiết lộ và có lẽ nằm xa đường tiếp xúc. Một trong hai bản thông cáo đề tháng 4 và bản còn lại đề tháng 6.
Với việc Lữ đoàn 115 có thể đang tạm nghỉ và Lữ đoàn 44 bắt đầu triển khai các đơn vị sau các khóa huấn luyện của họ ở Ba Lan, có thể Lữ đoàn 61 sẽ là lực lượng vị tiếp theo tham gia cuộc phản công của Ukraine.