Lưu Bị thiếu quyết đoán nên mới cần có Gia Cát Lượng và Warren Buffett cũng cần có nhà cố vấn thông thái hàng đầu Munger bên mình.
Trí tuệ và kinh nghiệm sống của Munger có thể nói là đỉnh cao, cùng một vấn đề, ông dùng một câu nói cũng tìm ra trọng điểm trong khi người khác cả đời cũng không thể tìm ra câu trả lời.
Một vị khách hàng từng hỏi Munger, "Làm thế nào để tôi trở nên giàu có?"
"Tôi sẽ cho anh biết 3 cách khiến anh nghèo", Munger nói.
Vị khách hàng kia đã rất tức giận khi nghe điều đó.
Munger lại cười và nói: "Nếu làm ngược lại ba điều này thì chẳng phải anh sẽ trở nên giàu có sao?"
Vị khách hàng chợt nhận ra, lập tức vui mừng và liên tục cảm ơn.
Vậy Munger đã nói gì?
Dưới đây 3 cách để trở nên nghèo mà Munger đã nói, nếu bạn muốn mình giàu có, hãy làm ngược lại.
Quy luật nghèo đói 1: Suy nghĩ, hành động thất thường
Nếu bạn thích cách làm việc mưa nắng thất thường, mỗi ngày một kiểu, bạn sẽ mất nhiều thời gian cho những công việc vô nghĩa, hiệu suất công việc cũng rất thấp.
Một ví dụ khác, nếu bạn bàn công việc với người khác, hôm nay nói thế này, ngày mai nói thế kia, vài ngày sau bạn lại thay đổi. Vậy việc này chắc chắn sẽ chẳng đi về đâu.
Bởi vì những người khác sẽ nghĩ rằng bạn đang không nghiêm túc hoặc bạn muốn lừa họ và có thể họ sẽ không muốn hợp tác với bạn trong tương lai.
Theo thời gian, tư duy của bạn sẽ trở nên chậm chạp, làm việc kém hiệu quả và lòng tin của người khác đối với bạn cũng sẽ dần sụp đổ.
Nếu bạn thấy mình đang làm điều tương tự, bạn nên làm gì để sửa lại?
Trước hết, bạn cần biết tại sao mọi thứ lại thất thường như vậy? Đó là do bạn suy nghĩ chưa đủ thấu đáo về mọi việc nên hết lần này đến lần khác bạn tìm ra điểm bất thường và thay đổi nó, đây là nguyên nhân chính khiến mọi thứ ngày càng rối loạn.
Sự thiếu suy xét, thiếu chín chắn chính là do bạn đang thiếu tập trung vào công việc. Nếu bạn cùng lúc tập trung vào cả đống việc khác nhau, sẽ không có việc nào được hoàn thiện.
Tốt hơn hết bạn nên tập trung vào 1 công việc duy nhất và ưu tiên theo mức độ quan trọng của việc đó. Như mọi người thường nói: một nghề cho chín còn hơn chín nghề.
Quy luật nghèo đói 2: Không học hỏi kinh nghiệm của người khác
Khoảng 8 năm trước, hai người đến gọi vốn lưu động. Một người là Tiểu Phương, người còn lại là Tiểu Hà.
Tiểu Phương thích tự mình khám phá mọi thứ, tự hiểu và không thích giao tiếp, học hỏi. Tiểu Hà thì ngược lại, anh thường xuyên hỏi ý kiến của người đi trước, sau đó nhìn vào thực tiễn để kiểm chứng.
Sau 4 tháng, Tiểu Hà đã vượt xa Tiểu Phương về kiến thức kinh tế tài chính và khả năng đầu tư. Vì tốc độ phát triển chậm nên Tiểu Phương không thể theo kịp và phải từ bỏ.
Chuyện gì đã xảy ra với Tiểu Hà sau đó?
Tiểu Hà trở thành chủ lực trong vòng vốn và sau một vài năm đào tạo, anh ấy hiện đã thành lập doanh nghiệp của riêng mình và bắt đầu có cổ phần tư nhân.
Tại sao số phận của hai người bắt đầu cùng một thời điểm lại khác nhau như vậy?
Đó là bởi một người biết đi đường tắt, còn người kia thì không.
Học hỏi kinh nghiệm của người khác là con đường tắt, những gì người khác đã dày công rèn luyện trong nhiều năm được đúc kết lại bằng ngôn ngữ súc tích và truyền đạt lại cho bạn. Nếu bạn học được những điều này, đường đến thành công của bạn sẽ ngắn hơn nhiều.
Nếu người khác không dạy nó thì sao?
Bạn có thể đọc sách. Một cuốn sách là kết tinh trí tuệ của một hoặc rất nhiều người. Người khác đúc kết một cuốn sách bằng kinh nghiệm hàng chục năm, bạn lại có thể đọc nó trong vài ngày và ngẫm nghĩ về nó.
Đứng trên vai những người khổng lồ, tầm nhìn của bạn có thể được mở rộng hơn gấp 10 lần. Vì vậy, hãy cố gắng tiếp thu kinh nghiệm của người khác, đó sẽ là bước đệm cho cánh cửa giàu có của bạn.
Quy luật nghèo đói 3: Thiếu ý chí
Nếu bạn luôn cảm thấy số phận bất công, không thể đảo ngược và từ bỏ chiến đấu với nó, chỉ muốn mặc cho số phận dày vò, vậy thì hãy thay đổi suy nghĩ đi! Đừng dễ dàng từ bỏ bản thân.
Trước tuổi 32, Munger cũng sống rất khó khăn, ông từng trải qua thời kỳ đại suy thoái, sau đó phải trải qua hàng loạt cú “knock out” từ số phận như thất bại trong hôn nhân, phá sản và cả mất con.
Munger không vì thế mà mất đi ý chí, ông không ngừng nỗ lực để trở mình. Sau 32 tuổi, sự cố gắng của ông đã được đền đáp, trong 3 năm ông kiếm được 1,4 triệu USD và lập tức chuyển mình thành công.
Nếu thời điểm đó Munger từ bỏ chính mình, thì có lẽ sau này sẽ không có tỷ phú mà mọi người ngưỡng mộ, nhà thông thái vĩ đại Charlie Munger.
Trong cuộc sống, ai cũng không thể tránh khỏi những lần thất bại nối tiếp thất bại.
Thay vì phó mặc bản thân cho số phận trêu đùa, mỗi lần bạn đứng dậy sau vấp ngã, bạn sẽ tìm thấy một cơ hội mới. Bạn càng mạnh mẽ đứng lên, cơ hội càng phía trước càng nhiều.
Số mệnh nằm ngay trong lòng bàn tay mỗi chúng ta, người quyết định vận mệnh của bạn không phải bất kỳ ai khác mà là chính bạn.