Bệ phóng ở Syria
Nga đang tận dụng khoảng trống quyền lực được tạo ra bởi mong muốn từ bỏ Trung Đông của Mỹ. Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nước Mỹ từng rốt ráo với chiến lược gây dựng ảnh hưởng ở Trung Đông. Nhưng giờ đây, Tổng thống Donald Trump cho thấy ông muốn rời khỏi khu vực nhiều rối ren này.
Với sự chuyển biến như vậy, Nga đang nổi lên như một lực lượng quân sự và chính trị thống trị trong khu vực, theo Jerusalem Post.
Vì sự hỗ trợ quân sự mang tính quyết định giúp chính quyền Tổng thống Bashar Assad, Nga đã được ưu tiên sử dụng các cơ sở quân sự ở Syria – bao gồm căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Khmeimim - vốn rất quan trọng cho hậu cần và trở thành bệ phóng cho sức mạnh của Moscow vươn ra Trung Đông, Balkan và xa hơn về phía Tây, dọc Địa Trung Hải.
Trong bất kỳ cuộc đối đầu nào với Mỹ, đây được coi là lợi thế không hề nhỏ dành cho Nga.
Tại Syria, quân đội Nga không chỉ đảo ngược cán cân sức mạnh trong cuộc chiến mà còn tận dụng làm nơi thử nghiệm vũ khí và các chiến lược tấn công đa dạng.
Các cuộc tấn công của Nga tại đây sử dụng nhiều vũ khí dẫn đường chính xác, cũng như thử nghiệm các hệ thống tác chiến điện tử. Ngoài ra, Nga còn tấn công các mục tiêu phiến quân Syria từ Biển Caspian và Đông Địa Trung Hải bằng cách sử dụng tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm và tàu chiến.
Trong mùa hè năm 2018, để hỗ trợ cuộc tấn công của quân Chính phủ vào thành trì phiến quân cuối cùng ở Syria, Nga đã triển khai một lực lượng hải quân đáng kể vào Địa Trung Hải, bao gồm cả tàu sân bay Đô đốc Kuznetzov.
Nga đang có căn cứ hải quân ở Syria, trở thành bệ phóng vươn ra Trung Đông.
Thông qua các hoạt động hàng hải, Nga đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng quân sự của mình. Sự hiện diện của Nga đã tạo ra các quy tắc trò chơi mới trên khắp Trung Đông, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động tự do của Mỹ và Israel.
Các căn cứ ở khu vực này sẽ cho phép Nga triển khai lực lượng, tiến hành các hoạt động sửa chữa và vận hành các vũ khí trên biển. Bên cạnh đó, Moscow có thể tiến hành khả năng giám sát, trinh sát và hoạt động thông tin liên lạc.
Các tàu ngầm của Nga không chỉ có thể phóng tên lửa hành trình vào các mục tiêu trên mặt đất mà còn đe dọa cơ sở hạ tầng dưới biển.
Lý do Nga xây dựng sức mạnh ở Địa Trung Hải
Nga có nhiều lý do để can thiệp ở Đông Địa Trung Hải. Mục đích nổi bật trong đó là để hỗ trợ chính quyền Syria, củng cố liên minh mới với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, và mặt khác là có được đòn bẩy chống lại Mỹ.
Tuy nhiên, chuyên gia Douglas J. Feith từ viện Hudson tin rằng, một trong số những lợi ích quan trọng nhất của Nga là có khả năng tác động đến giá năng lượng thế giới.
Nga muốn có đòn bẩy ở Địa Trung Hải.
Trong nhiều thập kỷ, nền kinh tế Nga chủ yếu là xuất khẩu dầu khí. Nga và Tổng thống Vladimir Putin rất coi trọng vấn đề kiểm soát giá năng lượng ở mức cao. Đây được coi là một trong những khía cạnh chưa được nhắc nhiều tới trong chính sách Trung Đông của Nga.
Theo chuyên gia Douglas J. Feith, những gì Nga đang muốn thực hiện ở khu vực Đông Địa Trung Hải là hướng tới việc giành được sức mạnh ảnh hưởng đến các quyết định liên quan đến năng lượng của Saudi Arabia và các quốc gia sản xuất quan trọng khác.
Khi Nga đứng về Tổng thống Assad và liên kết hiệu quả với Iran, điều này mang lại đòn bẩy với cả các đối thủ như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi và các quốc gia Sunni, bên cạnh Israel.
Trong cuộc đụng độ giữa Israel với Iran ở Syria, Nga đang chiếm vị trí chiến lược. Israel đã không kích ở Syria để giữ cho lực lượng Iran tránh xa biên giới. Tuy nhiên, Nga là cường quốc quân sự có ảnh hưởng lớn nhất ở Syria, do đó, Israel cần có sự hợp tác, hoặc ít nhất là được Moscow thông qua.
Mỹ lo lắng về Israel
Các quan chức Mỹ lo lắng về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Nga ở Đông Địa Trung Hải. Một số quan chức Mỹ, mặc dù không công khai, đã đề nghị Israel nên tiếp tục áp lực ở Syria cùng lời hàm ý họ nên ít hợp tác hơn với Nga.
"Sự chỉ trích này mặc dù không phải chính sách chính thức của Mỹ nhưng nó tạo ra sự khó chịu trong mối quan hệ Mỹ-Israel. Bởi trên thực tế, mỗi quốc gia sẽ được hưởng lợi từ sự hiểu biết rõ ràng hơn về các mối quan tâm chiến lược của nhau", chuyên gia Douglas J. Feith nhận định.
Tuy nhiên, Israel có lẽ sẽ vẫn giữ sự cân bằng trong chiến lược hiện tại. Các quan chức Israel nói rằng họ không coi Nga là kẻ thù. Trong khi đó, một cuộc tranh chấp lớn với Nga sẽ khiến Israel gặp khó khăn hơn, mà có thể dẫn đến việc không thể tấn công lực lượng Iran ở Syria. Đó là mối quan tâm chính của Israel, một mối quan tâm mà Mỹ vẫn đang chia sẻ.
"Người Israel không muốn Nga bảo vệ lực lượng Iran ở Syria. Họ không muốn lực lượng Israel chiến đấu với lực lượng Nga và cũng không muốn Nga triển khai hệ thống phòng không tối tân nhất của mình ở Syria", Feith nói.
Các quan chức Israel có thể theo đuổi sự hợp tác cần thiết với Nga ở Syria trong khi vẫn trấn an Mỹ rằng họ vẫn có những động thái không hài lòng với Nga. Và họ có thể trấn an những người bạn Mỹ của mình rằng Israel coi trọng mối quan hệ với Washington hơn các mối quan hệ quốc tế khác.