Loại lá mọc hoang tưởng không ăn được lại là đặc sản miền Tây

H.M |

Nhiều người không biết thứ lá này có thể ăn được, thậm chí ăn ngon mà còn có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.

Cây nhàu hay còn được gọi là cây ngao, là một loại cây có thể tìm thấy dễ dàng ở miền Nam nước ta. Quả nhàu có thể ăn được và nhiều người dùng để ngâm rượu. Thế nhưng ít ai biết lá nhàu cũng có thể dùng để chế biến thức ăn. Lá nhàu vốn được biết đến với nhiều công dụng tốt như điều hòa kinh nguyệt cho các chị em, làm mát cơ thể, nhuận tràng tốt.

Lá nhàu thường được người miền Nam, miền Tây dùng như một nguyên liệu nấu ăn. Điển hình nhất phải nhắc tới món lươn um lá nhàu của người miền Tây. Lươn cũng là nguyên liệu phổ biến được người miền Tây yêu thích.

Loại lá mọc hoang tưởng không ăn được lại là đặc sản miền Tây - Ảnh 1.

Những miếng thịt lươn béo béo, mằn mặn kết hợp với hương thơm của lá nhàu khiến món ăn này trở thành đặc sản không thể bỏ qua khi tham quan vùng đất này. Những gia vị đặc trưng của người miền Tây được nêm nếm vào càng khiến món ăn trở nên đặc biệt, độc đáo như vị cay của ớt tươi, ngọt thơm của nước dừa.

Ngoài ra, lươn um còn có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe mà rất ít người biết. Lươn um lá nhàu không những là một món ăn ngon, mà còn có tác dụng chữa các chứng bệnh như mụn nhọt, trị sốt, trị đau lưng, mát gan, đau đầu…

Loại lá mọc hoang tưởng không ăn được lại là đặc sản miền Tây - Ảnh 2.

Món ăn này được chế biến qua nhiều công đoạn phức tạp và khá tốn thời gian. Lươn được bắt từ ngoài đồng về, sau đó đem sơ chế sạch sẽ. Người ta thường chọn những con mình tròn, to, béo mập rồi ngâm trong nước vài giờ đồng hồ. Trước khi làm ruột, mọi người thường giải quyết mùi tanh và độ nhớt vốn có của lươn. Đối với người dân Cà Mau, họ thường vuốt lươn thật kỹ bằng tro bếp rồi rửa lại nước cho thật sạch. Sau khi trải qua công đoạn làm giảm độ trơn và mùi tanh của lươn, mọi người sẽ chặt từng khúc nhỏ rồi bắt đầu ướp gia vị khoảng tầm 20 phút.

Công đoạn chế biến lươn đã xong, người ta sẽ bắt đầu chuyển sang chọn lá nhàu. Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, họ thường chỉ chọn những lá nhàu non để nấu món này. Sau khi rửa sạch, để ráo, người nấu đặt lá nhàu và một vài tép sả dưới đáy nồi. Người nấu đặt lươn ở giữa, cuối cùng là lớp lá nhàu ở trên cùng.

Loại lá mọc hoang tưởng không ăn được lại là đặc sản miền Tây - Ảnh 3.

Sau đó nồi um được bắc lên bếp. Vài phút sau, phần da lươn đã bắt đầu nhăn lại, lúc này người ta sẽ đổ nước cốt dừa vào và đun với lửa liu riu. Cho đến khi nước dùng trong nồi um bắt đầu cạn và đặc lại dần, da lươn nứt nhẹ thì tắt bếp. Vừa tắt bếp xong phải rắc thêm một chút đậu phộng để món ăn thơm ngon hơn nữa.

Món lươn um lá nhàu sẽ không hoàn hảo nếu thiếu đi nước chấm. Để làm nước chấm, bạn phi tỏi băm, sả băm cùng tương hột xay cùng một chút dầu, đổ thêm một chút nước cốt dừa và đường vào sên đặc lại. Đổ nước chấm ra bát, rắc thêm đậu phộng giã nhuyễn cùng ớt xay vào là hoàn thành.

Ngoài món lươn um lá nhàu trứ danh, lá nhàu còn được dùng để nấu canh với thịt bò. Lá nhàu nấu canh thịt bò là món ăn xuất xứ từ miền Nam, đây là món ăn ngon, lạ, bổ dưỡng, rất tốt cho sức khỏe phù hợp với mọi lứa tuổi. Ngoài ra lá nhàu nấu canh còn có công dụng hỗ trợ điều trị bệnh tuyệt vời, rất tốt cho người bệnh tiểu đường, đau lưng, cảm, đau dây thần kinh, chống viêm hiệu quả, phù hợp với người ăn kiêng, người phục hồi sức khỏe.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại