Lao động Việt Nam xuất ngoại tăng đột biến, tập trung đông nhất tại khu vực nào?

Pha Lê |

Trong 6 tháng đầu năm, số lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động cao gấp 1,55 lần cùng kỳ năm ngoái.

Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã công bố số liệu về tình hình xuất khẩu lao động ra nước ngoài tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, trong tháng 6 cả nước có khoảng 12.600 lao động ra nước ngoài làm việc, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 6 năm 2022 là 15.349 lao động).

Trong đó, số lao động đi làm việc tại Nhật Bản là 5.995 người, Đài Loan 5.337 lao động, Hàn Quốc 398 lao động nam, Trung Quốc 173 lao động nam, Ba Lan 153 lao động, Hungary 143 lao động…

Tổng chung, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 72.294 người. Năm 2023, Việt Nam dự tính kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 110.000 người. Với số lao động xuất ngoại trên, Việt Nam đã đạt trên 60% kế hoạch năm 2023. Con số này cũng cao hơn 1,55 lần so với 6 tháng đầu năm 2022.

Dẫn đầu các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam là Nhật Bản với 34.508 người, tiếp đến là Đài Loan với 31.538 lao động, Hàn Quốc với 1.608 lao động, Trung Quốc 902 lao động, Singapore 727 lao động, Hungary 712 lao động, Hungary 712 lao động, Rumani 469 lao động và các thị trường khác.

Cục Quản lý lao động ngoài nước đánh giá, hai thị trường lao động lớn của nước ta là Nhật Bản và Hàn Quốc đều có những tín hiệu tích cực trong 6 tháng qua.

Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện các cải tiến chính sách để người lao động nước ngoài có tay nghề cao sẽ có thể lưu trú lâu dài và mở rộng nhóm ngành nghề cho Chương trình kỹ năng đặc định số 2.

Theo đó, việc Nhật Bản quyết định mở rộng thêm 9 ngành nghề về chế biến thực phẩm và nhà hàng vào danh sách các ngành nghề không có thời hạn làm việc đối với tư cách lưu trú kỹ năng đặc định đã nâng những ngành nghề người lao động nước ngoài có thể lưu trú dài hạn lên 12 ngành, nghề.

Cùng với đó, Hàn Quốc thông báo sẽ tăng gấp 5 lần chỉ tiêu tiếp nhận lao động Việt. Đây là cơ hội để tăng số lượng, tăng quyền lợi, mở ra cơ hội cư trú lâu dài đối với lao động Việt Nam.

Lao động Việt Nam xuất ngoại tăng đột biến, tập trung đông nhất tại khu vực nào? - Ảnh 1.

Hình minh họa

Đối với lao động trong nước, theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 2/2023 là 52,3 triệu người, tăng hơn 100 nghìn người so với quý trước và 0,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý 2/ 2023 là 68,9%, không thay đổi so với quý trước và tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nữ giới là 63,1%, nam giới là 75,0%; khu vực thành thị là 65,5%, khu vực nông thôn là 71,0%.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý 2/2023 là 7,0 triệu đồng, giảm 79.000 đồng so với quý 1/2023 và tăng 355.000 đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,37 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (8,0 triệu đồng so với 5,8 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,40 lần khu vực nông thôn (8,5 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng).

Quý 2/2023 so với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của lao động làm việc trong một số ngành kinh tế tiếp tục tăng. Lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có thu nhập bình quân là 7,7 triệu đồng, tăng 4,3%, tương ứng tăng 316.000 đồng (cùng kỳ năm 2022 tăng 12,4%, tương ứng tăng 818.000 đồng so với quý 2/2021).

Thu nhập bình quân của lao động ngành dịch vụ, lưu trú và ăn uống là 6,6 triệu đồng, tăng 6,4%, tương ứng tăng 395.000 đồng (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,8%, tương ứng tăng 572.000 đồng). Lao động làm việc trong ngành vận tải kho bãi có thu nhập bình quân là 9,6 triệu đồng, tăng 7,6%, tương ứng tăng 679.000 đồng (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,9%, tương ứng tăng 798.000 đồng so với quý 2/2021).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại