Loạt chính sách mới sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với mặt hàng xa xỉ này tại Việt Nam

Pha Lê |

Các chính sách ưu đãi từ Chính phủ sẽ là động lực chính cho sự phục hồi của ngành hàng này cũng như thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Loạt chính sách mới sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với mặt hàng xa xỉ này tại Việt Nam - Ảnh 1.

Hình minh họa

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAM), sản lượng bán ô tô tại thị trường trong nước 5 tháng đầu năm 2023 đã giảm 36% so với cùng kỳ, đạt 113.527 chiếc. Trong đó, doanh số bán xe cá nhân và xe lắp ráp (CKD) giảm 43%/40% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chủ yếu là ưu đãi giảm thuế trước bạ của Chính phủ đã hết hiệu lực, cùng với đó là nhu cầu của người tiêu dùng yếu do lãi suất cho vay mua ô tô cao.

Một thành viên khác ngoài VAMA là TC Group - đơn vị lắp ráp và phân phối xe Hyundai cũng ghi nhận kết quả không khả quan trong 5 tháng đầu năm 2023. Doanh số bán hàng của Huyndai trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt 22.903 chiếc (giảm 28,6% so với cùng kỳ). Trong khi đó, VinFast bán được 8.483 chiếc, giảm 30,4% so với cùng kỳ do doanh nghiệp này ngừng bán xe xăng từ cuối quý 4/2022.

Theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã nhập khẩu 61.974 ô tô nguyên chiếc, tăng 21% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm. Để giải bài toán tồn kho cao, các hãng xe và nhà phân phối đang áp dụng chính sách giảm giá mạnh, lên tới 100% lệ phí trước bạ cùng nhiều hình thức khuyến mại hấp dẫn khác.

Đơn cử như Honda City được hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ, Toyota Vios được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ, Huyndai Santa Fe sản xuất 2022 giảm giá từ 70 - 200 triệu đồng, Mitsubishi Xpander AT 2022 được đại lý hỗ trợ 100% phí trước bạ, BMW 3-Series được đại lý giảm giá cho phiên bản thế hệ cũ, Mercedes-Benz GLC 2022 được hỗ trợ 100% phí trước bạ...

Loạt chính sách mới sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với mặt hàng xa xỉ này tại Việt Nam - Ảnh 2.

Thị trường ô tô theo đánh giá của nhiều chuyên gia tiếp tục sẽ ghi nhận sự sụt giảm trong thời gian tới và có thể chạm đáy vào quý 3 năm nay. Tuy nhiên, một số chính sách mới được công bố của Chính phủ có thể sẽ là động lực giúp mặt hàng xa xỉ này tăng trưởng.

Cụ thể, ngày 23/5/2023, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh giảm một số lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn (giảm 0,5 điểm %), trần lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng đến 6 tháng (giảm 0,5 điểm %).

Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng đã tiếp tục giảm lãi suất huy động các kỳ hạn từ T5/23. Hiện mặt bằng chung lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng niêm yết tại các ngân hàng thương mại đã giảm xuống dưới 8%/năm. Cùng với lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay dự đoán cũng sẽ giảm trong nửa cuối năm 2023, điều này có thể thúc đẩy nhu cầu đối với các mặt hàng xa xỉ như ô tô.

Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 36 gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Cụ thể, thời hạn nộp thuế môn bài phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8, 9 chậm nhất là ngày 20/11/2023.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/06/23 đến hết năm nay. Hết thời gian gia hạn theo Nghị định này, việc nộp số thuế này sẽ được thực hiện theo quy định hiện hành. Từ năm 2020, đây là lần thứ 4 thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn nhằm hỗ trợ và phục hồi sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ngoài ra, Chính phủ đã thông qua đề án giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước, có hiệu lực từ 1/7 đến hết năm 2023. Trước đó, sau khi được áp dụng giảm lệ phí trước bạ trong nửa cuối 2020 và 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh số bán ô tô toàn thị trường chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ.

Đặc biệt, doanh số bán ô tô con trong nửa cuối 2020 đạt 189.451 chiếc, tăng 76% so với 6 tháng đầu năm 2020 và tăng 33% so với cùng kỳ, trong khi con số này trong 6 tháng năm 2022 đạt 252.932 chiếc (tăng 36% so với cùng kỳ).

Loạt chính sách mới sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với mặt hàng xa xỉ này tại Việt Nam - Ảnh 3.

Trong số các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp xe ô tô trong nước, CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh - HAX dự kiến sẽ được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi của Chính phủ khi hầu hết các mẫu xe của HAX đều được lắp ráp trong nước. HAX là nhà phân phối Mercedes-Benz số 1 Việt Nam với gần 40% thị phần.

Đối với Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - VEA, VEA hiện đang sở hữu cổ phần với 3 doanh nghiệp lớn gồm Honda Việt Nam 30%, Toyota Việt Nam (20%) và Ford Việt Nam (20%). Toyota sẽ tiếp tục giành thị phần trong nửa cuối 2023 - 2024 nhờ các tính năng/giá hấp dẫn như Corolla Cross (CBU, SUV nhỏ gọn) và Veloz (CBU, MPV) và tận dụng lợi thế từ việc giảm thuế trước bạ.

"Chúng tôi kỳ vọng các chính sách ưu đãi từ Chính phủ sẽ là động lực chính cho sự phục hồi của ngành ô tô trong nửa cuối 2023", báo cáo phân tích ngành ô tô vừa công bố của VnDirect nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại