Lòng tự hào của Hải quân Mỹ sẽ sụp đổ nếu sát thủ diệt tàu sân bay Nga khai hỏa?

Bảo Lam |

Trong trường hợp xung đột quân sự với Nga, Hải quân Mỹ có thể vấp phải sự phản kháng khốc liệt và Nga có những sát thủ diệt tàu sân bay khủng khiếp khiến nhiều đô đốc Mỹ lo sợ.

Đó là kết luận của chuyên gia phân tích tạp chí Strategic Culture, Alex Gorka, khi nghiên cứu về khả năng của những tên lửa trang bị cho các máy bay của Nga.

Tên lửa Kh-22 "Burya" và đàn em của nó

Loại tên lửa trang bị cho các máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 này được ông Gorka liệt kê vào lớp "các sát thủ diệt tàu sân bay". Mỗi chiếc Tu-22M3 có khả năng mang được 3 quả tên lửa – một quả trong thân và hai quả treo bên ngoài.

Với tầm bắn lên tới 600km, nó có khả năng "tạo" một lỗ thủng kích thước 5x5m trên tàu sân bay, còn sóng xung kích của nó sẽ thiêu rụi tất cả những thứ bên trong ở độ sâu lên tới 12m. Những hư hỏng này có thể "cướp đi sinh mạng" của bất cứ tàu chiến mặt nước nào.

Cấu hình của "Burya" khá ấn tượng. Phần đầu đạn thông thường của nó có đương lượng nổ tương đương gần 1 tấn, nhưng với phiên bản nâng cấp đặc biệt, sức công phá từ 350-1.000kT. Chiều dài 12m. Khối lượng khi phóng – gần 6 tấn.

Hệ thống dẫn hướng tích hợp với hệ thống điều khiển quán tính và đầu tự dẫn hướng vô tuyến thụ động. Tốc độ bay 3500km/h, và khi tiếp cận mục tiêu sẽ tăng lên 4.000km/h.

Mặc dù vậy, loại tên lửa này có nhiều hạn chế, đó là được phát triển từ những năm 1950, đến nay công nghệ đã có nhiều lạc hậu. Nếu chỉ bắn từng quả đơn lẻ thì chưa chắc chúng đã vượt qua được hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương, nhất trong điều kiện bị gây nhiễu mạnh, thứ mà hiện giờ không thể thiếu trên bất cứ khí tài quân sự công nghệ cao nào.

Để có thể xuyên thủng được hệ thống phòng thủ tên lửa của các biên đội tàu sân bay, Nga sẽ phải sử dụng phương thức tấn công ồ ạt bằng nhiều tên lửa Kh-22 cùng lúc.

Vào năm ngoái, phiên bản nâng cấp sâu của quả tên lửa này (Kh-22) với mã số Kh-32 đã được bàn giao cho quân đội Nga. Người ta chỉ giữ lại những chỉ số về trọng lượng và kích thước của phiên bản cơ sở. "Lõi" của quả tên lửa được thay đổi gần như toàn bộ. Động cơ tiết kiệm hơn và công suất lớn hơn, cho phép nâng tầm bắn của quả tên lửa này lên tới 1.000km.

Lòng tự hào của Hải quân Mỹ sẽ sụp đổ nếu sát thủ diệt tàu sân bay Nga khai hỏa? - Ảnh 1.

Mỗi chiếc Tu-22M3 có khả năng mang được 3 quả tên lửa Kh-32.

 Tốc độ bứt tốc có thể đạt tới 4.000km/h, tốc độ nước rút khi tiếp cận mục tiêu – lên tới 5.400km/h. Trần bay của quả tên lửa này là 40km, từ độ cao đó nó sẽ bổ thẳng xuống mục tiêu với một góc tấn lớn.

Nhờ việc ứng dụng những công nghệ tác chiến điện tử mới, Kh-32 khó bị hệ thống phòng thủ tên lửa đối phương bắn hạ. Xác suất diệt mục tiêu của tên lửa Kh-32 là 0,80-0,82.

Kh-32 – không phải là tên lửa chống hạm thuần túy, nó là tên lửa hành trình đa năng "không đối đất". Phần cải tiến hệ thống điều khiển không liên quan tới việc sử dụng nó trên biển. Trong quả tên lửa này xuất hiện thêm hệ thống điều chỉnh đường bay "theo bản đồ" – thiết bị đo độ cao sẽ theo dõi địa hình và so sánh với bản đồ độ cao của khu vực mà quả tên lửa sẽ bay qua.

Vì đây là quả tên lửa hoàn toàn mới, cho nên các tính năng chiến đấu của nó hoàn toàn được giữ kín. Chỉ biết rằng nó sẽ được trang bị đầu đạn hạt nhân. Không có thông tin thêm về các đầu đạn xuyên phá.

Những sát thủ thực sự đối với tàu sân bay Mỹ

Kh-32 không phải là vũ khí duy nhất của Nga được gọi là "sát thủ diệt tàu sân bay". Cho đến nay, tên lửa hành trình siêu thanh "Granit" dù được bàn giao cho quân đội từ năm 1984, nhưng vẫn còn giữ được uy lực.

Nó được mang phóng trên các tàu chiến mặt nước cũng như trên tàu ngầm. Quả tên lửa hành trình này "khủng hơn" Kh-32 – khối lượng xuất kích của nó tương đương 7 tấn, trang bị đầu đạn thông thường và hạt nhân với trọng lượng tối đa 500kT. Vận tốc tối đa – 2,5M. Tầm bắn phụ thuộc vào quỹ đạo bay – từ 200 đến 600km. "Granit" sở hữu một loạt những ưu việt:

Thứ nhất, cuộc tấn công được thực hiện một cách ồ ạt, do đó một vài quả tên lửa có thể xuyên thủng được hệ thống phòng thủ chống tên lửa.

Thứ hai, nhiều thiết bị điện tử, tổ hợp chiến tranh điện tử thường xuyên được nâng cấp. Quả tên lửa này cũng lưu giữ trong bộ nhớ của mình các mẫu tàu chiến và lựa chọn từ những "dữ liệu" đó hướng tấn công chính có lợi nhất.

Thứ ba, trong quá trình bay, các tên lửa trao đổi thông tin với nhau để phân bổ các mục tiêu triển khai tấn công. Có nghĩa là chúng sở hữu "trí tuệ bầy đàn".

Thứ tư, việc chỉ dẫn mục tiêu cho các tên lửa được thực hiện với sự hỗ trợ của lực lượng vũ trụ "Liana", cũng như hệ thống radar bờ biển kiểu "Podsolnukh" và các máy bay cảnh báo sớm.

Sự kế thừa "Granit" ở một mức độ công nghệ hiện đại hơn đó chính là các tên lửa hoàn toàn "tươi mới" Onyx.

Chúng có 2 phiên bản – hải quân (mặt nước và ngầm) và không quân. Có nghĩa là chúng vẫn giữ được tất cả các tính năng ưu việt của "Granit" nhưng vận tốc tăng đáng kể và các thuật toán tinh vi được áp dụng để xuyên phá hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.

Lòng tự hào của Hải quân Mỹ sẽ sụp đổ nếu sát thủ diệt tàu sân bay Nga khai hỏa? - Ảnh 2.

Tổ hợp tên lửa bờ Bastion-P của Nga.

Tuy nhiên, sức mạnh tấn công của một quả tên lửa này giảm do khối lượng của "Onyx" chỉ còn 3 tấn. Và khối lượng đầu đạn cũng giảm theo xuống còn tối đa 300kT. Tầm bắn cũng giảm, với quỹ đạo bay thấp ở độ cao 10m, tầm bắn là 120km. Với tầm bay cao, nó có thể bắn xa 500km. Với quỹ đạo bay kết hợp – tối đa 300km.

Tầm bắn với khoảng cách 120km có thể được sử dụng khi đối đầu với kẻ địch yếu hơn. Khi đối mặt với các tàu sân bay, những cú bay lượn như vậy không hề an toàn bởi phương tiện mang phóng có thể nằm gọn trong khu vực phòng thủ chống tên lửa và chống hạm của biên đội tàu sân bay.

Sức công phá của tên lửa này giảm, nhưng nó được bù đắp bằng số lượng lớn được triển khai trên các tàu tên lửa và tàu ngầm tấn công vì chúng được phóng loạt. Chúng cũng được trang bị đầu tự dẫn với hệ thống ăng ten chủ-thụ động hiệu quả hơn. Tầm khóa mục tiêu là 50km.

Còn 2 quả tên lửa mới nhất, nổi tiếng nhất của Nga được liệt kê vào danh sách "các sát thủ diệt tàu sân bay" – đó là Kh-35 và Kalibr phiên bản chống hạm. Cả hai đều là tên lửa cận âm, nhưng "Kalibr" ở đoạn cuối quỹ đạo bay có thể tăng tốc lên vận tốc siêu thanh 3M.

Các tên lửa này đều thuộc loại rất hiện đại do được trang bị tất cả những công nghệ tối tân để xuyên thủng hệ thống phòng thủ chống tên lửa của địch vì chúng khó bị phát hiện, có qũy đạo bay lắt léo bám mặt biển ở độ cao thấp và siêu thấp kèm theo khả năng kháng nhiễu tốt.

Sự đa năng được coi là ưu việt của hai quả tên lửa này khi có nhiều phiên bản, dùng được trên cả tàu ngầm và tàu chiến mặt nước, trên các máy bay và trực thăng hay trên các tổ hợp tên lửa bờ.

Tuy nhiên, vì sức mạnh công phá của đầu đạn khá khiêm tốn – 150kT của Kh-35 và 200kT của "Kalibr", nên khó có thể dùng chúng để tiêu diệt tàu sân bay. Mục tiêu "vừa miếng" của chúng là các tàu chiến có trọng tải tối đa 5 nghìn tấn.

Tên lửa diệt hạm Kh-35 của Nga tấn công theo phương thức ồ ạt.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại